Hội thảo “AI IoT Platform - Hạ tầng số cho phát triển kinh tế” có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi xanh đang trở thành các xu thế lớn, định hình sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ của Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và các nền tảng công nghệ số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yếu tố cốt lõi, quyết định năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của các địa phương cũng như các quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định tự hào là một trong những địa phương đi đầu trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ mới tại Việt Nam. Thời gian qua, địa phương đã không ngừng đổi mới tư duy, cách làm việc và phương thức quản lý.
Tỉnh đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, triển khai các dự án và đề án trọng điểm như: Trung tâm trí tuệ nhân tạo và đô thị phụ trợ, Đề án phát triển công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an toàn - an ninh mạng, cùng các giải pháp công nghệ cao. Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy Bình Định trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo, bán dẫn và đổi mới sáng tạo hàng đầu khu vực.
|
Ông Phạm Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo. |
Một trong những điểm mạnh mà Bình Định luôn chú trọng là sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn văn hóa và bảo vệ môi trường. Lãnh đạo Bình Định hiểu rằng để phát triển bền vững, công nghệ cần phải đồng hành cùng chuyển đổi xanh. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án quan trọng như: sử dụng năng lượng sạch, xây dựng đô thị thông minh, phát triển nông nghiệp số… trong đó, AI và IoT đóng vai trò then chốt.
Đặc biệt, với tiềm năng về khoa học - công nghệ, du lịch và kinh tế biển, Bình Định đang thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mục tiêu của Bình Định là xây dựng địa phương trở thành một tỉnh phát triển khá của khu vực, tiên phong trong khoa học - công nghệ và chuyển đổi số.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cho rằng, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là “một hành trình công nghệ” mà còn là “một cuộc cách mạng về tư duy”. Để đạt được thành công, cần sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội. Bình Định sẵn sàng đóng vai trò là cầu nối, nơi hội tụ tri thức và công nghệ để cùng xây dựng một tương lai số toàn diện, bền vững.
“Tôi tin tưởng rằng, thông qua hội thảo hôm nay, chúng ta sẽ tìm ra những giải pháp đột phá, những mô hình hợp tác hiệu quả để đưa các ứng dụng AI và IoT vào đời sống một cách thiết thực nhất. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là cơ hội để Bình Định tiếp tục học hỏi, khẳng định vị thế và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế số của cả nước”, ông Tuấn nói.
|
Ông Lê Nam Trung phát biểu tại hội thảo. |
Ông Lê Nam Trung - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông cho biết, chúng ta đang sống trong thời đại kinh tế số, nơi mà công nghệ đóng vai trò là lực đẩy chủ đạo cho tăng trưởng, đổi mới và cạnh tranh. AI và IoT đã trở thành hai công nghệ chủ lực trong việc định hình tương lai của nền kinh tế - xã hội. Đây là những công nghệ lõi, công nghệ nền tảng, làm tác nhân chính của cuộc cách mạng chuyển đổi số.
Xu hướng ứng dụng AI và IoT vào phát triển kinh tế - xã hội là tất yếu, từ phục vụ cho từng cá nhân, gia đình, doanh nghiệp tổ chức đến các khu vực xã, phường, huyện, thành phố và cả quốc gia hiện nay.
“Phát triển hạ tầng số đã được Nhà nước xác định là 1 trong 3 hạ tầng quan trọng quốc gia bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng. Phát triển hạ tầng số không chỉ đơn thuần là một yếu tố hỗ trợ mà còn là nền tảng quyết định để thúc đẩy kinh tế số phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương, quốc gia, tăng cường quản lý và hiệu quả dịch vụ công. Trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia tiên phong trong phát triển hạ tầng số tại khu vực Đông Nam Á”, ông Trung nhấn mạnh.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe 5 tham luận, gồm: Xây dựng hệ sinh thái IoT cho các hộ gia đình và doanh nghiệp - góc nhìn từ VNPT Technology; Kiến tạo tương lai kinh doanh mới với AI - chia sẻ về xu hướng các doanh nghiệp ứng dụng AI vào vận hành, kinh doanh và AI Factory; IoT, MetaData và AI ứng dụng trong lĩnh vực giám sát an ninh; Hệ thống truyền thông đa kênh cho cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp; Hệ thống giám sát ngập lụt tự động VFASS.
Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận những công nghệ, giải pháp về AI, IoT để phát triển hạ tầng số với mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế số của Bình Định nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung.