Ấm êm những nếp nhà Đông Thanh

Tuy nhiên hơn 20 năm qua, kể từ khi được thành lập (1987) người dân Đông Thanh (huyện Lâm Hà) đã luôn là một khối thống nhất, đùm bọc, sẻ chia, nỗ lực vượt qua đói nghèo
Đ/c Khuất Minh Phương - UVBTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ nhất bên phải) trao Bằng công nhận xã hội văn hóa cho xã Đông Thanh.

Đông Thanh - không phải là xã có nền kinh tế phát triển như Tân Hà hay thị trấn Đinh Văn, xã cũng không có “mặt tiền” gần đường lớn như Mê Linh, Nam Ban...

Tuy nhiên hơn 20 năm qua, kể từ khi được thành lập (1987) người dân Đông Thanh (huyện Lâm Hà) đã luôn là một khối thống nhất, đùm bọc, sẻ chia, nỗ lực vượt qua đói nghèo. Hơn hết, truyền thống “Tình làng nghĩa xóm”, gìn giữ “Thuần phong mỹ tục” cũng như “đạo nhà” luôn được người dân đặt lên hàng đầu trong đời sống sinh hoạt thường ngày.

Những nét đẹp trong đời sống văn hóa của Đông Thanh đã được ghi nhận bằng thành quả: Là xã đầu tiên của huyện Lâm Hà và là xã thứ 3 trong toàn tỉnh được UBND tỉnh trao bằng công nhận xã đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh.

Tiền thân của Đông Thanh vốn là HTX của một bộ phận cư dân Đông Anh, Thanh Trì - Hà Nội vào Nam Ban thuộc Đức Trọng (cũ) xây dựng kinh tế mới. Kể từ ngày thành lập xã năm 1987 đến nay, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, diện mạo của Đông Thanh hôm nay là một xã có 7 thôn với trên 1000 hộ/4.950 nhân khẩu; nơi an cư, hội tụ của 9 dân tộc anh em đến từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước.

Đoàn kết, cần cù trong lao động từ những ngày xã mới ra đời để vượt qua gian khó. Bên cạnh việc xây dựng kinh tế để đảm bảo cuộc sống, người dân Đông Thanh cũng luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Từng người, từng nhà, từng thôn luôn nhắc nhở nhau giữ gìn sự bình yên trong đời sống sinh hoạt, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa được người dân Đông Thanh đặc biệt quan tâm và đã hình thành từ rất lâu trước khi cuộc vận động bắt đầu triển khai. Đây cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ và chính quyền xã Đông Thanh qua tất cả các nhiệm kỳ.

Để lý giải cho sự thành công của Đông Thanh, chỉ có thể gói gọn bằng hai chữ “đồng thuận”, sự đồng thuận là động lực chính và cũng là quyết tâm, nỗ lực để xã Đông Thanh hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa cấp tỉnh chỉ sau 3 năm triển khai thực hiện (2007 - 2010). Phía sau danh hiệu đã đạt được là cả một quá trình phấn đấu, phát triển đồng bộ trên tất cả lĩnh vực cơ bản, thực hiện tốt các phong trào thi đua.

Từ lao động - sản xuất - kinh doanh giỏi đến giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo; từ xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa đến thực hiện tốt các chương trình khuyến học, khuyến tài; thường xuyên xây dựng các công trình phúc lợi, giữ gìn cảnh quan môi trường và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt trên địa bàn.

Giải thích cho những kết quả đã đạt được, ông Trần Ngọc Ngọc - Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết: “Cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa là nội dung quan trọng, là cơ sở để Đông Thanh xây dựng thôn văn hóa, xã văn hóa. Thông qua việc tìm hiểu học tập về “3 tiêu chuẩn của gia đình văn hóa” được lồng ghép với các nội dung như: ông bà, cha mẹ mẫu mực; con cháu thảo hiền; phụ nữ hai giỏi; cựu chiến binh gương mẫu; nhà giáo văn hóa … Nhân dân trong xã đã tự nguyện đăng ký với số lượng năm sau cao hơn năm trước.

Việc bình xét gia đình văn hóa được thực hiện theo đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ nên đến nay toàn xã có 7/7 thôn, 4/4 cơ quan đăng ký và được công nhận là thôn, cơ quan văn hóa; Trên 80% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Đảng bộ nhiều năm liền được công nhận trong sạch vững mạnh, hệ thống chính trị từ xã tới thôn được kiện toàn và củng cố nâng cao chất lượng”.

Là xã đầu tiên của huyện và là một trong 3 xã của tỉnh được công nhận xã văn hóa cấp tỉnh, danh hiệu này hoàn toàn xứng đáng với công sức, sự nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân dân xã Đông Thanh miệt mài gầy dựng suốt một thời gian dài.

Ông Trần Ngọc Tâm - Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh xã bộc bạch: “ Đông Thanh được công nhận là xã văn hóa là điều vinh dự cho tất cả người dân chúng tôi. Tôi cũng mong rằng trong thời gian tới những vấn đề như: Hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước sạch, đường giao thông nông thôn... cần được các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa để Đông Thanh phát triển đồng bộ và có diện mạo mới của một xã nông thôn mới đích thực”.

Phấn đấu đạt được đã khó, giữ vững những gì đang có cũng không phải là điều dễ. Xác định được điều đó, ở Đông Thanh hôm nay từ Đảng bộ đến các tổ chức đoàn thể, từ chính quyền đến mỗi người dân, đều luôn tự nâng cao ý thức và chấp hành các quy chuẩn đề ra một cách tự nguyện và thường xuyên. Đoàn Thanh niên xung kích đi đầu trong việc giữ gìn vệ sinh, cảnh quan đường làng, ngõ xóm... duy trì các CLB “An toàn giao thông”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”; Hội Cựu Chiến binh, Phụ nữ... thì giúp nhau vay vốn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, phát triển hình thức hoạt động của các CLB “Gia đình văn hóa”, “ Gia đình không sinh con thứ 3”...

Về phía Đảng bộ và Chính quyền xã thì tập trung xây dựng, nâng cao năng lực chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng chủ động chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao mức thu nhập cho người dân, quan tâm đến gia đình chính sách, người có công, đối tượng nghèo. Tập trung đầu tư cho các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa...

Ở Đông Thanh, có thể dễ nhận thấy, “Phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” đã và đang trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, có ý nghĩa thiết thực và đi vào cuộc sống của mỗi gia đình và cộng đồng dân cư.

Việc triển khai xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa đã góp phần thay đổi bộ mặt vùng kinh tế mới này, góp phần ổn định chính trị, đời sống văn hóa được nâng cao, thuần phong mỹ tục được gìn giữ và phát huy. Các tệ nạn xã hội được đẩy lùi, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện, nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của đảng và Nhà nước. Sự ấm êm của mỗi nếp nhà ở Đông Thanh sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của xã văn hóa này trong tương lai không xa.

HỒNG HẢI - TUẤN LINH

Đọc thêm