Áp lực vì... được tặng quà

Với nhiều thầy cô, chỉ cần một bó hoa, một lời chúc trong dịp 20/11 từ các thế hệ học trò, sinh viên, đã đủ niềm hạnh phúc.

Với nhiều thầy cô, chỉ cần một bó hoa, một lời chúc trong dịp 20/11 từ các thế hệ học trò, sinh viên, đã đủ niềm hạnh phúc.

Tri ân thầy cô dịp 20/11 đã trở thành nét văn hóa của người Việt Nam.Thế nhưng, nhiều người đã lợi dụng sự tri ân này thành dịp quà cáp và đánh mất đi ý nghĩa thiêng liêng của ngày “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”.

Quà tặng + phong bì = Con được quan tâm!

Chuẩn bị quà để con tặng cô giáo chủ nhiệm dịp 20/11, chị Nguyễn Ngọc Trân (quận 10, TP HCM), đặt mua hai bộ áo dài lụa thương hiệu T.T từ cách đây gần cả tháng. Chi phí cho mỗi bộ lên tới hơn 1 triệu đồng. Chị Trân cho biết chị có hai đứa con, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ học lớp 7. Năm nay cả hai đều có chủ nhiệm là… cô giáo nên chị đặt mua hai bộ áo dài để tặng cô. “Đây không phải là hành động hối lộ, mà nó chỉ thể hiện tấm lòng của mình với cô giáo của con. Muốn con được sự quan tâm nhiều hơn từ nhà trường và cô giáo”, chị Trân nói.

Không giống như chị Trân, chị Hồng (quận Tân Bình) lại khá “thực tế”. Dịp 20/11 năm nay, chị Hồng quyết định tặng giáo viên chủ nhiệm của con phong bì... 1 triệu đồng. Lý do mà chị Hồng đưa ra là “để tiện cho cả phụ huynh lẫn cô giáo”. Thay vì phải tìm hiểu sở thích của thầy cô giáo, mất thời gian lựa chọn món quà ưng ý, việc tặng phong bì sẽ tiện cho cô giáo chủ động mua sắm. Ngày 20/11 mình sẽ chở bé Kitty (tên ở nhà của con chị Hồng - PV) đến nhà cô giáo, chúc mừng cô và tế nhị gửi cô phong bì”, chị Hồng cho biết.

Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề tặng quà giáo viên dịp 20/11, một cán bộ phòng GD-ĐT quận 1, TP HCM cho biết: “Từ lâu, việc tri ân giáo viên dịp 20/11 đã trở thành một nét văn hoá khá độc đáo của người Việt Nam, thể hiện truyền thống “tôn sư, trọng đạo” của dân tộc. Việc tặng quà xuất phát từ tấm lòng yêu con, mong muốn cho con nhận được sự quan tâm tốt nhất ở trường... và một số, thể hiện sự biết ơn với những người dạy dỗ, chăm nom con mình. Thế nhưng nếu tận dụng ngày này để tặng phong bì, tặng quà không hợp lý, sẽ biến nghĩa cử này thành phản cảm, mất đi ý nghĩa cao đẹp của ngày nhà giáo Việt Nam".

Mô tả ảnh.

Hạnh phúc của thầy, cô là được học trò luôn nhớ tới mình chứ không phải những món quà vật chất. Ảnh: L.Bình

Thầy, cô nặng lòng

“Thêm một chiếc phong bì thì tôi cũng không giàu lên. Phụ huynh và học sinh đến thăm đã là quý vì người ta đã hơn người khác ở chỗ cất công đến thăm mình. Còn cách tặng quà, nếu thấy không phù hợp tôi sẽ từ chối”, cô Ngọc Oanh, giáo viên Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến tâm sự. Đồng quan điểm với cô Oanh, cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT H.V.T, cho biết: “Trước kia, vào dịp 20/11, tôi thường nhận được những món quà như hoa, thiệp… do chính tay các em học sinh vẽ và lúng túng, rụt rè chúc, tặng thầy cô, thể hiện tình cảm yêu mến, kính trọng thầy cô của các em. Ngày nay, nhiều phụ huynh tận dụng ngày này để tặng những món quà rất có giá trị, điều này gây khó xử cho cả người tặng lẫn người nhận”.

Với cô Huỳnh Ngọc Tâm, giáo viên một trường tiểu học tại quận Tân Bình, dịp 20/11 năm trước là một “kỷ niệm khó quên” trong nghề giáo. Cô Tâm kể: “Một học sinh lớp 3 tặng tôi một bộ áo dài rất đẹp, tôi hỏi sao lại tặng cô thì em trả lời: Mẹ nói lớp mình ai cũng tặng quà đáng giá cho cô, nên mẹ cũng mua tặng để không thua với các phụ huynh khác”. “Dường như, trào lưu tặng quà đã trở thành một thói quen không tích cực, nhiều bậc phụ huynh tặng quà theo tâm lý đám đông, chứ không hẳn xuất phát từ tấm lòng”, cô Tâm trăn trở.

“Nghề giáo có niềm vui hơn nhiều nghề vì có một ngày cả nước cùng nhớ đến. Cảm động vô cùng khi học trò cũ mang hoa đến tặng hay những học sinh đã ra trường nhưng ngày 20/11 vẫn nhắn tin chúc mừng. Tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì nó hơn tất cả những món quà khác mà tôi nhận được. Tình thầy trò là thứ không tiền nào mua nổi”, cô Ngọc Oanh, giáo viên Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến

Theo Quốc Hải
Đất Việt

Đọc thêm