55 năm, chặng đường vẻ vang của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21-7-1954) cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Đối với Lào, “Pathét Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết là tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Phong Xa Lỳ...” (1).

Sau thất bại tại Điện Biên Phủ (7-5-1954), thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21-7-1954) cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương. Đối với Lào, “Pathét Lào là lực lượng chính trị độc lập, hợp pháp, có quân đội, có vùng tập kết là tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Phong Xa Lỳ...” (1).

Tuy nhiên, cuộc sống hòa bình mà nhân dân các bộ tộc Lào được hưởng thật ngắn ngủi. Ngay sau khi thực dân Pháp thất bại tại Đông Dương, đế quốc Mỹ đã nhanh chóng thế chân Pháp nhảy vào tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo. Trước yêu cầu mới của cách mạng, nhằm lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào tiến lên giành thắng lợi cuối cùng, đòi hỏi khách quan của lịch sử lúc bấy giờ là phải thành lập một Đảng riêng của dân tộc Lào. Trên tinh thần đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương (2), các đảng viên Cộng sản Lào sau một thời gian chuẩn bị đã tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc để thành lập đảng cách mạng của mình.

Đại hội họp từ ngày 22-3 đến ngày 6-4-1955 tại tỉnh Hủa Phăn với sự tham dự của 20 đại biểu chính thức, thay mặt cho gần 400 đảng viên trong cả nước. Đại hội đã thông qua báo cáo về xây dựng Đảng, nhất trí lấy tên đảng là Đảng Nhân dân Lào; thông qua các chính sách cơ bản, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng và bầu đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản làm Tổng Bí thư. Sự kiện này “đánh dấu bước phát triển mới và bước ngoặt hết sức quan trọng trong lịch sử cách mạng Lào” (3).

Ra đời trong điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt nhưng trong gian khổ khó khăn, bản lĩnh của Đảng Nhân dân Lào lại được khẳng định hơn bao giờ hết. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản, nhân dân Lào đã tiến hành đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, bảo vệ hai tỉnh tập kết và phát triển lực lượng cách mạng trong thời kỳ mới. Tháng 8-1955, Trung ương Đảng Nhân dân Lào ra Nghị quyết chủ trương: “Động viên toàn dân kết hợp nổi dậy đấu tranh đánh bại bọn Mỹ xâm lược và tay sai, làm cho nước Lào trở thành nước hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, thống nhất và thịnh vượng, đưa cách mạng Lào tiến lên một cách vững chắc” (4). Dưới ánh sáng của Nghị quyết Đảng Nhân dân Lào, toàn thể nhân dân các bộ tộc Lào đã đoàn kết, sát cánh cùng nhau đấu tranh chống đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Kết quả là đến năm 1957, Chính phủ Liên hiệp được thành lập.

Đến cuối năm 1957, số đảng viên của Đảng Nhân dân Lào là 1.500 đồng chí, sinh hoạt trong 578 chi bộ. Hệ thống tổ chức của Đảng hình thành ở khắp 12 tỉnh trong cả nước. Phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân, tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đặc biệt là của nhân dân Việt Nam, Đảng Nhân dân Lào đã đưa cách mạng Lào tiến lên một cách vững chắc.

Ngày 3-2-1972, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Nhân dân Lào đã khai mạc tại Viêng Xay (Hủa Phăn). Đại hội đã quyết định đổi tên Đảng Nhân dân Lào thành Đảng Nhân dân Cách mạng Lào; đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư. Đại hội II đánh dấu bước phát triển, trưởng thành của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào trong việc xây dựng đảng Mác - Lê-nin kiểu mới. “Đại hội nói lên quyết tâm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến lên CNXH” (5).

Mùa xuân 1975, sau thắng lợi của cách mạng Cam-pu-chia và Việt Nam, Đảng NDCM Lào đã lãnh đạo toàn dân đấu tranh giành chính quyền bằng ba đòn chiến lược và mũi đấu tranh pháp lý, kết quả đã giành được thắng lợi trọn vẹn. Từ ngày 1 đến 2-2-1975, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Lào diễn ra tại thủ đô Viêng-chăn. Đại hội chấp nhận việc thoái vị của nhà vua, quyết định giải thể Chính phủ liên hiệp lâm thời và Hội đồng quốc gia chính trị liên hiệp, tuyên bố xóa bỏ chế độ quân chủ, thành lập chế độ cộng hòa, dân chủ nhân dân, quy định quốc huy, quốc kỳ, quốc ca và ngôn ngữ chính thức; quyết định thành lập Hội đồng Nhân dân Tối cao và Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đồng chí Xu-pha-nu-vông được bầu làm Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được bầu làm Thủ tướng nước CHDCND Lào. Đất nước Lào bước sang một giai đoạn mới.

Ngày 13-11-1986, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (6) của Đảng NDCM Lào đã chính thức khai mạc tại thủ đô Viêng-chăn. Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, chuyển đổi nền kinh tế sang kinh tế thị trường, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa. Từ sự lãnh đạo sáng suốt của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng NDCM Lào, các nghị quyết, chủ trương của Đảng đã dần dần đi vào cuộc sống của nhân dân các bộ tộc và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân. Từ năm 1986 đến nay, nhịp độ phát triển kinh tế tăng liên tục. Trong những năm 1986-1990, GDP trung bình tăng 4,8%, giai đoạn từ 1991-1995: 6,4%, từ 1996-2000: 6,2% và giai đoạn 2001-2005: 6,2%. Tăng trưởng GDP năm 2007 đạt 8%, năm 2008 đạt 7,9%. Thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, năm 2000 đạt 298 USD/người/năm; năm 2006 đạt 546 USD/người/năm, năm 2007 đạt 678 USD/người/năm, năm 2008 đạt 841 USD/người/năm. Đi đôi với những thành tựu đó, quan hệ đối ngoại của Lào không ngừng được mở rộng. Đảng NDCM Lào thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ; sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước nhằm bảo đảm lợi ích chung và lợi ích riêng của mỗi bên... Tính đến nay, CHDCND Lào có quan hệ ngoại giao với 121 nước trên thế giới.

Có thể nói, trải qua chặng đường 55 năm lịch sử, Đảng NDCM Lào đã khẳng định được bản lĩnh và trí tuệ tuyệt vời của mình trong việc lãnh đạo nhân dân các bộ tộc Lào tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

(1) Ban chỉ đạo lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 86.

(2) Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra vào tháng 2-1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang.

(3), (4) Ban chỉ đạo lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Sđd, tr 96 - 97, 99.

(5) Ban chỉ đạo lý luận và thực tiễn Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: Lịch sử Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Sđd, tr 161 – 162.

(6) Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV gồm 60 ủy viên, gồm 51 ủy viên chính thức và 9 ủy viên dự khuyết. Trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất khóa IV, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.

Đọc thêm