Năm 2007, Thái Nguyên là một trong 12 tỉnh đầu tiên phía Bắc được triển khai mô hình Sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đến nay, sau 5 năm thực hiện, Đề án đã đem lại nhiều kết quả thiết thực, nhân văn.
Hiện nay, hàng năm số trẻ em sinh ra bị dị tật của Thái Nguyên ước tính khoảng trên 300 trẻ. Điều đáng quan tâm là nếu số trẻ này không được phát hiện, can thiệp sẽ tích lũy qua các năm, đóng góp vào số người tàn tật ngày càng tăng của tỉnh.
Ảnh minh họa |
Nếu năm 2007, Đề án chỉ được triển khai cấp huyện tại hai đơn vị là Thành phố Thái Nguyên và huyện Phú Bình thì đến năm 2012, số xã thực hiện Đề án là 173/191 xã, chiếm gần 96% số xã toàn tỉnh. Theo bà Hồ Thị Thu Thủy – Trưởng phòng Dân số (Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh), dù còn gần 5% số xã chưa được triển khai Đề án, nhưng các hoạt động vẫn được thực hiện rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh để người dân hiểu và tham gia vào chương trình.
Cũng qua Đề án, 300 cán bộ y tế của các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các xã đề án được tham gia các lớp tập huấn lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh. Các cán bộ cũng được tham gia các lớp đào tạo do cấp trên tổ chức.
Theo báo cáo sơ bộ từ tháng 1 - 11/2012, Thái Nguyên đã sàng lọc trước sinh cho 6.345 bà mẹ mang thai. Về sàng lọc sơ sinh, theo Trưởng phòng Dân số, đến nay hầu hết các Bệnh viện TW, Bệnh viện tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện, Trung tâm Y tế đều đã thực hiện kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân để xét nghiệm sàng lọc sơ sinh cho trẻ. Theo thông báo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ tháng 1 - 11/2012 tỉnh Thái Nguyên có 3.598 trẻ sơ sinh được xét nghiệm sàng lọc (chiếm 17% so với tổng số trẻ sinh), trong đó có 161 trẻ nghi ngờ thiếu men G6PD. Những trường hợp nghi ngờ đã được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tư vấn và hướng dẫn gia đình đưa trẻ đi khám lại tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Tin vui là sau 5 năm hoạt động, nhận thức của đông đảo người dân về vấn đề sàng lọc trước sinh và sơ sinh đã tăng lên rất nhiều. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyên môn từ truyền thông thay đổi hành vi đến đáp ứng dịch vụ kỹ thuật sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Kinh nghiệm của chúng tôi là trong những năm đầu triển khai, công tác truyền thông, vận động và tư vấn đóng vai trò quan trọng vì hiểu biết, kiến thức của người dân về những nội dung này còn rất hạn chế” – bà Thủy nói.
Tuy nhiên, cũng theo bà Thủy, sàng lọc trước sinh và sơ sinh đòi hỏi cán bộ tuyên truyền phải có hiểu biết. Trên thực tế, kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, tư vấn của cán bộ dân số cơ sở còn rất hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu muốn tìm hiểu, muốn được tư vấn của đối tượng. Về phía thai phụ và gia đình, nhiều người chưa chủ động đi siêu âm hoặc siêu âm không đúng thời điểm, vì vậy việc phát hiện các dị tật bẩm sinh khó hoặc có trường hợp phát hiện dị tật bẩm sinh khi thai đã đủ tháng. Ngoài ra, tâm lý sợ trẻ bị đau khi lấy máu làm xét nghiệm sàng lọc sơ sinh nên nhiều gia đình chưa tự nguyện làm xét nghiệm cho trẻ hoặc còn thiếu hợp tác trong khi lấy máu.
Nguyên Thu