5 thông tin quan trọng người có ô tô cần biết trước 31/12 nếu không muốn bị phạt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát; Hạn cuối sang tên xe qua nhiều đời chủ không có giấy tờ... là những quy định cần thực hiện trước ngày 31/12/2021. 
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Hạn cuối sang tên xe qua nhiều đời chủ không có giấy tờ

Thông tư 58/2020/TT-BCA, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều đời chủ, nhưng thiếu/không có giấy tờ chuyển nhượng sẽ chỉ còn được giải quyết đăng ký, sang tên dến hết ngày 31/12/2021.

Sau ngày 31/12/2021, xe nói chung và xe ô tô nói riêng thuộc trường hợp nêu trên sẽ không được giải quyết đăng ký, sang tên. Do đó, người đã mua ô tô cũ, qua nhiều đời chủ nhưng không có giấy tờ chuyển nhượng cần nhanh chóng đi làm thủ tục này để xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với chiếc ô tô đó.

Xe kinh doanh vận tải phải lắp camera giám sát

Nghị định 10/2020/NĐ-CP quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách từ 09 chỗ trở lên phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong quá trình tham gia giao thông trước ngày 01/7/2021. Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ lại ra Nghị quyết 66/NQ-CP quyết định lùi việc bắt buộc lắp camera đến hết 31/12/2021.

Như vậy, từ ngày 1/1/2022, nếu như xe khách không lắp camera giám sát sẽ bị xử phạt nặng với mức 1-2 triệu đồng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, đồng thời có thể bị từ chối đăng kiểm. Do đó, các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách cần gấp rút thực hiện quy định nêu trên.

Hết hạn giảm phí sử dụng đường bộ

Thêm một thông tin quan trọng mà các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh vận tải cần lưu ý là theo Thông tư 47/2021/TT-BTC, ngày 31/12/2021 chính là hạn cuối được miễn phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải.

Thông tư quy định giảm: 30% phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải hành khách, gồm ô tô chở người và các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng; 10% phí sử dụng đường bộ đối với xe tải, xe ô tô chuyên dùng, xe đầu kéo.

Từ ngày 01/01/2022, mức phí sử dụng đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải trở lại mức cũ theo quy định tại Thông tư 293/2016/TT-BTC.

Phải có dây an toàn ở ghế nằm, giường nằm

Một yêu cầu khác cũng có "deadline" vào ngày 31/12 tới đây là việc xe ô tô kinh doanh vận tải buộc phải có dây an toàn ở tất cả các vị trí chở khách, bao gồm cả ghế nằm, giường nằm theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP.

Trước ngày 31/12/2021, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách đã được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm (trừ xe buýt nội tỉnh).

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải hành khách phải đáp ứng đủ các điều kiện tham gia giao thông, trong đó bắt buộc phải có dây an toàn tại các vị trí ghế ngồi, giường nằm.

Nếu xe ô tô tham gia kinh doanh vận chuyển hành khách không bố trí dây an toàn thì lái xe sẽ bị xử phạt từ 600-800 nghìn đồng theo điều 23, Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Xe kinh doanh vận tải phải đổi biển số vàng

Thông tư 58/2020/TT-BCA quy định về một loại biển số hoàn toàn mới là “biển số vàng”. Đây là loại biển số xe có nền màu vàng và chữ màu đen, có seri sử dụng lần lượt một trong các chữ cái từ A đến Z.

Theo Thông tư này, biển số vàng được áp dụng cho xe kinh doanh vận tải, tức là bao gồm: Xe chở khách theo tuyến cố định; Xe buýt theo tuyến cố định; Xe taxi; Xe chở khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định; Xe chở khách du lịch.

Đáng chú ý, Thông tư quy định xe đang hoạt động kinh doanh vận tải trước ngày 01/8/2021 thì cần phải thực hiện đổi sang biển số vàng trước ngày 31/12/2021. Còn xe hoạt động kinh doanh vận tải từ 01/8/2021 thì đã được cấp biển số vàng ngay từ khi đăng ký, nên không cần phải làm thủ tục chuyển đổi này.

Phòng Cảnh sát giao thông một số địa phương cũng cho biết sẽ xử phạt đối với người kinh doanh vận tải chưa làm thủ tục đổi biển trắng sang biển vàng từ ngày 01/01/2022.

Cụ thể, Phòng Cảnh sát giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ ngày 01/01/2022, tất cả xe kinh doanh không đổi sang biển số vàng sẽ bị phạt vì lỗi “không thực hiện đúng quy định về biển số” theo điểm đ, khoản 7, Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Mức phạt từ 02 - 04 triệu đồng đối với cá nhân và từ 04 - 08 triệu đồng đối với tổ chức.

Đọc thêm