7 tháng, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 28,6 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 28,6 tỷ USD trong 7 tháng năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 28,6 tỷ USD trong 7 tháng năm 2021.

Theo đó, trong tháng 7/2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 26,7% so với tháng 7/2020 và giảm 9,5% so với tháng 6/2021.

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng/2020. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 12,2 tỷ USD, tăng 15,1%; lâm sản chính đạt khoảng 10,2 tỷ USD, tăng 54%; thủy sản đạt trên 4,9 tỷ USD, tăng 12%; chăn nuôi ước đạt 254 triệu USD, tăng 16%.

Trong 7 tháng năm 2021, nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng gồm: cao su, nhóm hàng rau quả, hồ tiêu, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn, sản phẩm chăn nuôi, cá tra, tôm; sản phẩm gỗ,… Riêng các mặt hàng như: cao su, nhóm hàng rau quả, hạt điều, sắn và sản phẩm từ sắn tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu.

Về thị trường xuất khẩu, ước giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng năm 2021 của Việt Nam tới các thị trường thuộc khu vực châu Á chiếm 42% thị phần, châu Mỹ 31%, châu Âu 11%, châu Phi 1,9%, châu Đại Dương 1,5%.

Trong đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ, đạt trên 8,2 tỷ USD (chiếm 28,9% thị phần). Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc, đạt gần 5,5 tỷ USD (chiếm 19,2% thị phần). Thị trường Nhật Bản ở vị trí thứ 3 với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD (chiếm 6,8%) và thị trường Hàn Quốc ở vị trí thứ tư, đạt 1,2 tỷ USD, chiếm 4,3%

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, từ giờ đến cuối năm 2021, dịch COVID-19 tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản. Cụ thể, làm giảm đơn hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu; thiếu hụt lao động; ảnh hưởng về dịch vụ hậu cần thương mại (logistics); các thị trường quốc tế đã xảy ra tình trạng thiếu nguồn hàng cung ứng, thiếu container rỗng, ứ đọng cục bộ vận tải do đường hàng không… sẽ gây ra những xáo trộn thương mại nông sản trên thị trường quốc tế.

Trước tình hình đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Ngành nông nghiệp đã và đang thực hiện quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa bảo đảm sản xuất và phát triển kinh tế.

Theo đó, cập nhật thường xuyên tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, xây dựng các phương án ứng phó khi có dịch xảy ra trên địa bàn. Thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía nam và phía bắc trong điều kiện COVID-19.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, hỗ trợ thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản về các hiệp định thương mại, hướng dẫn doanh nghiệp, địa phương thực thi chính sách, quy định của các thị trường xuất khẩu phù hợp tình hình dịch COVID-19.

Đọc thêm