Algeria là thị trường xuất khẩu tiềm năng của thủy hải sản Việt Nam

(PLVN) -Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, thủy hải sản luôn nằm trong tốp 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Algeria, với kim ngạch từ 9-10 triệu USD/năm.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Theo số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Algeria, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy hải sản của nước ta sang thị trường này đã đạt 11 triệu USD. Sản phẩm xuất khẩu chính chủ yếu là cá tra, ba sa filet và cá ngừ nguyên liệu. Tổng thuế nhập khẩu đối với nhóm hàng này là 51%. Giá bán 1 kg cá tra filet đông lạnh trên thị trường sở tại vào khoảng 5 USD.

Với 1200 km bờ biển, Algeria cũng là quốc gia có tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Các sản phẩm đánh bắt chính gồm nhuyễn thể, đạt 2.444,9 tấn và cá tươi 1.150,06 tấn năm 2018.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Algeria, sản lượng hải sản của nước này ước đạt 120.000 tấn và sản lượng nuôi trồng là 5200 tấn. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hải sản của Algeria đạt 12,38 triệu USD, tăng đến 68,2% so với năm 2017.

Hàng năm vào tháng 11, nước này tổ chức Hội chợ quốc tế về đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tại thành phố Oran. Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thu hút được các nhà đầu tư tư nhân với 140 dự án trong đó 70 dự án đang hoạt động. Algeria vẫn đang tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư thế giới, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam sang hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực này. Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.

Người dân tại Algeria theo đạo Hồi, có truyền thống ăn thịt và ít có thói quen tiêu thụ thuỷ sản. Hơn nữa tại Algeria, cá tươi đánh bắt hoặc nuôi đều có giá bán khá cao. Vì thế, mặc dù có tiềm năng phát triển nhưng dung lượng thị trường thuỷ sản tại quốc gia Bắc Phi này nhìn chung không lớn và việc đẩy mạnh xuất khẩu đòi hỏi phải có thời gian tuyên truyền, quảng bá.

Với nhu cầu trong nước ước đạt 200.000 tấn/năm, trung bình, mỗi người dân Algeria tiêu thụ 5 kg cá, thấp hơn nhiều so với mức mà Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) khuyến nghị.

Tuy vậy, ngành nuôi trồng thuỷ sản của Algeria, nhất là cá nước ngọt chưa phát triển do đó vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu trong nước. Hơn nữa, mấy năm gần đây, số lượng người nước ngoài đến làm việc ngày càng đông cũng góp phần tăng cầu thủy sản.

Mặt khác, cá da trơn được đánh giá có chứa ít cholesteron, giá bán phải chăng cũng mở ra cơ hội gia tăng xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam vào thị trường này.

Đọc thêm