Ba ngày “thiêu cháy” ba năm

Chỉ còn 3 ngày nữa thì bản án dân sự phúc thẩm của TANDTC xử ngày 16/10/2007 được thi hành. Thế nhưng, VKSNDTC lại có bản kháng nghị do Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thủy Khiêm ký thay Viện trưởng ngày 13/10/2010, yêu cầu tạm đình chỉ thi hành bản án và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC giao cho TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm lại.

Chỉ còn 3 ngày nữa thì bản án dân sự phúc thẩm của TANDTC xử ngày 16/10/2007 được thi hành. Thế nhưng, VKSNDTC lại có bản kháng nghị do Phó Viện trưởng Nguyễn Thị Thủy Khiêm ký thay Viện trưởng ngày 13/10/2010, yêu cầu tạm đình chỉ thi hành bản án và đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC giao cho TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm lại.

Tranh minh họa

Năm 1997, vụ án được TAND TP.Hà Nội xử sơ thẩm và do phải chờ các nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh những giao dịch về nhà ở trước ngày 7/7/1991, nên hơn 10 năm sau nó mới được TANDTC xử phúc thẩm. Bản án đã có hiệu lực pháp luật, nhưng phải chờ 3 năm không có kháng nghị, mới được thi hành. Thế nhưng, chỉ có 3 ngày, bản án đã bị “thiêu cháy” 3 năm chờ đợi. Và nếu phải xét xử sơ thẩm lại, thì vụ án sẽ còn kéo dài mấy mươi năm?.

Tài sản mà nguyên đơn đòi chia thừa kế trong vụ án này là những diện tích nhà được để lại cho cụ Huấn, sau cải tạo nhà cửa năm 1961, gồm 27,5m2 tầng I phía ngoài và 20m2 phía trong tại số nhà 17 Phùng Khắc Khoan, Hà Nội. Từ những ngày đó, cụ Huấn ở với người con trai là ông Cát, lúc ấy chưa lập gia đình.

Còn ba người con khác của cụ thì hai người thuê lại các diện tích nhà do nhà nước quản lý ở 17 và 19 Phùng Khắc Khoan, một người làm ăn sinh sống ở Hải Dương.

Năm 1987, nghĩa là trước khi qua đời 7 năm, trí tuệ còn minh mẫn, cụ Huấn viết chúc thư giao lại toàn bộ các diện tích nhà trên cho vợ chồng ông Cát bà Sâm vì đã có công chăm sóc, phụng dưỡng cụ. Trong khi công nhận chức thư của cụ Huấn là hợp pháp, TAND TP.Hà Nội lại cho rằng những diện tích nhà này được Nhà nước để lại cho các đồng sở hữu hoặc các đồng thừa kế, chứ không phải để riêng cho cụ Huấn. Vì thế bản án sơ thẩm đã chia thừa kế theo giá trị.

Hơn 10 năm sau, khi Quốc hội có các nghị quyết điều chỉnh các giao dịch về nhà ở trước ngày 1/7/1991, TANDTC mới đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án này. Áp dụng các quy định trong Nghị quyết 23 năm 2003 của Quốc hội và Nghị quyết 755 của năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cùng các văn bản hướng dẫn của Chính phủ thi hành hai Nghị quyết này, TANDTC xác định cụ Huấn có quyền sở hữu diện tích nhà 276,5m2.

Các văn bản pháp luật của Quốc hội và Chính phủ nêu rõ: Đối với diện tích nhà được để lại sau cải tạo, không phân biệt người được để lại là ai, diện tích được để lại là nhiều hay ít thì người đang trực tiếp sử dụng các diện tích đó, được Nhà nước công nhận quyền sở hữu.

Còn 20m2 phía trong thì dù không có chúc thư của cụ Huấn, ông Cát và bà Sâm vẫn tiếp tục được sử dụng và sở hữu. Vì đó là diện tích nhà thuộc Nhà nước quản lý, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện quản lý. Các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, nêu rõ: Trong trường hợp người đang trực tiếp sử dụng nhà đất không có giấy tờ theo quy định, nhưng chứng minh được mình là người thừa kế bất động sản đó thì vẫn được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất.

Bởi các lẽ trên, bản án dân sự phúc thẩm của TANDTC đã công nhận chúc thư của cụ Huấn lập năm 1987 là hợp pháp. Ông Lê Văn Cát và vợ là bà Quách Thị Sâm được sở hữu và sử dụng các diện tích nhà đất mà cụ Huấn giao lại.

Bản kháng nghị vội vã từ VKSNDTC đưa ra trước 3 ngày hết thời hạn cũng chỉ nêu lại hai vấn đề: Chúc thư của cụ Huấn không hợp pháp và diện tích nhà để lại để sau cải tạo là của các đồng sở hữu, hoặc các đồng thừa kế. Nhưng cả hai nội dung trên, hội đồng xét xử phúc thẩm của TANDTC đã phân tích kỹ và áp dụng các quy định mới nhất của các văn bản pháp luật mang tính đặc thù đối với các giao dịch về nhà ở trước ngày 1/7/1991.

Điều đáng nói hơn là hai vị đại diện của hai cấp kiểm sát Hà Nội và Tối cao tại hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều phát biểu ý kiến trước khi tòa nghị án, với quan điểm: Chúc thư là hợp pháp, diện tích nhà được để lại là của cụ Huấn. Bởi vậy, với kháng nghị này phải chăng ngành kiểm sát muốn phủ nhận quan điểm của chính mình?

Đối chiếu với các căn cứ để kháng nghị mà luật tố tụng dân sự quy định thì bản án dân sự phúc thẩm của TANDTC không có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật cũng như trong thủ tục tố tụng. Và quyết định của bản án hoàn toàn phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án.

Kháng nghị từ VKSNDTC ngày 13/10/2010 nhiều dấu hiệu cho thấy thiếu căn cứ, khiến cho 3 ngày hết thời hạn kháng nghị “thiêu cháy” mất 3 năm chờ đợi thi hành án, đẩy người dân tiếp tục đi khiếu nại.

Bùi Công Lý

Đọc thêm