5 lý do khiến ’Avatar’ thua cuộc tại Oscar

Rốt cuộc, "Avatar" chỉ là vua phòng vé, còn danh hiệu vua giải thưởng năm nay đã thuộc về "The Hurt Locker". Đồng thời, James Cameron cũng thất bại trên mọi mặt trận trước người vợ cũ của mình, Kathryn Bigelow.

Rốt cuộc, "Avatar" chỉ là vua phòng vé, còn danh hiệu vua giải thưởng năm nay đã thuộc về "The Hurt Locker". Đồng thời, James Cameron cũng thất bại trên mọi mặt trận trước người vợ cũ của mình, Kathryn Bigelow.

Trước đây, "Avatar" được ca ngợi là đã qua mặt "Titanic". Một cách không trọn vẹn. Doanh thu chiếu phim vượt trội nhưng về số lượng giải thưởng thu được thì kém xa. Nhất là "Titanic" đang ôm kỷ lục 11 giải Oscar. Điều trùng hợp là, "Avatar" giành 3 giải trong số 9 đề cử. "Titanic" cũng chiến thắng ở chính 3 hạng mục đó hồi năm 1997, cùng 6 hạng mục khác, trong đó có Phim hay nhất.

James Cameron chúc mừng Kathryn Bigelow tại Oscar 2010. Ảnh: AFP.
James Cameron chúc mừng Kathryn Bigelow tại Oscar 2010. Ảnh: AFP.

Hãy cùng tác giả Crews của trang Filmjunk phân tích những lý do thất bại của bộ phim 2,5 tỷ USD.

Thứ nhất, "Avatar" thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, và điều quan trọng là, hạng mục "Phim hay nhất" của Oscar chưa bao giờ ghi danh một phim khoa học viễn tưởng nào cả.

Với những người trẻ hồi năm 1977, tức là những ông bố bà mẹ hiện tại, cảm xúc khi xem "Star Wars" cũng giống như chúng ta xem "Avatar" trình diễn công nghệ 3D bây giờ vậy. Nhà phê bình phim Roger Ebert mô tả sự mới mẻ về kỹ xảo của "Star Wars" thời đó là "một hiện tượng, một sự kiện lớn". Tuy nhiên, tại Oscar năm đó, bộ phim này chịu thua trước phim hài lãng mạn "Annie Hall" trong cuộc đua Phim hay nhất, chỉ giành 6 giải phụ.

"Jaws" năm 1975 cũng là một ví dụ tương tự. Được đánh giả cao về hiệu ứng hình ảnh, nhưng nội dung không xuất sắc nổi bật, vì vậy "Jaws" về sau đối thủ "One Flew Over the Cuckoo’s Nest".

Khán giả say đắm hình ảnh của nhân vật, chứ không phải bản thân nhân vật. Ảnh: 20th Century Fox.
Khán giả say đắm hình ảnh của nhân vật, chứ không phải bản thân nhân vật. Ảnh: 20th Century Fox.

Thứ hai, phim không có những yếu tố cần có của một câu chuyện hay.

Để làm nội dung của một bộ phim trở nên trọn vẹn, thông thường, các yếu tố như tình tiết, tính cách nhân vật, bối cảnh và khả năng tác động đến cảm xúc người xem luôn cần thiết.

Hình ảnh đẹp không phải là tất cả. Hy sinh các yếu tố trên để tập trung cho hình ảnh là điều mạo hiểm, và thường sai lầm. Không phủ nhận, khán giả được thưởng thức thế giới kỹ xảo tuyệt diệu từ "Avatar", hình ảnh trên màn ảnh quả thực tráng lệ. Nhưng điều làm họ say đắm chính xác là những hình ảnh kỹ xảo của nhân vật, chứ không phải bản thân nhân vật.

Nói tóm lại, "Avatar" thiếu rất nhiều yếu tố để là một phim hay.

Thứ ba, kịch bản không mới, không đặc sắc, thậm chí bị quy kết là chắp vá.

Những người không thích “Avatar” có thể nói bộ phim dường như lấy rất nhiều tình tiết, diễn biến từ những phim trước đó. Câu chuyện quen thuộc dạng chàng trai và cô gái gặp nhau, yêu nhau. Nhưng chàng trai lại là kẻ thù đánh chiếm quê hương của cô gái. Rồi vì tình yêu anh ấy thay đổi, đứng cùng chiến tuyến với nàng.

Không hẳn là sao chép, nhưng không có gì mới mẻ. Mà với một tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, sáng tạo mới mẻ là yêu cầu hàng đầu. Có thể nói, “Avatar” hao hao “Dances with Wolves” (1990) hay “Pocahontas” (1995).

Thứ tư, những tranh cãi về tôn giáo và chính trị xung quanh bộ phim. Mặc dù chỉ rộ lên một thời gian ngắn rồi lắng xuống, bị che lấp bởi chiến tích phòng vé rực rỡ, nhưng có thể những rắc rối này làm Viện Hàn lâm “ngại” trao Oscar cho “Avatar”.

Còn nhớ, báo chí và đài phát thanh của Tòa thánh Vatican từng lên án bộ phim tôn thờ tự nhiên, phủ nhận mọi tôn giáo khác, trong đó có Thiên chúa giáo. Nhà báo Armond White của tờ New York Press viết: “James Cameron đã xuyên tạc, bóp méo chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc”.

Có thể, Oscar muốn tránh những tranh cãi và chỉ trích, nên đã đẩy “Avatar” ra để chọn những phim an toàn hơn về mặt chính trị và tôn giáo.

Thứ năm, xét trong bảng đề cử, quả thật "Avatar" không phải là nổi trội. Có chăng là danh tiếng được thổi phồng bởi thành công rực rỡ về doanh thu. "The Hurt Locker" gai góc và không gọt giũa, nhưng rất thật, cùng với âm nhạc gây cảm xúc mạnh mẽ. "Inglourious Basterds", châm biếm và lập dị, nhưng hoàn toàn là một bước tiến với sự nghiệp đạo diễn của Quentin Tarantino. "Up" với câu chuyện ngây thơ đầy sáng tạo, mơ mộng nhưng không viển vông và giống như "Avatar", hình ảnh tuyệt đẹp, cũng được đánh giá là một kiệt tác mới của hãng hoạt hình Pixar.

Đây không phải là hành động "tát nước theo mưa" khi bộ phim về chiến tranh Iraq đã chiến thắng, còn "Avatar" chiến bại. Trước giải Oscar, nhiều khán giả và nhà phê bình cũng nói như đinh đóng cột, rằng "The Hurt Locker" xứng đáng đoạt giải hơn cả. Còn "Avatar", kể cả những khán giả hâm mộ cũng phải thừa nhận, bộ phim chưa xứng tầm nhận giải. Nếu là Michael Bay, có thể người ta chỉ trông chờ ở kỹ xảo hoành tráng và đẹp mắt. Nhưng đây là James Cameron, nên phải là cái gì hơn thế. Tiếc là, "Avatar" chưa làm được điều đó.

Có thể nói, "Avatar" là một phim hay, nhưng chưa phải là một phim xuất sắc. Vì thế, so với những phim xuất sắc thực sự trong bảng đề cử năm nay, bộ phim thất bại là điều dễ hiểu.

Theo VnExpress

Đọc thêm