700 triệu đồng phạm nhân giao Điều tra viên "chi" vào đâu?

Theo Đại úy Nguyễn Đức Kiên – Điều tra viên Công an huyện Nam Đàn, Nghệ An, đến nay, số tiền 700 triệu đồng tiền tạm giữ của bị can Yến đã chi hết theo yêu cầu của bị can này. Điều đáng nói là, việc chi tiền này đã kịp hoàn tất trước khi vụ án được chuyển cho CQĐT Công an tỉnh Nghệ An điều tra theo thẩm quyền. Gần một nửa trong số 700 triệu đồng đã được chi cho người nhà của Đại úy Kiên…

[links()]Theo Đại úy Nguyễn Đức Kiên – Điều tra viên Công an huyện Nam Đàn thì đến nay, số tiền 700 triệu đồng tiền tạm giữ của bị can Yến đã chi hết theo yêu cầu của bị can này. Điều đáng nói là, việc chi tiền này đã kịp hoàn tất trước khi vụ án được chuyển cho CQĐT Công an tỉnh Nghệ An điều tra theo thẩm quyền. Gần một nửa trong số 700 triệu đồng đã được chi cho người nhà của Đại úy Kiên…

Chồng phạm nhân Yến khẳng định 2 biên bản này đã bị cố  tình ghi sai ngày giờ, địa điểm
Chồng phạm nhân Yến khẳng định 2 biên bản này đã bị cố tình ghi sai ngày giờ, địa điểm.

Bị can muốn "lấy lòng" điều tra viên?

Trong số 700 triệu đồng nói trên, người được chi nhiều nhất là gia đình anh Nguyễn Anh Tuân - họ hàng bên vợ ĐTV Nguyễn Đức Kiên. Trước đó, gia đình này đã đưa cho phạm nhân Nguyễn Thị Yến 240 triệu đồng để Yến làm thủ tục cho anh Tuân đi du học (cùng với con gái của Yến).

Chỉ một ngày sau khi giao nộp cho công an 700 triệu đồng, bị can Yến được trích xuất khỏi phòng giam, đưa lên phòng làm việc của Công an huyện Nam Đàn gặp bố anh Tuân để thỏa thuận về việc trả tiền. Kết quả, gia đình này đã được bị can Yến chi 300 triệu đồng và “ủy quyền” cho Kiên rút và chi trong khoản 700 triệu đồng bị tạm giữ trước đó.

Cũng như việc nộp 700 triệu đồng trước đó, phạm nhân Yến khẳng định việc chấp nhận phải trả 300 triệu cho người nhà ĐTV Kiên là bị ép buộc. “Không hiểu họ tính như thế nào mà bắt tôi phải trả lãi hơn 100 triệu đồng. Trong cuộc làm việc này có cả bố vợ anh Kiên. Tôi đã khóc van xin được gọi điện thông qua chồng vì tiền bán nhà là của hai vợ chồng nhưng không được chấp nhận” – phạm nhân Yến trình bày.

Thừa nhận anh Tuân là em họ bên vợ mình, ĐTV Kiên cho biết: “Trong khi làm vụ án này, tôi thấy bố vợ tôi (khi đó bị tai nạn, phải nằm ở nhà) phàn nàn về việc gia đình phải cầm cố nhà để vay tiền cho Tuân đi du học nhưng không thành. Tôi không ép buộc Yến phải trả tiền cho Tuân. Có thể Yến trả 300 triệu đồng nhằm lấy lòng tôi nên tôi xác định để hai bên tự thỏa thuận”.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, việc “ủy quyền” cũng như “thỏa thuận” của bị can Yến là không hợp lệ vì không có người làm chứng theo quy định. Vậy làm sao biết được bị can này có tự nguyện hay không?.

Chưa nói đến việc trong trại giam, Yến có bị ép buộc để phải chi 300 triệu đồng trái mong muốn hay không nhưng cứ theo lời của ĐTV Kiên, rất có thể ở đây đã có dấu hiệu của 1 vụ “hối lộ” tinh vi?. Nhận ra dấu hiệu có thể ảnh hưởng đến sự vô tư, khách quan khi điều tra vụ án như trên, tại sao ông Kiên không “né” mà vẫn để Yến ra khỏi nhà tạm giam, để đồng nghiệp của mình “giám sát” chuyện “thỏa thuận” trả 300 triệu.

Rồi chính ĐTV Kiên là người đứng ra nhận ủy quyền để rút tiền chi trả cho gia đình bên vợ mình. Việc nhận tiền, chi tiền “khép kín” một cách khá trùng hợp khi chính vợ Kiên (chị họ anh Tuân) là thủ quỹ của cơ quan, là người trực tiếp nắm giữ số tiền 700 triệu đồng mà công an đã tạm giữ của bị can Yến.

Trong quá trình làm việc, ĐTV Kiên vẫn dùng khái niệm “trả nợ” để nói về việc bị can Yến chi trả tiền cho gia đình anh Tuân. Nhưng thực tế thì giữa hai người không hề có khoản nợ nào cả.

Theo bản án hình sự của TAND tỉnh Thái Bình xét xử vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (tháng 7/2010) thì cả gia đình Yến và anh Tuân đều là nạn nhân; Bị cáo Nguyễn Bá Hoán (Bắc Ninh) và Nguyễn Thị Tố (Hải Phòng) phải bồi thường cho gia đình anh Tuân 12.000 USD.

Như vậy, đã được quyền lấy tiền bồi thường của bị cáo, gia đình anh Tuân còn được lấy tiền 1 lần nữa từ bị can Yến với số tiền 391 triệu đồng (tính cả khoản 91 triệu đồng mà bị can Yến đã trả trước đó). Đây là khoản tiền “biếu không” để “lấy lòng” khổng lồ?.

Trả tiền một nơi, lập biên bản một nẻo

Khoản tiền thứ 2 mà Yến chi là 100 triệu đồng để bồi thường cho bị hại Lê Thị Hợp trong vụ án “Hiếp dâm” mà Yến bị quy là đồng phạm với bị cáo Trường (chúng tôi sẽ quay trở lại vụ án này sau). Theo Biên bản thì vào lúc 16h ngày 17/8/2011, anh Nguyễn Văn Đông (chồng phạm nhân Yến) có nhận 100 triệu đồng từ ĐTV Kiên và 1 tiếng đồng hồ sau thì anh Đông đã trao số tiền này cho chị Hợp. Hai sự việc cùng diễn ra tại trụ sở công an huyện Nam Đàn.

Tuy nhiên, anh Đông cho hay: “Tất cả biên bản trên đều sai thực tế. Tôi không được nhận tiền, không trực tiếp cầm tiền hoặc đếm tiền giao cho chị Hợp mà chỉ được ký biên bản. Việc ký biên bản diễn ra vào đêm 18/8/2011 tại nhà của bố vợ anh Kiên (có chị Hợp và nhiều người nữa) chứ không phải tại cơ quan công an. Tiền do vợ anh Kiên mang ra để ở bàn rồi đưa cho chị Hợp”.

Trước những mâu thuẫn trên, chúng tôi đề nghị được có câu trả chính xác về địa điểm giao tiền (tại cơ quan công an hay tại nhà bố vợ anh Kiên) thì ĐTV Kiên nói “cái đó thì tôi sai rồi. Tôi sai đến đâu thì chịu trách nhiệm đến đó và mong các anh thông cảm”.

Ngoài nội dung trên, ĐTV Kiên cũng thừa nhận: “Sau khi chị Hợp nhận tiền, tôi là người đã giúp chị Hợp viết “Đơn đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho Yến và Trường. Ngoài ra, tôi được chị Yến ủy quyền chi trả tiền cho nhiều chủ nợ ở bên ngoài khác”.

Thừa nhận này đã cho thấy, việc bị can Yến chi tiền cho những chủ nợ đều có sự can thiệp khá sâu của ĐTV Kiên. Điều này có là việc bình thường đối với ĐTV đang tiến hành điều tra vụ án?.

Theo một số luật sư thì việc bị can Yến ủy quyền cho ĐTV chi tiền hoặc tự mình định đoạt tài sản chung của hai vợ chồng như trên là không đúng với quy định của Bộ luật Dân sự. Trong khi đó, ĐTV Kiên khẳng định: “Tôi không được hưởng lợi gì cả. Không có chuyện chị Hợp được 100 triệu mà cho tôi 10 triệu… Chị Yến nợ hàng tỷ đồng nhưng chỉ có 700 triệu nên chị ấy trả tiền cho ai là quyền của chị ấy”.

Ngoài ra, ĐTV Kiên cũng cho hay: “Việc chị Yến nợ tiền chỉ là những quan hệ dân sự do vay mượn hoặc mua chịu vật liệu để xây nhà chứ không phải lừa đảo gì”. Trong khi đó, phạm nhân Yến luôn khăng khăng rằng: “Anh Kiên đã ép tôi ký vào các giấy ủy quyền để rút tiền chi trả cho một số người do anh này tự chỉ định”

Trước những tố cáo của phạm nhân Nguyễn Thị Yến thì Công an huyện Nam Đàn đã giao Đội Tham mưu Tổng hợp xác minh đơn để trả lời đương sự. Hy vọng, cơ quan này sớm có kết luận rõ ràng về việc có hay không việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, cưỡng ép hoặc làm trái công vụ… trong vụ việc này như tố cáo của phạm nhân Yến.                                        

P.V

Đọc thêm