’Bà đỡ’ của những sản phụ bị HIV

QTV - Không biết từ bao giờ, nhân viên y tế ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã ngầm định những sản phụ nhiễm HIV là "người nhà" của bác sĩ Chút. Giữa đêm khuya, vẫn có các cuộc gọi của chị em đến bác sĩ để chia sẻ nỗi tuyệt vọng.

QTV - Không biết từ bao giờ, nhân viên y tế ở Bệnh viện phụ sản Hà Nội đã ngầm định những sản phụ nhiễm HIV là "người nhà" của bác sĩ Chút. Giữa đêm khuya, vẫn có các cuộc gọi của chị em đến bác sĩ để chia sẻ nỗi tuyệt vọng.

Trong một buổi đối thoại giữa cán bộ y tế và người nhiễm HIV vào cuối năm ngoái tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, không ít chị em đã phải rơi nước mắt khi kể lại nỗi khổ vượt cạn của mình. Những đau lòng vì thái độ khinh miệt, bị đối xử phân biệt, bị kỳ thị của một số nhân viên y tế đã khiến nhiều người tự nhủ, "nếu phải mang bầu một lần nữa họ sẽ không bao giờ quay lại bệnh viện".

Nhưng trong đó có một bác sĩ lại được nhiều người nhắc đến với tình cảm biết ơn sâu sắc, đó là bác sĩ chuyên khoa 1 Bùi Thị Chút, Phó phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Mỗi khi có người đến khám, trở dạ, chỉ cần nói "người nhà của bác sĩ (cô) Chút" là các hộ lý đã ngầm hiểu bệnh nhân HIV và không có thái độ kỳ thị.

Bác sĩ Chút luôn đối xử với bệnh nhân HIV như người nhà của mình. Ảnh: Nam Phương

Gần 8 năm tham gia dự án hỗ trợ người nhiễm HIV không phải là dài với bác sĩ Chút, nhưng đó thực sự là quãng thời gian đầy thử thách. "Coi bệnh nhân như người nhà thì tự khắc cách cư xử sẽ khác; còn nếu cứ ghê sợ, tránh xa họ sẽ không giúp được gì", bác sĩ Chút chia sẻ khi nói về những người phụ nữ không may mắc căn bệnh thế kỷ.

"Hồi đó bác sĩ đảm nhận công việc này về hưu nên chưa có ai làm thay. Mình thì cũng không hiểu biết gì nhiều về HIV/AIDS nên lúc đầu cũng không tự nhận. Nhưng càng tìm hiểu thì lại càng thấy mình nên làm. Có lẽ đó là do sự đồng cảm, tình thương với những con người có số phận không may đó", bác sĩ Chút kể lại.

Bất cứ bệnh nhân nào đến bệnh viện khám nếu phát hiện nhiễm HIV đều được chuyển sang phòng bác sĩ Chút để hỗ trợ, tư vấn. Lúc thì mẹ chồng, mẹ đẻ rồi sản phụ gọi điện hỏi "Có nên đưa anh em họ đi xét nghiệm hay không?" hay "Bé xét nghiệm không có bệnh thì chăm sóc như thế nào"... Nhiều khi nửa đêm vẫn có chị gọi điện thoại để hỏi "Cháu đau bụng quá, có nên vào viện không?". Có chị em khi biết mình bị nhiễm HIV quá tuyệt vọng bày tỏ 'Cô ơi, cháu chết mất. Cô ôm cháu tý'.

Một năm có khoảng 20-30 sản phụ dương tính với HIV đến Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Đối với bác sĩ Chút, có lẽ điều khó khăn nhất trong công việc này là thông báo cho bệnh nhân biết họ đang đối diện án tử hình trước mặt. Nhiều người thực sự suy sụp. Mỗi người một số phận. Nhiều phụ nữ "oan gia", chồng đi chơi hoang mang bệnh về cho vợ, như trường hợp một phụ nữ hơn 50 tuổi làm nghề bán nước. Đến khi xét nghiệm để mổ u xơ, bà mới biết mình bị HIV. Đó cũng là lúc bà vỡ lẽ ra sự thật rằng chồng biết bệnh nhưng không hề nói cho bà.

Lại có gia đình không biết con trai đã lây sang cho vợ mà đổ hết tội xuống con dâu, nên làm ầm ĩ lên ở phòng khám. Bác sĩ Chút kể, những trường hợp như thế này người thầy thuốc phải rất cẩn thận, phân tích cụ thể với các bằng chứng rõ ràng về nguồn lây bệnh "để gia đình thấy rằng người có lỗi ở đây chính là anh chồng".

Bác sĩ phụ sản này luôn quan niệm đã mắc bệnh thì không ai sung sướng gì, nhất là những người bị HIV. Nếu ngay cả những người làm ngành y mà cũng phân biệt đối xử thì người bệnh sẽ khổ tâm đến thế nào. "Cứ có lòng thương người thì mọi thứ sẽ nhẹ đi, mà coi bệnh nhân như người nhà của mình. Chữa hoặc làm cho một người thấy khỏe mạnh hơn là người thầy thuốc đã thấy nhẹ người", bác sĩ Chút cười nói.

Trên thực tế, sự kỳ thị của nhân viên y tế đối với thai phụ nhiễm HIV hiện vẫn tồn tại ở Việt Nam cũng như hầu hết các nước khác. Sự phân biệt và kỳ thị là một trong những thách thức lớn nhất trong việc ứng phó một cách hiệu quả với đại dịch HIV/AIDS, vì đây là những rào cản cho các dịch vụ tiếp cận sức khỏe cần thiết nhất.

Nhìn chung tại Việt Nam, sự kỳ thị đang có chiều hướng giảm nhờ kiến thức cũng như sự hiểu biết của nhân viên y tế về căn bệnh và đường lây truyền đã được cải thiện hơn. Tuy vậy, vẫn còn nhiều nhân viên y tế tỏ ra lo ngại, đặc biệt là khi phải tiến hành các ca mổ lấy thai cho sản phụ bị HIV.

Theo VnExpress

Đọc thêm