98,86% diện tích đất dịch vụ của Vĩnh Phúc đã được giao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân, giúp người dân trên địa bàn nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất. Việc chi trả đất dịch vụ phải được thực hiện công khai, minh bạch, công bằng…
Vĩnh Phúc hoàn thành giao đất dịch vụ cho người dân, giúp dân nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.
Vĩnh Phúc hoàn thành giao đất dịch vụ cho người dân, giúp dân nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất.

Bắt đầu từ năm 2004, tỉnh Vĩnh Phúc có chính sách quy định về giao đất dịch vụ cho dân. Đối tượng được giao là các hộ gia đình có đất nông nghiệp bị thu hồi để phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp...được xem xét giao đất dịch vụ theo quy định tại các vị trí thuận lợi để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp.

Mục đích của việc giao đất dịch vụ là nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông ngiệp, nông thôn, đảm bảo lợi ích kinh tế giữa nhà nước, địa phương và người sử dụng đất,đảm bảo cho đời sống người dân bị thu hồi đất được ổn định lâu dài. Người dân khi bị thu hồi đất nông nghiệp mỗi sào Bắc bộ (360 m2) được trả 12m2 đất dịch vụ. Thực hiện chủ trương chính sách trên, tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt 124 -126 ha đất ở nhiều địa điểm nằm trên các huyện, thành phố trong tỉnh.

Chính sách, cơ chế giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân ở Vĩnh Phúc thực hiện với các hộ gia đình có đất sản xuất nông nghiệp được Nhà nước thu hồi để chuyển sang mục đích khác. Đây là chính sách nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, tạo hướng đi mới cho người nông dân.

Tỉnh đã bố trí vốn để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, tập trung chỉ đạo việc xét giao đất dịch vụ cho các trường hợp đã có quỹ đất và chỉ đạo công tác dồn ghép, bốc thăm vị trí ô đất dịch vụ theo quy định của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, việc chi trả đất dịch vụ ở Vĩnh Phúc cũng bộc lộ hàng loại những khó khăn do người dân không đồng ý về vị trí đất được giao trả ở xa hoặc vị trí không thuận lợi, dân không đồng ý bốc thăm vì cho rằng thiếu công bằng, thiếu minh bạch, một số địa phương còn chậm bố trí quỹ đất dịch vụ…

Đến tháng 6/2017, diện tích đất dịch vụ cần phải chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc mới chỉ giải quyết 56,54 ha , ước đạt khoảng 40% diện tích đất phải chi trả. Tới tháng 5/2019, toàn tỉnh đã giải quyết được khoảng 100 ha đất dịch vụ cần chi trả.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh phải thực hiện nghiêm túc, quyết tâm “đưa ra ánh sáng” những cán bộ, Đảng viên lợi dụng chính sách chi trả đất dịch vụ để trục lợi. Tỉnh tập trung kiểm tra, rà soát kỹ việc thống kê, quy hoạch để đảm bảo tính chuẩn xác; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ và đồng thuận.

Vĩnh Phúc triển khai đền bù bằng đất hoặc tiền mặt cho dân đảm bảo tính công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tỉnh ưu tiên khu vực đã có mặt bằng, được đầu tư hạ tầng, cho phép các địa phương sử dụng linh hoạt các loại quỹ đất trong khu vực để bố trí, giải quyết đất dịch vụ...

Báo cáo kết quả giải quyết đất dịch vụ và xử lý các tồn tại, vi phạm về đất đai số 195/BC-STNMT ngày 28/6/2021 của Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy: Hiện toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chi trả 122,77 ha trên tổng số diện tích phải chi trả là 124,19 ha, đạt tỷ lệ 98,86%.

Tỉnh đã có 7/9 địa phương hoàn thành việc chi trả đất dịch vụ là Bình Xuyên, Tam Dương, Tam Đảo, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Lập Thạch và Sông Lô. Còn 2 thành phố Vĩnh Yên và thành phố Phúc Yên chưa hoàn thành giao đất dịch vụ với tổng diện tích hơn 1,4 ha. Các địa phương có những hộ chưa nhận mặt bằng, chính quyền đang tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân nhanh chóng bốc thăm, nhận đất dịch vụ vị trí đã được bố trí, để hoàn thành việc chi trả đất cho người dân.

Đi đôi với việc chi trả đất dịch vụ, tỉnh Vĩnh Phúc đang yêu cầu các ngành và địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng đồng bộ để cho người dân yên tâm sử dụng, thuận lợi trong sản xuất- kinh doanh.

Đọc thêm