Ai Cập đứng trước nguy cơ sụp đổ

Làn sóng biểu tình chưa có dấu hiệu chấm dứt cộng với chiến dịch đình công của hàng nghìn công nhân trên khắp đất nước đang đẩy Ai Cập đến nguy cơ sụp đổ.
Làn sóng biểu tình chưa có dấu hiệu chấm dứt cộng với chiến dịch đình công của hàng nghìn công nhân trên khắp đất nước đang đẩy Ai Cập đến nguy cơ sụp đổ.

 Các cuộc đình công của hàng nghìn công nhân Ai Cập đủ mọi ngành nghề từ giao thông vận tải, điện lực, công nghiệp đến dịch vụ hôm qua làm phần lớn các hoạt động kinh tế của nước này ngưng trệ. Thị trường chứng khoán sụt giảm một nửa so với 2008, nhiều quốc lộ huyết mạch bị phong tỏa, kênh đào Suez ngừng hoạt động, hàng triệu khách du lịch rời đi khiến nền kinh tế Ai Cập thiệt hại hàng tỷ USD mỗi ngày. Hãng tin Debka (Israel) hôm 9/2 dẫn nguồn giới chức Mỹ cho rằng, để cứu vãn thì quân đội Ai Cập phải can thiệp nhưng lực lượng này dường như không còn đủ khả năng.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia có liên quan bắt đầu xây dựng chính sách một Ai Cập “hậu Mubarak”. Israel có lẽ là quốc gia quan tâm nhất khi lo ngại một chế độ “chống Do Thái” hơn sẽ lên nắm quyền tại Cairo và đẩy hai nước vào thế đối đầu như trước hiệp định hòa bình 1979. Một số cựu quan chức tình báo và quân đội Israel cũng công khai lên tiếng đề nghị Chính phủ Netanyahu chuẩn bị tái chiếm dải Gaza hoặc ít nhất là khu vực Sinai dọc biên giới với Ai Cập. Trước thông tin Tổng thống Mubarak có thể sang Đức chữa bệnh như là một giải pháp rút lui trong danh dự, nhiều tờ báo ủng hộ chính phủ của Ai Cập cũng thay đổi, chuyển sang ủng hộ phe biểu tình. 

Biểu tình và đình công đẩy Ai Cập đến nguy cơ sụp đổ.

Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập cũng đang khiến quan điểm của thế giới Arab và Trung Đông thay đổi chóng mặt. Mỹ cùng Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria bất ngờ đứng về một phía ủng hộ thay đổi chế độ ở Cairo, trong khi Nga, Trung Quốc phản đối và khẳng định đây là vấn đề nội bộ. Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs hôm 9/2 tuyên bố, Chính phủ Ai Cập thậm chí không đáp ứng ngưỡng tối thiểu cải cách mà người dân yêu cầu. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, Washington đang chia rẽ về thời điểm và cách thức để ông Mubarak ra đi.

Một trong những nguyên nhân gây ra khủng hoảng ở Ai Cập là bất công quá lớn về kinh tế. Trong khi đó, các biện pháp tăng lương, trợ cấp kinh tế quá nóng vội càng làm gia tăng sự bất bình của dân chúng. Giải pháp này chỉ mang lại sự bình ổn tạm thời, còn về lâu dài càng đẩy nhanh nền kinh tế đến bờ vực sụp đổ.

Phó Tổng thống Ai Cập Omar Suleiman hôm qua cảnh báo quân đội sẽ can thiệp, thậm chí là “một cuộc đảo chính” để bảo vệ an ninh quốc gia nếu những người biểu tình tiếp tục tìm cách lật đổ chính quyền. Trong khi đó, phe đối lập tuyên bố kế hoạch biểu tình “hàng triệu người” hôm nay 11/2 buộc Tổng thống Mubarak từ chức ngay lập tức.

 Theo baodatviet.vn

Đọc thêm