(Đà Nẵng Xuân 2010) - Đầu 2006, sau Tết âm lịch chục ngày, phóng viên Lan Anh và tôi tới thăm cụ Tô Hoài. Năm nào từ Đức về, tôi cũng tới thăm ông bà. Ngoài cái tri ân Dế Cụ - Tô Hoài là người sáng tạo ra cuốn Dế mèn phiêu lưu ký, để cho tôi hồi bé bớt hiếu chiến, ít đi cà khịa, nghịch ngợm đánh nhau với trẻ con trên đường phố.
Bố tôi mua cho cuốn sách ấy và nói, con như con Bọ ngựa... Lớn lên, khi tôi quay lại văn chương, ông còn có cái ân tình, dù chả biết tôi là ai, nhận bài tùy bút Hà Nội - Xuân tháng hai, qua Email Đặng Tiến ở Pháp gửi về bảo, để T.H đọc chơi, ông vẫn cho in ra và, lọ mọ tới phụ san Người Hà Nội giới thiệu (1)…
Khi chúng tôi tới nhà cụ ở phố Đoàn Như Hài, Tết đã tàn. Bên trái cửa nhà ông có cái chậu trồng cây quất cao nghểu, lá năm trước rụng hết và dăm lộc xanh đang nảy ra. Chú cháu gặp nhau, Tô Hoài như bao lần, luôn cười hiền. Ông vừa thoát khỏi cảnh ốm đau hút chết, đã nghĩ ngay chuyện viết Hồi ký. Hỏi về cái đận, Tết ốm Thập tử nhất sinh ra sao, ông chỉ ầm ừ cho qua chuyện. Bà Tô Hoài rót trà cho Lan Anh và tôi, nhẩn nha kể:
- Chuyện lạ lắm hai cháu ạ. Ông ấy ốm mấy tuần nằm bẹp. Giáp Tết, chả gượng nổi, cứ nằm. Sát Tết càng nặng hơn, xem như không thể qua được. Tối Hai Tám, ông nhà tôi bắt đầu không kiểm soát được mình. Tôi lo quá, ngồi bên ông buồn quắt cả ruột gan, nghĩ: năm nay mất Tết rồi, chắc chẳng qua khỏi, ông ấy mà đi thì Tết nhất nỗi gì.
Sâm sẩm chiều Hai Chín, lại nghĩ, thôi thì chả sắm sanh, cũng phải mua dăm chục đồng hoa mà cúng giao thừa (2). Nghĩ vậy, tôi dặn các em trông ông, rồi lẻn ra chợ Đồng Xuân. Chân cứ đi, mà lòng dạ rối bời, chưa tính mua bán cái gì. Ngày cuối năm, chợ Tết bắt đầu vãn. Phố Hàng Lược còn vài hàng bán hoa, dăm cô cậu cầm cành đào loe hoe trên hè. Ai cũng đã lo về nhà. Tết nhất mà lòng mình cứ buồn ngơ ngẩn. Tới ngã tư, có ai bên hè gọi giật lại: Bà ơi, vào mà ngắm quất này! Anh thanh niên đứng chắn tôi, chỉ tay về hai ba cây quất đang đứng bên hè. “Tôi chả mua bán gì. Cậu để tôi đi! “Tôi nói. Không, bà cứ ngắm đi chọn cây to nhất! “Không, tôi chả mua bán gì mà. “Anh thanh niên vẫn đứng cản đường, thủng thẳng cười nói: “Con có bán cho bà đâu, bà cứ chọn đi, con biếu bà một cây. Bà thích cây nào? “Tôi đứng lại, ơ cái nhà anh này, Tết nhất đang buồn bỏ cha, mà cứ đùa! Nhìn mặt anh ta cũng chả ra phường lừa đảo, cười rất hiền lành chất phác, tôi bèn bảo: “Cậu mà cho, tôi thích cây này này. “Nói rồi chỉ vào cây quất to, cao nhất. Bòng nó rộng, lá xanh mướt, quả vàng ươm lúc lỉu. Người thanh niên không nói một lời, bê cây quất nom nhẹ như không, dù cái bồng đất to như cái thúng. Buộc ngay lên xe: Bà đi trước đi, con chở về theo bà… Thế là như có ma ám tôi lên cái xe ôm ngay đấy quay lại về nhà.
Về tới nhà, cây quất cao to quá. Đang tính làm sao mà cho vào nhà, thì anh thanh niên đã hạ xuống và chả nói chả rằng, để cây quất ngay bên cửa, xong nói: “Để nó đứng đây, canh cửa canh nhà cho ông bà, đứa nào ám, nó quất cho một nhát! “Nói rồi, cứ thế lên xe dong thẳng mà phóng đi, chẳng cho tôi nửa lời cám ơn.
Tôi cũng đâu có tha thiết gì tới quất. Quay vào nhà, thấy ông nhà tôi cựa quậy. Thở mạnh. Một lát, nhỏm dậy đòi ăn cháo. Hoảng hồn, tôi tưởng mình mê, hỏi lại, ông Hoài vẫn giục tôi đi nấu bát cháo cho ông.
Suốt đêm giao thừa cứ lo lắng thấp thỏm, chỉ sợ người ốm vực dậy thoáng chốc, như ngọn nến bùng phắt lên rồi tắt. Ai ngờ, cứ mỗi khi nhỏm dậy nghe sang (3), thấy hơi thở ông đều đều, như mọi đêm chưa từng ốm đau.
Sớm Mồng Một cả nhà tíu tít. Mừng quá! Ông nhà tôi dậy vệ sinh và lại đòi ăn, như chưa hề đau ốm Thập tử nhất sinh… Thế rồi bình phục dần và tươi tỉnh như hôm nay. Lạ quá, lạ quá!
Suốt mấy ngày xuân, chả mang cây quất vào nữa, lấy cái chậu trồng nó cho nó đứng đấy mãi mãi gác nhà cho tôi. Hôm kia gió bấc về, ào một cái, nó rũ hết lá lúc nào không biết.
Tôi để Lan Anh ngồi tâm sự với bà Tô Hoài, ra cửa. Cây quất rõ to, cành lá thế kia chắc lúc mới về canh cửa lá và quả sum suê tráng kiện lắm. Quất nhau ra sao, sau Tết mới chục ngày, giờ lá rụng hết, quả cũng không, nhận ra nó còn sống là ở trăm cái lộc xanh, cái bé xíu như mắt muỗi, cái xòe như búp chè…
***
Sự việc ấy, bẵng đi không ai nhắc lại. Tôi lại ra xứ người. Ở Đức, năm 2009, tôi nghe tin ông Tô Hoài lại ốm. Lần này nặng lắm. Phải nằm viện. Bạn tôi, nhà báo H.Đ, thư sang: Em đưa một lũ trẻ con tới thăm cụ. Chúng mang cả một hộp dế mèn và cái băng thu giọng mẹ chúng đọc truyện Dế mèn phiêu lưu ký tới, định mở cho cụ nghe mà cụ cứ nhắm mắt, nằm thở mê man chả nhận ra ai trên giường… Tôi thư về bảo, chả lo đâu, cụ ốm vậy, nhưng chắc dăm bữa nửa tháng lại qua… Cái anh Dế, sống dai lắm, đây lại là Dế cụ!
Tháng 12 năm 2009 về nước, tôi cùng Trần Đăng Khoa, Hoàng Điệp và Bình Nguyên Trang tới thăm nhà văn: Tết này đã 90 mươi xuân. Kéo nhau tới, chị con cả dìu Tô Hoài ra đón khách. Ông nhận ra tôi ngay, cười tươi, giang hai tay ôm và nói: Thọ đã về…
Chúng tôi, hai thế hệ, nhà thơ, nhà văn và nhà báo, như bầy trẻ thơ líu ríu quanh ông, làm chật cái phòng khách hẹp. Cụ khoe, đang Làm hàng Tết (4)! Như lệ bao năm của người Hà Nội gốc, 36 phố phường, hai ba tháng Tết có Hàng Tết! Cụ viết báo Xuân, báo Tết theo lời mời! Suốt buổi, Dế Cụ luôn tít mắt cười, hết chuyện này ra chuyện khác, dường như mọi sự trên đời chưa từng có gì… Chưa từng dính bụi. Như hôm qua gọi điện tới chia sẻ với cụ một việc chả ra gì. Cụ nói qua điện thoại: “Thọ bôn ba thế, bao gian nan, vất vả. Về nước có thời gian, dành mà chơi, mà viết, để ý gì chuyện vớ vẩn. “Lại bảo: “Lớn như sông Cái, mùa nước đầy rác rưởi bèo bọt. Tất cả trôi ra biển, còn phù sa ở lại! “Tôi nhắc lại lời cụ qua điện thoại với nhà báo H.Đ, rồi chua thêm: “Tuổi và trải đời như Dế Cụ, ngộ tất cả rồi”.
Trần Đăng Khoa ngồi kế, phắt dở túi, lấy ra hai cái hộp. Hóa ra lão Cóc cụ cẩn thận lắm, tới thăm Dế Cụ, đã chuẩn bị cả Linh chi Hàn Quốc chính hiệu và thuốc tẩy độc của Mỹ. Tôi trêu bảo, không cần thuốc, Cụ Dế còn cứ là trên trăm. Lại nói: “Năm nay Dế cụ 89, sau Tết là 90, chắc thọ hơn 100. Thọ trên cả trăm tuổi, con sẽ bỏ lời nguyền, viết thêm cuốn tiểu thuyết thứ Ba, yêu sống cùng bố Dế Cụ! “Tô Hoài cười tha lượng. Chuyện đang vui, tôi nhắc lại xuân nào cụ ốm, có cây quất hộ vệ: Quất cho bọn ma tà chạy mất dép khỏi nhà. Để chứng lời, tôi bèn kể tuột ra cả câu chuyện Tết năm ấy, trước mặt cụ Tô Hoài, cho Khoa và hai em phóng viên xinh đẹp nghe. Dế Cụ thẩn tha bảo, cây ấy vẫn đứng đó! Lại cười tít! Khoa hỏi: Thật không? Tôi nói ngay: “Bà Tô Hoài, cô Lan Anh, bây giờ làm tạp chí Đẹp, còn sống sờ sờ kia, chả nhẽ tôi phịa! “Khoa bảo, thế thì viết ra, tớ đặt cho cái Tít: Ai cứu cụ Tô Hoài thoát chết?
Viết thì viết. Chả biết hư thực sao! Anh Dế trũi nào hộ vệ? Hay Thần thiêng nào ở Thăng Long làm cây quất canh cửa nhà cụ, theo chuyện cụ bà Tô Hoài. Thôi thì ngày xuân, tháng Tết, coi như câu chuyện làm quà, nay chép cả ra đây! Chỉ có điều, vị Bồ Tát vô danh đã hiện hình thành người dân nghèo bán quất, đã cử thần Quất hộ vệ xua tà, cứu cụ Dế Mèn thì nay vẫn chẳng ai biết ở đâu. Cầu mong trời phật thánh thần phù hộ cho anh thanh niên cho quất, để anh tiếp tục “cứu người” bằng những niềm vui trần thế...
Nguyễn Văn Thọ
(1) Bài Tùy bút này, nhà văn Nguyễn Việt Hà năm ấy làm Tập san Người Hà Nội muốn in song không được Tổng Biên tập duyệt. Mãi sau này tới 2006, nhà văn Văn Chinh in ở Báo Tết Nông Nghiệp.
(2) Năm ấy tháng Chạp thiếu. 29 Tết là giao thừa.
(3) Nghe Sang: Cát bụi chân ai có câu Nghe sang rạp Quảng lạc.
(4) Làm hàng Tết: Chữ nhà văn Tô Hoài. Làm hàng Tết: Lệ ở Hà Nội cũ cứ giáp Tết các phường làm hàng Tết, như Hàng thùng gò thùng luộc bánh chưng, Hàng mã làm đồ âm binh, Hàng hương làm hương trầm, v.v… đồ bán Tết gọi là Làm hàng Tết.