Ấm áp bên dòng sông Hàn

Trong không khí ấm áp mà thoáng đãng của nắng gió Đà Nẵng, nhiều Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng THADS đều tỏ ra lạc quan với những kết quả mà ngành đạt được trong năm qua, đồng thời mong muốn Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao hơn trong năm mới.

Đại biểu về dự Hội nghị tổng kết công tác ngành Tư pháp (ngày 22 - 24/12) cùng nhau nhìn lại công việc của năm qua và đặt kế hoạch trong một năm mới trong nắng ấm Đà Nẵng.

Tư pháp tiếp tục kiện toàn bộ máy

Trên đường vào Đà Nẵng sáng sớm qua, trong tiết trời mưa lạnh Hà Nội, người đầu tiên chúng tôi gặp là Giám đốc Sở Tư pháp Vĩnh Phúc, ông Kim Nam. “Cận kề” Thủ đô và là một trong những địa phương có tiềm năng phát triển kinh tế nên ngành Tư pháp Vĩnh Phúc có nhiều thuận lợi.

“Đến nay riêng khối Văn phòng Sở Tư pháp Vĩnh Phúc có 36 cán bộ với 7 phòng chuyên môn, sắp tới sẽ được bổ sung thêm”, ông Nam hồ hởi cho biết. “1/3 cán bộ khối Văn phòng Sở đã có trình độ thạc sỹ do được Tỉnh và ngành quan tâm tạo điều kiện cho đi học”.

Năm 2010, Bộ Tư pháp đã soạn thảo và phối hợp hoàn chỉnh 25/29 văn bản, đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 43/108 văn bản, đề án thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Tư pháp hoặc liên tịch ban hành.

Giai đoạn 2007 - 2010, Bộ đã soạn thảo và trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng 82 văn bản, đề án.

Năm 2010, các cơ quan Tư pháp địa phương trong toàn quốc đã chủ trì soạn thảo, tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 9.972 VBQPPL; phối hợp với các cơ quan liên quan soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành khoảng 14.908 VBQPPL.

Cả giai đoạn 2007 - 2010, các cơ quan Tư pháp địa phương cũng đã chủ trì hoặc phối hợp soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành khoảng 91.564 VBQPPL

Khi được hỏi trong rất nhiều công việc của ngành, ông “ấn tượng” với lĩnh vực nào nhất, ông Nam cho biết, tất cả các công việc trọng tâm của ngành, Vĩnh Phúc triển khai đồng đều, nhưng mảng việc được đánh giá “nhỉnh” hơn là công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật.

“Mỗi năm tỉnh dành nguồn kinh phí 6,5 tỷ đồng cho công tác này nên ngành Tư pháp có điều kiện để tuyên truyền một cách sâu rộng đến các đối tượng, tầng lớp dân cư trên địa bàn”.

Ông Nam nói và cho biết thêm: Năm tới, ngành Tư pháp sẽ tập trung phối hợp với các ngành liên quan triển khai nhiều hình thức tuyên truyền. Hơn 19 ngàn cán bộ cấp thôn (như bí thư chi bộ, mặt trận, đoàn thanh niên, phụ nữ…) của hơn 1 ngàn thôn, xóm sẽ được tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền. Đến nay, mạng lưới tủ sách pháp luật của Vĩnh Phúc đã rộng khắp đến xã, phường, thôn xóm và nhiều cơ quan doanh nghiệp.

Ròng rã ba ngày đường từ “nơi địa đầu của Tổ quốc” mới đến được Đà Nẵng vào chiều qua, nhưng giám đốc Sở Tư pháp Hà Giang Hầu Minh Lợi vẫn không hề tỏ ra mệt mỏi.

“Đến nay Sở đã có 3 đơn vị sự nghiệp, 7 phòng và tương đương. Phòng Tư pháp được duy trì ở 11 đơn vị hành chính với 2 đến 3 cán bộ trên mỗi đơn vị; 195 xã, phường, thị trấn có Ban Tư pháp được bố trí cán bộ Tư pháp - Hộ tịch chuyên trách. Ở thôn bản đã kiện toàn 2.148 Tổ hoà giải với 11.470 hoà giải viên, tỷ lệ hoà giải thành hàng năm đạt trên 80%”, ông Lợi thông tin.

Điểm đầu những công việc trong năm, ông Lợi cho biết tư pháp Hà Giang đã bám sát sự chỉ đạo của Bộ, cố gắng khắc phục khó khăn, đặc biệt chú trọng việc đào tạo cho đội ngũ cán bộ tư pháp với phương châm “có bột mới gột nên hồ”.

Tuy nhiên, lo lắng của người đứng đầu ngành Tư pháp Hà Giang là vấn đề về biên chế. “Chúng tôi không tìm đâu ra nguồn để tuyển dụng”, ông Lợi nói và rất mong trong năm mới, Bộ, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện, có chính sách đãi ngộ để thu hút cán bộ vào ngành.

Báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác xây dựng ngành nói chung cũng cho thấy so với giai đoạn trước, đến nay đội ngũ cán bộ ngành đã được kiện toàn cơ bản về số lượng, liên tục được nâng cao về chất lượng, ngày càng đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới

Thi hành án nhiều khởi sắc

Là một trong những người có mặt tại Đà Nẵng sớm nhất để dự Hội nghị tổng kết ngành, Cục trưởng Thi hành án dân sự (THADS) Hải Dương Nguyễn Văn Tường phấn khởi: năm 2010 thi hành án Hải Dương thi hành đạt tỷ lệ 88,9 % về việc; thu tổng số tiền gần 23 tỷ đồng, đạt 70,8 % số tiền có điều kiện thu.

Kết quả THADS năm 2010 cao nhất trong giai đoạn 2007 - 2010; toàn ngành THADS đã thi hành xong 351.373 việc/406.896 việc có điều kiện thi hành, đạt tỷ lệ 86,35 % (vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 6,35% - tăng 5,3 % so với năm 2009); về tiền, đã thi hành xong 8.301 tỷ 320 triệu 561 nghìn đồng (tăng 1.679 tỷ 584 triệu đồng so với năm 2009), đạt tỷ lệ 80,10% số tiền có điều kiện thu (vượt chỉ tiêu đề ra từ đầu năm 20,10% - tăng 9,6 % so với năm 2009).

Hoàn thành việc rà soát tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc miễn thi hành án thu cho ngân sách nhà nước có giá trị không quá 500.000 theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 ngày 14/11/2008 của Quốc hội về thi hành Luật THADS được 27.977 việc, với số tiền là 4 tỷ 857 triệu 659 nghìn 88 đồng.

Về kết quả lập hồ sơ đề nghị xét miễn, giảm thi hành án, ông Tường cho biết đã xét miễn được 451/474 việc, với số tiền là 150.450.000 đồng (miễn THA theo Nghị quyết số 24/2008 của Quốc hội) và miễn 8 việc với số tiền gần 19 triệu đồng theo Thông tư liên tịch số 02.

Tuy nhiên, ông Tường cũng bày tỏ: số lượng vụ việc phải THA ngày càng nhiều, tính chất của các vụ án ngày càng phức tạp, nhưng biên chế lại không được tăng, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ vẫn còn hạn chế, do đó hiệu quả công tác THADS chưa được cao.

Do đó, ông Tường kỳ vọng sang năm mới Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS tăng cường, bổ sung biên chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện hoạt động; đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho vật chứng của cơ quan Cục THADS tỉnh và đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục đầu tư để cải tạo trụ sở làm việc của một số đơn vị cấp huyện còn thiếu diện tích làm việc.

Mang về hội nghị ngành những kết quả trong một năm và một nhiệm kỳ, Cục trưởng THADS Kiên Giang Huỳnh Văn Tam chia sẻ: Mặc dù là tỉnh có vị trí địa lý phức tạp với 02 huyện đảo, 07 huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến, tuy nhiên toàn ngành đã tích cực rà soát, phân loại các vụ việc, áp dụng nhiều biện pháp để thi hành dứt điểm các bản án.

Năm 2010, kết quả THADS trong toàn tỉnh đạt 79% về việc và 75% về tiền. Tỷ lệ giải quyết án tồn đạt 9.29%.

Ông Tam mong muốn năm 2011 Bộ, Tổng cục tiếp tục chỉ đạo sát sao trong việc giải quyết án tồn đọng, quan tâm đến kịp thời tháo gỡ về nghiệp vụ cho cơ sở.

Rất nhiều Giám đốc Sở Tư pháp, Cục trưởng THADS chúng tôi gặp trước thềm hội nghị tổng kết công tác Tư pháp đều tỏ ra lạc quan với những kết quả mà ngành đạt được trong năm qua đồng thời mong muốn Bộ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, sát sao hơn trong năm mới. Với những tiền đề quan trọng của năm 2010 và cả một nhiệm kỳ qua, chắc chắn công tác tư pháp sẽ còn nhiều đột phá, góp sức vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nhóm phóng viên

Đọc thêm