89 người chết do bão, hơn 16.000 bộ đội và dân quân tiếp tục tìm kiếm cứu nạn

Thiệt hại do lũ, bão số 12 đã làm 89 người thiệt mạng, 18 người chưa tìm được tung tích và 174 người bị thương. Các lực lượng vẫn tiếp tục giúp người dân khắc phục hậu quả sau ngập lụt tại các địa bàn trọng yếu, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp...
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: báo Khánh Hòa.
Bộ đội giúp dân khắc phục hậu quả sau bão. Ảnh: báo Khánh Hòa.

Số liệu được Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tập hợp đến 16h ngày 7/11. Trong số nạn nhân thiệt mạng, Khánh Hòa có 37 người; Bình Định 15 người; Quảng Ngãi 7 người; Quảng Nam 15 người; Thừa Thiên Huế 9 người; Lâm Đồng 3 người; Phú Yên, Kon Tum và Đắc Lắk mỗi tỉnh 1 người.

Trong số người mất tích, Quảng Nam có 9 người, Bình Định 5 người, Thừa Thiên Huế 2 người; Quảng Ngãi và Phú Yên mỗi tỉnh 1 người. Trong số người bị thương, Khánh Hòa có tới 138 người...

Bão kéo sập 2.022 ngôi nhà, làm hư hỏng 113.679 nhà, ngập 66.078 nhà, chìm 1.231 phương tiện, hư hại 24.488 lồng bè, hư hại 36.457 ha hoa màu; sạt lở 77.300 m3 đất đá, sạt lở 114 ha rừng; làm đổ, gãy 2.785 cột điện, trạm biến áp và làm chết 9.997 gia súc gia cầm.

Cũng theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các lực lượng vẫn tiếp tục giúp người dân khắc phục hậu quả sau ngập lụt tại các địa bàn trọng yếu, tìm kiếm các nạn nhân bị vùi lấp, sơ tán người dân ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Hiện có 16.395 bộ đội và dân quân tự vệ cùng 201 phương tiện, 8 tàu của Bộ Giao thông Vận tải tham gia khắc phục hậu quả và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trước những thiệt hại do bão số 12 và diễn biến thời tiết phức tạp sau bão, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu, các cấp ngành chức năng tại các tỉnh bị ảnh hưởng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các Bộ, ngành và địa phương về công tác khắc phục hậu quả bão số 12.

Kiên quyết sơ tán di dân tại các vùng thấp trũng ven sông, vùng có nguy cơ ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất đến nơi an toàn.

Tập trung lực lượng, phương tiện để cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích; khẩn trương khắc phục các sự cố đối với hệ thống lưới điện, giao thông. 

Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để chủ động triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ lớn kéo dài trên diện rộng.

Tổng hợp, đánh giá thiệt hại; vệ sinh môi trường tránh phát sinh dịch bệnh; rà soát để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm thiết yếu nhất là tại các khu vực bị thiệt hại nặng nề, các khu vực bị chia cắt, kiên quyết không để hộ dân nào bị đói, rét, thiếu nước uống.

Vận hành các hồ chứa phù hợp quy trình đảm bảo an toàn cho công trình, hạn chế ngập lụt cho hạ du, đặc biệt tại lưu vực sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn nơi đang diễn ra các hoạt động của hội nghị cấp cao APEC; bố trí lực lượng trực canh tại các hồ chứa xung yếu, các hồ chứa đã đầy nước. Triển khai phương án đảm bảo an toàn hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp. Khẩn trương khắc phục sự cố các hồ chứa tại Bình Định và Khánh Hòa.

Tổ chức phân luồng giao thông, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn người và phương tiện qua lại các ngầm, tràn, khu vực đường giao thông bị ngập, bến đò để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ứng phó với nước lũ. Khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông đường bộ, đường sắt.

Các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản, đặc biệt tập trung, quyết liệt đối với công tác cứu hộ, cứu nạn.

Đọc thêm