46 ngàn tỉ đồng sẽ bị “ném qua cửa sổ” nếu như các địa phương được thụ hưởng chính sách mãi còn loay hoay chưa biết cho nông dân “cần câu” như thế nào để câu được “con cá” phù hợp.
Cần điều tra nhu cầu học nghề và việc làm tại mỗi địa phương- Ảnh minh họa |
Lúng túng
Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 1956 và triển khai từ 1/1/2010. Tổng kinh phí cho Chương trình lên tới 46 ngàn tỉ đồng với mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn, trong đó khoảng 100.000 công chức cấp xã, 300.000 lao động làm nông nghiệp tại chỗ và 600.000 lao động chuyển dịch sang các ngành công nghiệp, dịch vụ…
Trước đây, trong các bản báo cáo về dạy nghề, nâng cao trình độ lao động nông thôn, khó khăn, bất cập lớn nhất được đề cập bao giờ cũng là câu chuyện thiếu kinh phí. Thế nhưng, khi Đề án triển khai với lượng kinh phí không nhỏ mới “lộ” ra vấn đề là các địa phương lâu nay chưa “sẵn sàng” để “vào cuộc”. Khảo sát của Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy, còn quá nhiều địa phương chưa tiến hành khảo sát nhu cầu học nghề và việc làm tại địa phương. Do đó, chính những “người trong cuộc” lại lung túng khi chọn đối tượng học nghề và thẩm định chi phí dạy nghề.
Ngay ở một địa phương có nền kinh tế năng động như thành phố cảng Hải Phòng, mà ông Vũ Đình Khang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tại hội nghị triển khai Đề án này mới đây cũng vẫn còn băn khoăn với câu hỏi: Tới đây, hàng ngàn hộ gia đình ở Hải Phòng sẽ không còn làm muối nữa do xây dựng cầu cảng, vậy việc đào tạo đón đầu như thế nào? Vị giám đốc này thừa nhận rằng tốc độ đô thị hoá quá nhanh tại Hải Phòng đang đưa nhiều người nông dân vào tình trạng mất đất sản xuất, mất việc làm và ngay chính quyền địa phương cũng chưa tìm được phương án tối ưu giải quyết việc làm cho nông dân mất đất.
“Điều quan trọng nhất là chính quyền xã phải thực sự hiểu được nhu cầu của lao động tại địa bàn của mình, sau đó họ mới xây dựng được các kế hoạch đào tạo”, ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ kiểm định chất lượng dạy nghề khẳng định. Song, thử hỏi có bao nhiêu lãnh đạo xã tư duy và trăn trở với câu hỏi người dân ở xã mình cần học nghề gì để có thể chuyển đổi nghề nghiệp, có thu nhập ổn định?
Gắn trách nhiệm để tăng hiệu quả
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng cục dạy nghề mới đây đã có ý tưởng tổ chức các cuộc họp để nghe lãnh đạo các xã, thôn, huyện bày tỏ nguyện vọng thực sự của họ về đào tạo nghề cho nông dân ở địa phương họ như thế nào? Số tiền nhà nước duyệt cho Đề án không phải số tiền nhỏ và cơ hội thay đổi chất lượng lao động nông thôn trông đợi cả vào quá trình triển khai đề án này.
Theo ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục dạy nghề cho biết, để thực hiện hiệu quả Đề án, Tổng cục dạy nghề đã chỉ đạo trung tâm dạy nghề các tỉnh tiến hành 3 khảo sát: nhu cầu của người học gắn liền với tuyên truyền tư vấn cho người học trước khi tiến hành đào tạo nghề; khả năng sử dụng lao động của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn; năng lực dạy nghề của các cơ sở dạy nghề trên địa bàn. “Khi có “3 biết” chúng ta sẽ thực hiện cơ chế “đặt hàng” trong dạy nghề để đảm bảo dạy nghề gắn với việc làm”, ông Sâm nói.
Ông Sâm cũng cho biết thêm, Đề án sẽ được triển khai trên tinh thần “gắn trách nhiệm”. Trách nhiệm ở đây thuộc về lãnh đạo các cấp ở địa phương. Các tỉnh có trách nhiệm thực hiện nhu cầu học nghề, dự báo cung cầu nhân lực. Nếu dự báo sai, Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm trước UBND huyện,UBND huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, UBND tỉnh chịu trách nhiệm với TƯ. Ngoài ra, người đi học cũng phải có trách nhiệm với việc học của mình.
Việc “gắn trách nhiệm” như nêu trên nếu được thực hiện triệt để sẽ là yếu tố tiên quyết để Đề án thành công. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lao động khuyến cáo không nên “tư duy” đào tạo lao động một cách đại trà mà phải đặt Đề án trong một tầm nhìn chiến lược hơn. “Nếu như dự báo tương đối chính xác nhu cầu lao động trong các ngành nghề mới (cả về số lượng và tay nghề) thì Đề án sẽ tránh được tình trạng “đẩy” nông dân đi học và rồi lại trở về làm nông bởi vấp phải vòng luẩn quẩn: học xong không có việc làm”, một chuyên gia của ILO khuyến nghị.
Anh Phương