Nhắc đến vụ việc Phan Thị Ngọc Diệp, cô bé 14 tuổi đã phải làm mẹ ở thôn Hạnh Đông, xã Đại Thạnh (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) hẳn nhiều bạn đọc còn nhớ đến. “Tác giả” của đứa trẻ - nghi phạm Trương Lưu đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” vẫn còn ngoài vòng pháp luật, còn gia cảnh của em thì được ví “gió vào cửa trước lại ùa cửa sau”.
Tuy nhiên, không phải vì thế mà cuộc đời cô bé Phan Thị Ngọc Diệp khép lại bởi em luôn nhận được sự quan tâm của độc giả Pháp luật & Thời đại sau khi thông tin vụ việc lên trang báo.
Diệp đã tìm được việc làm ở Đà Nẵng, và những độc giả của báo vẫn thường xuyên quan tâm, ủng hộ, dõi theo từng bước trưởng thành của cô bé.
Bức thư của cô bé cảm ơn báo Pháp luật & Thời đại (ấn phẩm của báo Pháp luật Việt Nam) |
Hết cảnh đói ăn
Hơn nửa năm sau ngày nhóm phóng viên Pháp luật & Thời đại về lại thôn Hạnh Đông để tìm hiểu sự việc cũng như đưa thông tin vụ án lên trang báo, nay Diệp đã có thể yên tâm rời khỏi nhà xuống Đà Nẵng đi làm. Bà Phan Thị Hiệp, mẹ của cô bé mừng rỡ điện thoại “khoe” đều đặn với chúng tôi: “Mới có đoàn nhà sư ở Quảng Ngãi, Tam Kỳ (Quảng Nam) lên thăm, họ cho gia đình cô mấy tạ gạo và áo quần nữa đó con”; hay khi khác “Cô mới được bạn đọc ủng hộ thêm 2 triệu nè, độc giả báo gửi cho cô để nuôi mẹ con con Diệp, do nó còn nhỏ, chưa có chứng minh thư để nhận nên cô nhận thay đó con”.
Cách đây hơn hai tháng, bà Hiệp tiếp tục “thông báo”: “Cán bộ của báo Pháp luật & Thời đại sau khi điện cho cô lấy thông tin, địa chỉ và rứa là mấy tháng ni, đều đặn cô nhận được 500 ngàn đồng/tháng tiền cho con Diệp. Mừng lắm con nghe, nhà cô thì ai cũng biết rồi, “thiếu trước hụt sau”, may nhờ có khoản tiền giúp đỡ này mà cô có thể bồi bổ con Diệp, mua sữa cho đứa cháu, cả nhà cũng được ăn nồi cơm trắng mà không phải ghế (nấu kèm - PV) thêm thứ gì”.
Khoảng năm 2008 - 2009, cô bé Diệp khi ấy mới 13 - 14 tuổi, cũng vì nhà nghèo, ít học nên đã bị chính “lão” hàng xóm đồng thời là bà con trong họ cưỡng hiếp khi em đi chăn trâu ngoài đồng. Mỗi lần dụ dỗ, ép buộc và thực hiện hành vi giao cấu, “yêu râu xanh” Trương Lưu lại cho em khi thì 5 ngàn đồng, khi thì 10 ngàn đồng mua đồ ăn vặt để…ém thông tin. Hậu quả, cái thai 5 tháng mới được phát hiện và vì không thể “giải quyết” bởi đã quá lớn. Mới 14 tuổi, Diệp đã trở thành bà mẹ tuổi ô mai.
Bài báo phản ánh sự việc được đăng tải trên Pháp luật & Thời đại cuối năm 2011 đã nhận được nhiều phản hồi từ khắp mọi miền đất nước. Nhiều độc giả trong cả nước đã cảm động và điện thoại chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ. Thậm chí, có nhiều bạn đọc ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh còn xin nuôi nấng cả hai mẹ con và giúp cho Diệp được đi học trở lại
Ngọc Diệp đã 17 tuổi, dù có một đứa con song nhìn em, không biết chuyện thì không ai nghĩ đời em nhiều sóng gió đến vậy. Thiếu nữ tuổi mới lớn này vẫn hồn nhiên và có phần ngây thơ hơn các bạn cùng trang lứa bởi em ít tiếp xúc ngoài đời. Lần đầu tiên xuống Đà Nẵng xin việc, phải có sự “bảo lãnh” “trông coi giùm” của các anh chị phóng viên Pháp luật & Thời đại, bà Hiệp mới dám cho con đi.
Cuối tháng 5 vừa rồi, sau khi nhận được tháng lương đầu tiên từ việc phụ bán hàng ăn, khi Diệp về quê thăm con, đưa tiền cho mẹ, bà Hiệp còn khuyên con viết thư cảm ơn mấy anh chị làm báo đã giúp đỡ.
Lá thư cũng chưa kịp gửi đi vì Diệp hồn nhiên kể lại “là viết theo lời má biểu, hướng dẫn chứ má cũng như em, có biết làm răng để thư đến mọi người được đâu. Nghe nói phải gửi tuốt đi Hà Nội, xa lắc lơ”. Nhìn bức thư nghệch ngoạc, sai nhiều lỗi chính tả của cô gái chưa học hết lớp 3 trường làng, chúng tôi thêm cảm động và hiểu được những gì mà gia đình của Diệp muốn bày tỏ.
“Vẽ” lại cuộc đời
Giữa cái nắng oi nồng ngày hè, tại hàng ăn nơi cầu vượt Hòa Cầm (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), Diệp hớn hở ra mặt khi một lần nữa gặp lại những người quen cũ. Bà chủ quán nói về Diệp thì khen lấy khen để: “Con bé biết chịu thương chịu khó làm việc, tiền có bao nhiêu gửi hết lại cho cô chú, để chờ đến tháng mang về đưa mẹ nuôi con. 17 tuổi nhưng trông như cô bé mới 14 tuổi, tính tình thật thà nên chúng tôi rất quý, đặc biệt là khi biết qua hoàn cảnh của nó”.
Vì không có bằng cấp, không được đào tạo và cũng lại là lần đầu tiên xa quê còn “khù khờ” nên gia đình để Diệp làm công việc phụ hàng ăn. Sinh hoạt tại nơi làm việc, mỗi tháng Diệp nhận mức lương 1,5 triệu đồng. Với số tiền trên, so với ở quê đã là cả một gia tài nên tạm thời cô bé cảm thấy hạnh phúc về thành quả ban đầu của mình.
Diệp cho biết, cũng may là nhờ bài báo phản ánh trên Pháp luật & Thời đại, hàng trăm độc giả đã cảm thông giúp đỡ gia đình em tiền, gạo, nhờ đó em cũng yên tâm phần nào rời gia đình để đi làm ăn. Hơn nữa, Diệp còn có cô em út đang học lớp 5 nên mới có người trông giúp đứa cháu cho ba mẹ đi làm đồng. Riêng Diệp, em thầm hứa sẽ cố gắng tích cóp tiền, phụ mẹ để lo cho con gái được ăn học đến nơi đến chốn.
“Đời em vì thất học mới để ra nông nỗi ni, nên em cũng biết vậy mà lo lắng cho con gái hơn. 17 tuổi, em chưa có chi ngoài cái chứng minh thư mới được anh chị trong báo Pháp luật & Thời đại hướng dẫn cho đi làm để còn có thể trực tiếp nhận tiền giúp đỡ từ độc giả gửi cho em nuôi con. Em đi làm như ri, ngoài mục đích kiếm tiền còn để lấy kinh nghiệm cuộc sống nữa. Sau ni nếu dư dả chút đỉnh, em sẽ về xin mẹ cho đi học nghề may hay nghề làm tóc chi đó, miễn phải có được một nghề nghiệp ổn định để sống về sau…”, Diệp mơ đến một tương lai.
Hỏi thêm về chuyện người đã gây ra nỗi đau cho em, Diệp cười bao dung: “Ổng trốn đâu mất tiêu, công an cũng không tìm được. Còn em thì cũng không quan tâm, chừ đi làm rồi, em thấy cuộc sống cũng vui hơn, có ý nghĩa hơn vì làm để nuôi con. Giả sử ông có bị bắt hay thoát tội luôn thì em cũng vẫn rứa thôi”.
Nửa năm gặp lại, dù nhìn lại nơi Diệp sinh con vẫn là căn nhà trống với mái lợp tôn, nhưng cũng đã có thêm một số vật dụng được mua từ tiền hảo tâm của độc giả, bữa ăn đã đầy đủ hơn chứ không “bữa đói bữa no” như ngày nào, chúng tôi cũng đã thấy vui hơn phần nào khi đã làm một việc có ích, là cầu nối giữa những phận người thiệt thòi như cô bé Diệp và những bạn đọc hảo tâm gần xa.
Thời gian qua đi, mọi vết thương có thể liền da và người ta càng thêm hi vọng vết sẹo cuộc sống mà mẹ con cháu Diệp gánh sẽ thực sự liền hẳn. Nhờ sự ủng hộ đóng góp, tình yêu thương của những độc giả Pháp luật & Thời đại, cô bé Diệp đã biết tìm lại niềm vui sống, đã và đang “vẽ” lại tương lai cuộc đời mình.
Quảng Đà