Anh hùng lao động – GS.TS Nguyễn Anh Trí: “Thầy thuốc luôn là những người đi đầu và trở về cuối cùng”

(PLVN) - Y đức là phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tuỵ phục vụ, hết lòng thương yêu chǎm sóc người bệnh.
Anh hùng lao động – GS.TS Nguyễn Anh Trí: “Thầy thuốc luôn là những người đi đầu và trở về cuối cùng”

Cách đây 65 năm, ngày 27/2/1955, nhân dịp tổ chức Hội nghị cán bộ y tế, Bác Hồ đã gửi thư cho Hội nghị căn dặn những điều quý báu. Từ đó trở đi, ngày 27/2 hàng năm đã trở thành ngày Thầy thuốc Việt Nam, là dịp để mọi người dân Việt nam thể hiện lòng kính trọng và sự biết ơn của mình đến các y – bác sĩ, hết lòng tận tâm cống hiến, hi sinh vì sức khỏe của những bệnh nhân.

Nhân dịp này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Chủ tịch Hội Huyết học Truyền máu Việt Nam).

- Thưa ông, ngành Y tế của Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực và phát triển, không chỉ đóng góp cho sự nghiệp y học nước nhà mà còn góp phần tích cực cho nền y học thế giới. Ông có nhận định như thế nào về ngành Y tế Việt Nam nói chung và các y, bác sĩ, những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Từ khi đấu tranh và giành độc lập, xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), ngành Y  đã tham gia rất tích cực trong công cuộc bảo vệ tổ quốc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đồng hành cùng nhân dân làm làm nên hàng loạt kỳ tích, thu được những thành tựu đáng được ghi nhận.

Đặc biệt, trong khoảng 15 năm trở lại đây, ngành Y tế đã đạt được những thành tựu ấn tượng, xứng đáng được cả xã hội ghi nhận và tuyên dương.

Thứ nhất, dù điều kiện kinh tế, nguồn lực vẫn còn hạn chế nhưng ngành y tế của chúng ta đã tổ chức được hệ thống y tế khá hoàn chỉnh. Bao gồm y tế điều trị, cơ sở đào tạo cán bộ y tế và y tế dự phòng. Trước đó Việt Nam đã chiến thắng rất nhiều dịch bệnh khác nhau như dịch SARS năm 2003 và hiện nay đã và đang đấu tranh với dịch Covid-19, bước đầu có những kết quả được cả thế giới ghi nhận.

Thứ hai, dù điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, nhưng Y tế Việt Nam đã có được những thành công trong chuẩn đoán và điều trị. Tôi xin nhấn mạnh, nếu so sánh với các nước cùng khu vực thì cán bộ y tế nước ta cũng có tay nghề cao trong nhiều lĩnh vực như tim mạch, sản khoa, huyết học, ung thư học, miễn dịch học, huyết học....

Đặc biệt, những kĩ thuật chuẩn đoán hình ảnh (Xquang) ghép tim, ghép phổi đến cấy ghép đa tạng, và cấy ghép tế bào gốc... dù “vào cuộc” sau, nhưng Việt Nam vẫn đang rất thành công.

Thứ ba, về đào tạo cán bộ y tế, nước ta đang dần tiếp cận những phương pháp điều trị, kỹ thuật - công nghệ cao so với các quốc gia có nền y học hiện đại. Không chỉ là học trò, mà Việt Nam cũng đã trở thành thầy khi bạn bè quốc tế đến học hỏi kinh nghiệm cũng như các phương pháp trong điều trị hiện đại của chúng ta.

GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Chủ tịch Hội Huyết học Truyền máu Việt Nam)
GS.TS Nguyễn Anh Trí (Đại biểu Quốc hội, Anh hùng lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Chủ tịch Hội Huyết học Truyền máu Việt Nam) 

Có thể thấy rằng nền Y học Việt Nam đang ngày càng phát triển, vậy có thể chia sẻ những thành tựu điển hình mà ông ấn tượng trong thời gian công tác tại ngành Y nước nhà?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Vào năm 2011, bạn bè quốc tế có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, Hội nghị ghép tế bào gốc đã được họ ủng hộ, tổ chức tại nước ta và địa điểm được lựa chọn là Viện huyết học - Truyền máu Trung ương.

Tại thời điểm đó, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cũng không có nghiên cứu, báo cáo về lĩnh vực này. Do nguồn lực và chuyên môn còn hạn chế nên từ trước đến nay, chúng tôi chỉ tổ chức ghép cho vài ca theo kiểu “du kích”. Do đó, không có gì là chuẩn mực và nguyên tắc chung. Chỉ có lương tâm nghề nghiệp để cứu sống người bệnh.

Thế nhưng, cho đến nay chúng ta đã tiếp thu được kinh nghiệm quốc tế và từ đó nâng cao sự sáng tạo và tìm ra được những phương pháp ghép mới. Chỉ riêng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã ghép được hơn 400 ca ghép tế bào gốc. Có rất nhiều phương pháp với kỹ thuật phức tạp từ cấy ghép tim, tuỷ xương và đặc biệt cấy máu cuống rốn… nhưng Việt Nam ta đã làm được.

Gần đây nhất, ngày 15/7/2020 ekip gần 100 nhân viên y tế tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM đã thực hiện thành công ca mổ tách hoàn toàn 2 bé song sinh dính liền bụng Trúc Nhi – Diệu Nhi để khép cơ quan nội tạng và tạo hình.

Hoặc như tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị các bệnh lý tuyến giáp của PGS.TS.AHLĐ, Trần Ngọc Lương đã được y học thế giới đặt tên “Công nghệ phẫu thuật nội soi Dr Lương”.

Cho đến nay, đã có hơn 300 giáo sư, bác sĩ ở 20 quốc gia trên thế giới đã đăng ký đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương học và chuyển giao kỹ thuật. Với kỹ thuật này, PGS.TS Trần Ngọc Lương đã đặt dấu ấn Việt Nam trên bản đồ Y học thế giới.

Năm 2020, Việt Nam là một trong những quốc gia kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Nhưng nhân tố quyết định vẫn là những chiến sĩ áo trắng ở tuyến đầu chống dịch. Theo ông thì bạn bè quốc tế đã có những đánh giá như thế nào dành cho Việt Nam?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Là 1 nhà khoa học về y khoa, cũng là 1 Đại biểu Quốc hội, tôi được nghe nhiều báo cáo mang tính tổng hợp nên có thể nói những thành công như đợt chống dịch vừa qua rất đáng quý.

Trang tin Business Insider của Mỹ vừa đăng bài viết đánh giá cao hiệu quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Bài báo dẫn một kết quả từ viện Lowy (Australia) cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ về hiệu quả chống dịch. Trong đó, việc truy vết đang được thực hiện tốt khiến Việt Nam khó có nguy cơ phải đối mặt với kịch bản bị phong tỏa trên diện rộng.

Ngay từ khi đợt dịch đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các kết luận, nghị quyết, chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”: vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, kiểm soát dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu, quan trọng, nhằm bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội.

Bên cạnh đó là sự đoàn kết của toàn nhân dân, sự góp sức của báo chí. Tiếp đó là lực lượng vũ trang đã có những hi sinh hết sức to lớn. Đặc biệt là những người trong ngành y tế luôn đi đầu, vào cuộc đầu tiên và là người về sau cùng.

"Tôi hết sức xúc động, ấn tượng, cảm kích và ghi nhận công ơn của đội ngũ bác sĩ trong giai đoạn chống dịch này...", GS.TS Nguyễn Anh Trí
"Tôi hết sức xúc động, ấn tượng, cảm kích và ghi nhận công ơn của đội ngũ bác sĩ trong giai đoạn chống dịch này...", GS.TS Nguyễn Anh Trí

Ông có điều gì nhắn nhủ tới những người đang công tác trong ngành y nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, đặc biệt là những y, bác sĩ đang tạm xa tổ ấm để làm công tác chống dịch, đem lại bình yên cho nhân dân?

GS.TS Nguyễn Anh Trí: Trong năm 2020 và đầu năm 2021, dưới góc độ của một nhà chuyên môn, tôi thấy ngành y tế rất quyết liệt, trách nhiệm, linh hoạt, đoàn kết sáng tạo trong công cuộc chống dịch. Ngành y tế luôn đi trước 1 bước và chống dịch cao hơn một mức, phòng bị cao hơn một mức, vừa chủ trương nhưng vừa thực hiện.

Qua đó cũng thấy phác đồ điều trị của Việt Nam rất linh hoạt và xuất sắc. Hiện nay Việt Nam có 35 ca tử vong, từ đó thấy chúng ta đã tận dụng những cái thông thường làm nên kỳ tích.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước phân lập được virus, là 1 trong 3 nước sản xuất được Kit xét nghiệm theo nguyên lý RT- PCR từ rất sớm để xét nghiệm SARS-CoV-2, được quốc tế đánh giá thừa nhận và đánh giá rất cao. Qua đó để thấy đây một bước nhảy vọt của công nghiệp dược Việt Nam, mở ra một tương lai mới cho ngành y tế nước nhà.

Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã có 4 công ty tham gia sản xuất vắc xin Covid-19 của Việt Nam là: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN). Trong đó có 2 loại vắc xin của 2 công ty bước vào giai đoạn thử nghiệm trên con người.

Trước hết, tôi hết sức xúc động, ấn tượng, cảm kích và ghi nhận công ơn của đội ngũ bác sĩ trong giai đoạn chống dịch này. Đơn giản nhất là việc các y bác sĩ đeo khẩu trang 3 lớp trong cả ngày dài, in hằn lên mặt. Rồi những cá nhân tạm gác công việc, gia đình để ở hoàn thành nhiệm vụ, thường xuyên phải thức đêm để trực bệnh viện. Rồi nhiều trường hợp bị người dân kỳ thị.... Mọi lời ca ngợi đối với họ đều không thể bù đắp.

Đến giờ này, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, mặc dù chúng ta có nhiều điều kiện tốt nhưng công cuộc chống dịch vẫn không hề đơn giản.

Nhân kỷ niệm 66 năm kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2,  tôi xin gửi lời chúc tới những người đã và đang công tác trong ngành y luôn kế thừa và phát huy những thành tựu, đồng thời nêu cao tinh thần học tập, nỗ lực hết mình vì công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyên này! Thay mặt những người làm báo PLVN xin được chúc mừng ông và các y bác sỹ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam!

Đọc thêm