9 tháng, Ngân hàng Nhà nước tiếp nhận báo cáo 1.000 giao dịch đáng ngờ

(PLVN) - Đó là số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra trong Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và Quyết định 1058/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD tiếp tục duy trì ở mức dưới 2%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu tới hết tháng 8/2019 là 4,84%  (năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%).

Về giá trị tuyệt đối, từ tháng 8/2017 (từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý 236.800 tỷ đồng nợ xấu, trung bình mỗi tháng xử lý được 9.600 tỷ, cao hơn 4.700 tỷ /tháng giai đoạn 2012-2017.

Quy mô hệ thống các TCTD tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 8/2019, tổng tài sản hệ thống các TCTD đạt 11,81 triệu tỷ, tăng 6,7% so với năm 2018; cho vay thị trường 1 đạt 7,61 triệu tỷ, tăng 8,4% so với 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,96 triệu tỷ, tăng 8,2% so với cuối năm 2018.

Đến cuối tháng 8/2019, tỷ lệ an toàn vốn của hệ thống là 11,9% (mức tối thiểu theo quy định là 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản bình quân đạt 16,9%. Hầu hết các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ toàn hệ thống đạt 592.500 tỷ đồng, tăng 2,7% so với cuối năm 2018; vốn chủ sở hữu đạt 857.800 tỷ, tăng 12,5% so với cuối năm 2018.

Chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN Nguyễn Văn Du cho biết, từ năm 2018 đến 31/8/2019, NHNN đã thực hiện 2.259 cuộc thanh tra, kiểm tra và ban hành kết luận thanh tra, biên bản kiểm tra đối với 2.077 cuộc thanh tra, kiểm tra nhằm yêu cầu các TCTD khắc phục sai phạm hoặc chấn chỉnh, cảnh báo nguy cơ rủi ro gây mất an toàn hệ thống…

Trong những tháng đầu năm nay, NHNN đã tiếp nhận khoảng 1.000 báo cáo giao dịch đáng ngờ. Chuyển giao thông tin liên quan đến 80 vụ việc cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh mục tiêu: Ổn định vĩ mô là hàng đầu và gia tăng khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các tác động từ bên ngoài và trong nước, bảo đảm an toàn hệ thống; đưa nợ xấu về dưới 3% tổng dư nợ vào cuối năm 2020.

Quan điểm xử lý nợ xấu là kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường và chia sẻ rủi ro; tuân thủ quy định pháp luật nhưng có cơ chế thử nghiệm ở những trường hợp đặc thù; phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các TCTD.

Đọc thêm