6 tháng, Quảng Ninh đã xử lý 73.304 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền 92,7 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, tại TP Hạ Long, Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm và phương hướng nhiệm vụ những tháng cuối năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban ATGT phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban ATGT phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn xảy ra 41 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm chết 23 người, bị thương 31 người; không xảy ra tai nạn giao thông đường thủy, đường sắt. So với cùng kỳ, số vụ TNGT giảm 3 vụ; số người chết không tăng giảm; số người bị thương giảm 1 người. Trong đó đã xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng làm chết 2 người; tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra 22 vụ làm chết 21 người, bị thương 3 người; va chạm giao thông xảy ra 18 vụ làm bị thương 28 người.

Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn giao thông là do người tham gia giao thông chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ với các lỗi như: tránh vượt sai quy định, thiếu quan sát, không giữ khoảng cách an toàn, chuyển hướng, đi không đúng phần đường, quá tốc độ. Cũng trong 6 tháng đầu năm 2022 (từ 15/12/2021 - 14/6/2022), lực lượng chức năng của tỉnh đã xử lý 73.304 trường hợp, phạt tiền 92,7 tỷ đồng. Trong đó, đã xử lý: 3.566 trường hợp lái xe vi phạm về nồng độ cồn, phạt 22,5 tỷ đồng; Xử lý 1.022 trường hợp chở quá tải, thay đổi kích thước thành thùng xe, phạt tiền 3,5 tỷ đồng.

6 tháng đầu năm, lượng người và phương tiện đến với Quảng Ninh tăng cao vào các dịp cuối tuần, lễ hội; nhất là dịp hè và các sự kiện lớn như Lễ hội Carnaval Hạ Long, Quảng Ninh đăng cai 7 môn thi đấu tại SEA Games 31, song nhu cầu lưu thông của người dân, du khách vẫn được bảo đảm. Tuy nhiên, tình hình vi phạm các quy định bảo đảm TTATGT vẫn diễn biến phức tạp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban ATGT tỉnh Bùi Văn Khắng chỉ ra một số tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT, đặc biệt là Ban ATGT ở một số địa phương chưa thực sự vào cuộc tích cực; việc thông tin cán bộ, đảng viên vi phạm TTATGT về cơ quan đơn vị để có hình thức xử lý bổ sung, nâng cao tính răn đe nêu gương trong việc chấp hành Luật Giao thông chưa được thực hiện quyết liệt; tình trạng phương tiện vi phạm kích thước thành thùng, chở hàng quá tải, xe chở vật liệu gây ô nhiễm môi trường vẫn còn tái diễn tại nhiều địa phương đặc biệt là Đông Triều, Quảng Yên, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái.

Về nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Ban ATGT tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo chỉ đạo của Ban ATGT các địa phương; xem xét xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân người đứng đầu nếu phát hiện vi phạm, thiếu trách nhiệm. Các đơn vị thành viên Ban ATGT tỉnh tăng cường đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả giáo dục ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông của người dân. Sở Giao thông Vận tải cần tiếp tục phối hợp cùng UBND các địa phương nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý hành lang, kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý chặt chẽ đối với các đoạn tuyến được giao quản lý, góp phần duy trì bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến.

Ngành Giáo dục bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục Luật Giao thông tới học sinh, sinh viên phải có biện pháp xử lý bổ sung tăng hiệu quả giáo dục. Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TTATGT. Đồng thời, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, phương tiện khoa học kỹ thuật trong xử lý vi phạm giao thông, duy trì việc xử lý vi phạm qua hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm giao thông và việc áp dụng hình thức dán thông báo lên phương tiện vi phạm Luật Giao thông để phạt nguội.

Lực lượng CSGT mở chiến dịch xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây TNGT như lái xe uống rượu bia, chạy quá tốc độ từ 18h đến 24h trong suốt thời gian từ nay đến cuối năm...; tập hợp thông tin người vi phạm, đặc biệt là các trường hợp cán bộ, đảng viên chuyển về cơ quan chủ quản để có biện pháp xử lý bổ sung.

Trên tuyến đường thủy Cảnh sát đường thủy phối hợp với các lực lượng chức năng, UBND các địa phương tăng cường quản lý luồng tuyến, hành lang an toàn. Chủ động các biện pháp phòng chống mưa bão, bảo đảm an toàn tuyệt đối các tuyến vận tải thủy, nhất là các tuyến vận chuyển khách du lịch trên Vịnh và tuyến bờ ra đảo. Tăng cường cảnh báo mưa lũ tại các địa phương miền núi, biên giới. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Đọc thêm