Anh quyết định dẫn độ ông chủ WikiLeaks

Tòa án Anh hôm qua lần đầu quyết định về việc dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Thụy Điển vì các cáo buộc tấn công tình dục và hiếp dâm. Tuy nhiên, quyết định này có thể vẫn bị kháng cáo.

Tòa án Anh hôm qua lần đầu quyết định về việc dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange sang Thụy Điển vì các cáo buộc tấn công tình dục và hiếp dâm. Tuy nhiên, quyết định này có thể vẫn bị kháng cáo.

Anh quyết định dẫn độ ông chủ WikiLeaks ảnh 1
Julian Assange

Julian Assange, công dân Australia 39 tuổi, vẫn phủ nhận các cáo buộc lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp hai phụ nữ Thụy Điển hồi tháng 8 năm ngoái tại Thụy Điển. Từ phiên điều trần kéo dài 3 ngày trước Tòa án Belmarsh (phía Đông Nam London) hồi đầu tháng 2, các luật sư của ông Assange đã phản kháng trước quyết định dẫn độ Assange sang Thụy Điển.

Theo họ, đó là sự “lạm dụng pháp luật”: Tòa án Thụy Điển tuyệt nhiên không cần lệnh dẫn độ Julian Assange để nghe ông ta giải thích. Ngoài ra, các luật sư cũng cho rằng, những gì mà Julian Assange bị cáo buộc không thể cấu thành tội theo luật pháp của Anh.

Tại Thụy Điển, thực tế “hiếp dâm” mang một định nghĩa rộng hơn nhiều so với nhiều nước khác, khiến cho nước Bắc Âu này phải tiếp nhận nhiều đơn kiện liên quan tới “hiếp dâm” nhất châu Âu. Bên cạnh đó, luật sư của Julian Assange cũng cho rằng có “nguy cơ thực sự” một khi ông chủ WikiLeaks bị dẫn độ sang Thụy Điển, từ đó Assange có thể tiếp tục phải đưa sang Mỹ, nơi ông ta có thể phải ngồi tù tại căn cứ Guantanamo hoặc lĩnh kết án tử hình.

Nhà sáng lập WikiLeaks đã bị bắt giữ từ đầu tháng 12 năm ngoái tại London trong khuôn khổ một cuộc cuộc truy nã do Thụy Điển phát động, trước khi được tự do có điều kiện. Julian Assange – hiện đang ở tại một trang viên gần London – tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định dẫn độ đối với mình. Theo quy định, mỗi bên có thể kháng cáo trong nhiều giai đoạn khác nhau và toàn bộ tiến trình tố tụng có thể kéo dài tới nhiều tháng.

Tại Thụy Điển, thủ tục dẫn độ được quan tâm một cách đặc biệt, nơi đó Thủ tướng Fredrik Reinfeldt đã tuyên bố: “Đáng tiếc rằng quyền của phụ nữ và quan điểm của họ còn được người bào chữa cho Assange xem nhẹ”. Sau đó, tuyên bố này được một trong các luật sư của Assange, Geoffrey Robertson, cho là “quá đáng”. Theo Geoffrey Robertson, rõ ràng là ông chủ WikiLeaks đã trở thành “kẻ thù số một” tại Thụy Điển.

Hôm 10/2, Australia đã gửi thư đề nghị Bộ trưởng Tư pháp Thụy Điển Beatrice Ask đảm bảo cho Julian Assange được xét xử trong một phiên tòa công bằng, tôn trọng “pháp luật châu Âu và quốc tế đang có hiệu lực, kể cả những đạo luật liên quan tới quyền con người”, một khi Assange xuất hiện trước tòa án Thụy Điển.

Những người ủng hộ Julian Assange cho rằng, thực chất vụ bê bối nói trên xảy ra là nhằm hạ uy tín của trang web WikiLeaks mà trước đó đã tiết lộ nhiều tài liệu ngoại giao mật làm Mỹ cũng như nhiều nước khác lúng túng.

Phúc Lợi (Theo AFP)