Ai Cập đang nỗ lực tái thiết đất nước sau cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền, nhưng tình hình xã hội ở đây chưa ổn định. Vụ việc một nữ phóng viên truyền hình Mỹ bị tấn công khi tác nghiệp tại thủ đô Cairo cho thấy, nguy cơ bạo lực gia tăng với phụ nữ.
Nữ phóng viên thường trú của đài CBS Mỹ Lara Logan đã bị một nhóm những kẻ biểu tình hung hăng bao vây đánh đập và lạm dụng tình dục, đúng vào đêm tổng thống Hosni Mubarak tuyên bố từ chức. Sau khi được một nhóm phụ nữ và quân đội Ai Cập giải thoát, cô được đưa trở về Mỹ để điều trị.
Cho đến nay, Ai Cập dường như vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng bất ổn dù chính quyền mới đã được tái thiết. Trong sự hỗn loạn chưa thể kiểm soát một sớm một chiều, vấn đề đang dấy lên tình trạng phụ nữ bị quấy rối tình dục. Vấn đề này đã và đang là nỗi bức xúc của phụ nữ nơi đây, song đặc biệt được quan tâm sau vụ phóng viên thường trú Logan bị quấy rối.
Theo tin mới nhất, Logan đã hồi phục và về nhà nghỉ dưỡng. Cô cũng nhận được điện thoại từ Tổng thống Mỹ bày tỏ sự quan tâm. Trước kia do những quan niệm khắt khe của Ai Cập, phụ nữ thường không dám lên tiếng về sự đối xử bất công mà họ phải đối diện hàng ngày.
Vào đêm mà nữ phóng viên Logan gặp nạn, lượng người xuống đường tăng bất ngờ. Thêm nhiều người từ khắp mọi nẻo Cairo hòa vào đám đông khi hay tin Tổng thống Mubarak từ chức, hàng trăm nghìn người ùa về thành phố, Cairo khi đó hỗn loạn đến mức, ở nhiều khu vực, những người đàn ông phải đứng thành hàng bao quanh các nhóm phụ nữ và trẻ em để bảo vệ họ khỏi đám đông quá khích.
Nhưng thế vẫn chưa đủ, nhiều phụ nữ đã trình báo họ bị quấy rối tình dục, “họ nhòm ngó, trêu ghẹo và sờ soạng chúng tôi”, một phụ nữ cho biết. “Hầu hết những người biểu tình trước đó đều rất hòa bình. Không xảy ra trường hợp quấy rối trong thời gian diễn ra biểu tình mà chỉ từ đêm hôm đó (đêm 11, rạng sáng ngày 12/2- thời điểm tổng thống Mubarak tuyên bố từ chức)”, một nhà hoạt động nữ quyền Ai Cập cho biết.
Phụ nữ Ai Cập cũng như nhiều nơi khác ở thế giới A-rập vẫn e ngại khi trình báo các vụ việc hành hung hay quấy rối tình dục vì lo sợ gia đình họ sẽ bị bêu riếu, bà Medine Ebeid của một tổ chức phụ nữ cho biết.
Rất hiếm trường hợp phụ nữ dám lên tiếng. Nhiều vụ phụ nữ bị nam giới trong gia đình sát hại vì dám tố cáo bạo lực, bởi những luật lệ đạo đức hà khắc, bị những người họ hàng che đậy hoặc có khởi kiện thì kẻ tấn công cũng chịu hình phạt rất nhẹ.
Tình trạng lạm dụng tình dục ở Ai Cập vẫn còn lan rộng, mặc dù phụ nữ ở đây đã đeo mạng che mặt và áo choàng dài kín toàn thân. Theo một bản điều tra vào năm 2008 của Trung tâm quyền phụ nữ Ai Cập thì có tới 83% phụ nữ Ai Cập và 98% phụ nữ nước ngoài nói rằng họ đã bị quấy rối trong khi 62% đàn ông thừa nhận mình có hành động quấy rối tình dục.
Chưa có một đạo luật nào về việc cấm các hành vi quấy rối tình dục và vạch ra hình phạt cho những hành vi đó được cam kết hay đưa vào nội dung bầu cử.
Tuy vậy, trong thời gian cuộc nổi dậy diễn ra, những phụ nữ nói rằng họ đã trải nghiệm “một Ai Cập mới” khi những phong tục xã hội chặt chẽ tình cờ được những người biểu tình gạt sang một bên: Những phụ nữ trẻ mặc quần jean và áo ba lỗ hút thuốc ở nơi công cộng, đứng bên cạnh đàn ông Hồi giáo để râu mà không bị xoi mói. Phụ nữ và đàn ông cùng hòa vào dòng người biểu tình, điều vốn rất hiếm gặp trong xã hội mà phân biệt giới tính vẫn còn rất phổ biến.
Hiện tại, khi biểu tình đã chấm dứt, vẫn có nhiều hoạt động diễn ra để đối phó với tình trạng quấy rối phụ nữ. Ai Cập có một trang web tên là Harrasmap cho phép phụ nữ có thể nhanh chóng báo cáo về các đối tượng quấy rối qua tin nhắn điện thoại hoặc mạng Twitter.
Thông tin được mọi người cung cấp sau đó sẽ được đăng tải lên một bản đồ số của thành phố Cairo thể hiện các điểm nóng và những khu vực nguy hiểm mà phụ nữ không nên đi một mình.
Thanh Tâm (theo CBS)