Ân tình với Đảng

Cách đây 50 năm, cơ quan Liên khu ủy Khu 5 từ phía Tây tỉnh Thừa Thiên-Huế về đóng tại xã Ba, xã Tư huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là căn cứ đầu tiên của Liên Khu ủy, sau này là Khu ủy Khu 5. Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng,  quân và dân Khu 5 cùng với cả nước giành nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Mới đây, trong dịp về thăm lại vùng căn cứ cách mạng vào cuối tháng 3-2010, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã bày tỏ lòng tri ân của Đảng, cách mạng đối với nhân dân.

Cách đây 50 năm, cơ quan Liên khu ủy Khu 5 từ phía Tây tỉnh Thừa Thiên-Huế về đóng tại xã Ba, xã Tư huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Đây là căn cứ đầu tiên của Liên Khu ủy, sau này là Khu ủy Khu 5. Dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng,  quân và dân Khu 5 cùng với cả nước giành nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày toàn thắng. Mới đây, trong dịp về thăm lại vùng căn cứ cách mạng vào cuối tháng 3-2010, đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã bày tỏ lòng tri ân của Đảng, cách mạng đối với nhân dân.

Không quên những năm tháng gian khổ, hy sinh

Thăm nhà đồng chí Y Kông, đồng chí Nguyễn Văn Chi vẫn còn nhớ phong tục đánh chiêng đuổi cái xui rủi của đồng bào Cơtu.

Thăm nhà đồng chí Y Kông, đồng chí Nguyễn Văn Chi vẫn còn nhớ phong tục đánh chiêng đuổi cái xui rủi của đồng bào Cơtu.

Vừa bước xuống xe vào hội trường của huyện Đông Giang là bà con người Cơ tu đã vây lấy đồng chí Nguyễn Văn Chi trò chuyện như một người thân trong gia đình đi xa về. Dù đã ra Trung ương công tác gần 20 năm nhưng mỗi khi trở lại thăm vùng căn cứ cũ, địa bàn hoạt động trong chiến tranh, đồng chí vẫn cảm nhận tình cảm nhân dân dành cho mình cũng như cho cách mạng cách đây hơn 40 năm. Bắt tay, ôm chặt đồng chí Y Kông (nguyên Chủ tịch UBND huyện Hiên cũ), người bạn chiến đấu cũ, ký ức những năm tháng sát cánh bên nhau cùng chiến đấu lại ùa về. Những câu chuyện mà những người trẻ như chúng tôi chỉ biết qua sách vở, phim ảnh lịch sử, nay mới có dịp được nghe những nhân chứng sống  kể lại.

Những năm sau Hiệp định Giơ-ne-vơ là những năm đen tối của cách mạng miền Nam. Chính quyền Ngô Ðình Diệm tìm mọi cách phá bỏ Hiệp định, cự tuyệt hiệp thương tổng tuyển cử, đàn áp đẫm máu những người cộng sản, cán bộ kháng chiến và người dân yêu nước đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình. Đánh phá các cơ sở cách mạng ở vùng núi, địch đem những hàng hóa thiết yếu nhất lúc bấy giờ là gạo, muối, vải lên miền núi tặng đồng bào dân tộc nhằm mua chuộc, tách đồng bào khỏi ảnh hưởng của cách mạng. Thế nhưng, dẫu đứt bữa triền miên, lương thực chỉ có sắn, củ rừng, tro tranh thay muối, chỉ có miếng khố che thân, đồng bào vẫn một mực từ chối.

Các đồng chí Nguyễn Văn Chi và Y Kông kể: Có duy nhất một người dân tộc Cơ tu nhận hàng của địch. Tuy nhiên khi đem về không dám dùng, thấy cả làng kiên quyết từ chối, anh ta xấu hổ quá đem hàng trả lại. Dụ dỗ không được, địch dùng vũ lực khủng bố, bà con rút vào rừng tự vũ trang bằng vũ khí thô sơ chống lại chúng. Địch đi đến đâu cũng bị thương vong do chông, thò, hầm heo của đồng bào. Gian khổ, thiếu ăn nhưng đồng bào các dân tộc vẫn kiên trung theo Đảng, đùm bọc cán bộ cách mạng, sẵn sàng nhường phần ăn của mình cho người của Đảng, của quân đội đóng ở đây.

Nơi đây sau này cũng là nơi đứng chân của Thành ủy Đà Nẵng, Huyện ủy Hòa Vang... và nhiều đơn vị quân đội. Đồng chí Nguyễn Văn Chi kể có cơ quan được đồng bào nhường cho rẫy sắn nhưng chỉ nhổ lấy củ to ăn, bỏ lại củ nhỏ. Đồng bào đem ngay những củ sắn nhỏ đến cơ quan đó phê bình thói lãng phí trong khi đồng bào đâu có no đủ. Cơ quan nọ phải xin lỗi đồng bào và kiểm điểm cán bộ có trách nhiệm liên quan. “Ân tình của đồng bào dành cho Đảng, cho cách mạng không thể một buổi mà kể hết” - Đồng chí Nguyễn Văn Chi nói.

Tháng 1-1959, Nghị quyết 15 ra đời xác định phương thức đấu tranh của cách mạng miền Nam là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang đã đáp ứng được đòi hỏi của tình hình cách mạng và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân miền Nam.

Cách mạng miền Nam bước sang một giai đoạn mới mà mở đầu là phong trào Đồng Khởi rồi lan rộng trở thành các cuộc nổi dậy khắp các địa phương miền Nam. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5, được sự chi viện của miền Bắc, lực lượng vũ trang Khu 5 và nhân dân tiếp tục giành những thắng lợi, góp phần quan trọng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Dân no ấm, Đảng mới bền vững

Đồng chí Nguyễn Văn Chi và người bạn chiến đấu Bríu Prăm.

Đồng chí Nguyễn Văn Chi và người bạn chiến đấu Bríu Prăm. 

Điều đồng chí Nguyễn Văn Chi quan tâm nhất mỗi khi có dịp trở lại thăm các vùng căn cứ cách mạng là đời sống nhân dân ở khu vực này. Lần này về thăm huyện Đông Giang, đồng chí không khỏi suy tư khi nghe lãnh đạo Huyện ủy báo cáo tỷ lệ hộ nghèo còn trên 35%, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 4,7 triệu đồng/năm. Đồng chí nói: Trong những năm tháng chiến tranh, đồng bào dành hết mọi thứ cho cách mạng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ.

Ân nghĩa ấy Đảng không thể nào đền đáp hết được. Nay hòa bình đã 35 năm rồi, đất nước đổi mới cũng 25 năm rồi, dân ta không còn ai đói ăn nữa nhưng không thể để đồng bào nghèo mãi được. Đây là trọng trách của Đảng, chính quyền địa phương. Phải năng động phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho đồng bào cải thiện đời sống và thoát nghèo. Dân có no ấm, Đảng ta, chế độ ta mới bền vững.

Mỗi lần đến thăm gia đình một cơ sở cách mạng đã từng nuôi giấu mình, đồng chí Nguyễn Văn Chi có thói quen xuống bếp xem chuẩn bị bữa ăn của gia đình để biết đời sống của họ. Đồng chí quan niệm rằng xem bữa ăn của dân có thể đánh giá được nghị quyết của đảng bộ địa phương đó đi vào cuộc sống đến đâu. Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh thể hiện rất cụ thể từ đời sống sinh hoạt thường nhật của người dân.

Đến thăm nhà người bạn chiến đấu Bríu Prăm ở xã Sông Kôn, đồng chí Nguyễn Văn Chi rất vui khi nghe kể ở đây có mô hình du lịch cộng đồng cho người nước ngoài thuê nhà ở khi đến đây du lịch. Đời sống đồng bào các dân tộc nhờ đó mà cải thiện. Hộ nghèo trong xã giảm nhiều. Đồng chí Bríu Prăm kể:  Lúc đầu thấy người nước ngoài đi du lịch đến, đồng chí rất nghi ngại, lo ảnh hưởng đến an ninh của xã, bởi do thói quen ý thức cảnh giác thời còn chiến tranh.

Sau này khi biết đó là chủ trương phát triển du lịch của tỉnh làm cho đời sống của dân khá lên, đồng chí rất ủng hộ. Dù nghỉ hưu nhưng đồng chí vẫn rất quan tâm và nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, nhân dân trong huyện, trong xã và góp ý kịp thời với lãnh đạo địa phương. Trò chuyện với nhau cả hai đồng chí Briu Prăm và Nguyễn Văn Chi đều cùng chung tâm nguyện: Trong chiến tranh dân theo Đảng, bảo vệ cán bộ. Nay hòa bình, Đảng và mỗi cán bộ phải lo cho dân.

Bài và ảnh: Đoàn Sơn

Đọc thêm