Bà lang Mường đỡ đẻ 1.000 lần với ống nghe bằng “chày gỗ”

(PLO) - Khó tin được rằng ở vùng núi hẻo lánh của xứ Thanh lại có một bà lang đỡ đẻ “mát tay” đến thế. Trên 1.000 ca nhưng chưa có trường hợp nào gặp “bất trắc”...
Bà Bùi Thị Hiên (78 tuổi) ở thôn Bất Mê, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)
Bà Bùi Thị Hiên (78 tuổi) ở thôn Bất Mê, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa)
Đồ nghề đi đỡ đẻ của bà cực kỳ thô sơ với một chiếc ống nghe bằng gỗ trông như cái chày và hai cái kéo để cắt rốn… Đó là bà Bùi Thị Hiên (78 tuổi) ở thôn Bất Mê, xã Thành Công, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa).
Cơ duyên với nghề đỡ đẻ
Bà đỡ khiến bác sĩ sản khoa cũng ngạc nhiên này cho biết: “Ở mấy cái bản lân cận này, hầu như đều do tôi đỡ đẻ cả. Có hôm trời mưa bão, sấm chớp, thậm chí hai đến ba giờ sáng tôi cũng phải xách đen pin đi đỡ đẻ vì có người gọi gấp”.
Duyên đến với nghề là từ khi bà Hiên được cử đi học một lớp “dân y” ở bệnh viện Thanh Hóa lúc chưa tròn 18 tuổi. Lớp học vội vàng này nhằm đào tạo y tá phục vụ sức khỏe cho dân quân thồ hàng hóa lên chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đó, bà Hiên cũng chỉ được tập huấn sơ qua về cách đỡ đẻ.
Theo tiếng gọi của kháng chiến chống Pháp, Mỹ, bà xung phong đi chiến trường làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa từ hậu phương ra tiền tuyến. Trong đơn vị bà vừa hoạt bát trong mọi công việc, vừa là y tá của Tiểu đoàn nên ai cũng quý.
Có một kỷ niệm mà đến giờ cô y tá năm ấy vẫn còn nhớ như in: “Hôm đó đơn vị chúng tôi phải nghỉ lại ở bản Lát, đây là địa bàn biên giới giáp Lào. Buổi tối tôi cùng ba đồng chí được sắp xếp ngủ ở nhà dân, trong nhà lại có một phụ nữ đau đẻ. Là y tá của tiểu đoàn, không còn cách nào khác nên tôi đành phải ra tay đỡ đẻ. Trong ánh đèn dầu, tôi vận dụng hết các kiến thức đã được học, sau một hồi loay hoay thì đứa trẻ cũng chào đời. Khi đỡ đẻ xong, tôi nhìn lên đỉnh núi thì thấy ánh trăng vào cuối tháng tư chỉ còn bằng cây sào, chắc là vào khoảng 3 giờ sáng. Mọi người thấy tôi đỡ đẻ thành công nên ai cũng vui mừng. Đến ngày hôm sau khi chia tay đơn vị, gia đình họ còn biếu mười lon gạo để tỏ lòng thành”.
Đỡ đẻ cũng lắm… công phu
Sau khi phục viên bà Hiên trở về quê hương, cô “dân y” năm xưa được giới thiệu kết nạp vào Đảng. Thời kỳ đầu cô được bầu làm Bí thư Chi bộ của bản và kiêm luôn việc đỡ đẻ và làm công tác tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình. Dân bản ở đây chủ yếu là người dân tộc, họ đẻ nhiều, thậm chí có nhà từ 9 đến 10 người con nên bà không thiếu việc để làm. Bà đỡ đẻ khéo và hơn cả là nhiệt tình nên dân trong bản ai cũng tin tưởng và chỉ muốn đích thân bà Hiên đỡ đẻ. Bà kể: “Có hôm phải đỡ đến hơn 10 ca, toàn thân mệt lử. Thời kỳ ấy người dân đẻ nhiều mà làm gì có trạm y tế như bây giờ, tất cả đều phải dùng thủ công cả”.
Đồ nghề đỡ đẻ của bà Hiên
 Đồ nghề đỡ đẻ của bà Hiên
Đồ nghề đi đỡ đẻ của bà Hiên chỉ có một chiếc ống nghe bằng gỗ cực kỳ thô sơ và hai cái kéo để cắt rốn. Với bà đó là những kỷ vật vô giá bởi bà cất giữ từ hồi còn học lớp y tá phục vụ dân quân kháng chiến. Trong bản mỗi khi có ai gọi đỡ đẻ là bà lại mang những vật đó đi cùng. Với 60 năm kinh nghiệm, bà chỉ cần đặt ống nghe vào bụng là có thể đoán biết được cái thai đó đẻ khó hay dễ.
Nếu lắng tai cảm nhận được chân quẫy đạp phía dưới bụng, chắc chắn thai nhi sẽ đưa chân ra trước. Theo bà Hiên, khó nhất là những ca đẻ ngang, chẳng may để thai nhi thò tay ra ngoài, những trường hợp như vậy phải xoay lại mới đẻ được.
Từ khi đỡ đẻ, bà Hiên chưa để một ca nào bị ngạt thở hoặc tử vong. Trong vùng người dân đẻ rất nhiều, tuy nhiên để tìm một người có kinh nghiệm làm bà đỡ thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cơ sở y tế của huyện thì xa bản, xa làng, hầu như không mấy ai xuống bệnh viện đợi đẻ như bây giờ. Dân bản cũng trở thành thói quen, tìm đến bà Hiên để gửi gắm niềm tin của mình. Chỉ cần có sự hiện diện của bà Hiên là thai phụ cùng những người thân trong gia đình bớt đi phần nào lo lắng vì ít khi có ca nào phải mang đi bệnh viện mổ đẻ.
Không những đỡ đẻ giỏi, bà Hiên còn cứu sống được nhiều trường hợp bị đẻ ngạt. Có một trường hợp “thập tử nhất sinh” ở bản Đồng Chủ, đến giờ bà vẫn không thể nào quên được: “Sáng sớm hôm ấy, tôi đang giặt đồ ở bờ suối thì đứa con hốt hoảng chạy ra bảo phải về ngay, nhà bác Sáng ở làng dưới có trẻ sơ sinh bị đẻ ngạt. Tôi vội chạy xuống thì ai cũng khóc ầm lên. Đứa bé ấy đã đưa ra cối xay lúa chuẩn bị mang đi chôn. Tôi kiểm tra thì toàn thân cháu tím tái, duy chỉ có vùng tim là vẫn còn ấm. Tôi vận dụng phương pháp hà hơi thổi ngạt, sau một hồi thì cháu dần hồi lại và khóc thét lên. Cũng may hôm ấy tôi đến nhanh nếu không thì tính mạng đứa trẻ sẽ không biết ra sao”, bà kể.
Phương pháp thổi ngạt của bà Hiên cũng lạ, bà lấy một mảnh vải mỏng đặt vào mồm đứa bé đồng thời lấy hơi thổi đều xuống phổi, vừa thổi vừa lấy tay vuốt xuôi xuống lồng ngực. Cứ thực hiện những động tác này bà đã cứu được nhiều trẻ sơ sinh bị ngạt thở. Có nhiều đứa trẻ đã lớn lên, sống được nhờ bà. Trường hợp anh Bùi Văn Công ở bản dưới lấy vợ và sinh được hai con nhỏ là một ví dụ. Anh luôn coi bà Hiên là người mẹ nuôi vì đã có công ơn cứu mình. 
Mặc dù từng cứu sống trẻ bị ngạt thở, đỡ đẻ rất nhiều thế hệ ở trong các bản làng, nhưng bà Hiên không coi đây là một nghề mưu sinh mà chỉ muốn giúp đỡ người dân. Bà Hiên tâm sự: “Với tôi đây không phải là một nghề kiếm sống, mình chỉ làm phúc giúp đỡ bà con. Ai thành tâm chỉ cần mua chai rượu, lạng chè đến thăm hỏi sức khỏe là tôi vui lắm rồi”.
Hiện xã Thành Công đã có một trạm y tế khang trang. Bà con dân tộc trong các bản làng không phải lo thiếu “bà đỡ”, tuy nhiên, dù tuổi đã cao nhưng bà Hiên vẫn còn được người dân tín nhiệm và bà sẵn sàng đi đỡ đẻ nếu gia đình nào cậy nhờ.
Trao đổi với Trưởng thôn Bất Mê, ông Quách Văn Hưng cho biết: “Bà Hiên là một người đỡ đẻ hơn cả chuyên nghiệp và có kinh nghiệm. Chính tôi cũng được bà Hiên đỡ đẻ, sau này mấy đứa con của tôi cũng do bà đỡ luôn. Được cái bà mát tay nên hầu như mấy bản xung quanh đều nhờ bà Hiên đỡ đẻ hết. Đặc biệt khi đỡ đẻ xong bà Hiên không màng ơn huệ hay danh lợi gì mà chỉ xuất phát từ cái tâm của mình”.