Một thời gian dài, người dân sống cạnh nghĩa trang và gánh nhiều ô nhiễm. Điều đáng nói, chính quyền địa phương không những không quan tâm mà còn nại nhiều lý do, khiến các hộ dân không biết kêu ai.
Ô nhiễm nghiêm trọng
Các ông, bà Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Dần, Nguyễn Văn Đán trú tại thôn Giạ, xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang phản ánh: Khi nghĩa trang Tân An (còn gọi là nghĩa trang TP. Bắc Giang) được mở rộng, vấn đề ô nhiễm môi trường (nước và không khí…) trở nên vô cùng trầm trọng. Những hộ dân sống gần nghĩa trang phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong số đó có 8 hộ gia đình nằm trong diện bị ô nhiễm nguồn nước trầm trọng nhất (nhà cách nghĩa trang khoảng 100m) và đã có 2 người chết ở tuổi 45 vì bệnh nhiễm khuẩn não.
|
Giếng nước thôn Giạ từ lâu đã không sử dụng được do ô nhiễm nặng |
Sau khi các hộ dân có đơn kiến nghị, năm 2005, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Giang đã đề nghị cấp có thẩm quyền chuyển một số hộ dân đang sinh sống gần nghĩa trang ra chỗ khác. Sau đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã có kết luận: giao UBND huyện Lạng Giang chỉ đạo xã Thái Đào tiến hành quy hoạch khu dân cư cách xa nghĩa trang, tạo quỹ đất để những hộ có nhu cầu, đặc biệt là các hộ hiện đang sinh sống gần nghĩa trang Tân An chuyển đến. Hàng chục cuộc họp ở nhiều cấp khác nhau từ thôn tới tỉnh bàn về vấn đề cấp đất cho 8 hộ dân thôn Giạ đang sống lay lắt bên cạnh bãi tha ma đã được mở ra suốt từ năm 2007 đến nay.
Cạnh “lý” còn có chữ “tình”
Tại buổi làm việc ngày 29/4/2010, UBND xã Thái Đào chỉ mời 5 trong số 8 hộ dân sống gần nghĩa trang đến để nghe thông báo về việc bàn giao đất di chuyển đến nơi ở mới; 3 hộ dân còn lại không được chuyển đi với lý do: Các cấp chính quyền đã căn cứ vào Thông tư số 32 ngày 10/9/2009 của Bộ Xây dựng để giải quyết vụ việc và kết luận rằng: chỉ có 5 trong số 8 hộ dân là có nhà cách nghĩa trang Tân An dưới 100m; nhà của 3 hộ dân còn lại nằm ngoài bán kính 100m nên không được cấp đất di dời. Cụ thể, nhà bà Nguyễn Thị Yến cách nghĩa trang Tân An 103m, nhà bà Nguyễn Thị Dần cách nghĩa trang 106m và nhà ông Nguyễn Văn Đán cách nghĩa trang 111m.
Theo phản ánh của 3 hộ gia đình nêu trên, việc các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang không cấp đất để các hộ di dời là việc làm thiếu cả tình lẫn lý, không nghiên cứu kỹ thực tế khách quan. Bởi lẽ, cả 8 hộ gia đình đều nằm dưới chân đồi theo hình vòng cung nên tiếp giáp trực tiếp với nghĩa trang theo hướng: mở cổng, cửa đều phải quay về hướng nghĩa trang.
Do vậy, khoảng cách trên-dưới 100m thì đều ảnh hưởng tương tự như nhau về hướng gió, độ ô nhiễm nguồn nước và không khí. Hàng ngày, mở mắt ra đã chứng kiến 3-4 đám tang; tiếng kèn, trống dội vào khiến trẻ con không thể tĩnh tâm học bài. Rồi mùi hôi thối của những mộ cải táng lúc nào cũng có …
“Đời chúng tôi thì cũng cố mà chịu, nhưng còn đời các con chúng tôi thì phải tính sao đây, trong khi nguồn nước đã bị ô nhiễm, đến cả giấc ngủ cũng không ngon giấc vì tiếng kèn, trống, tiếng khóc hời lúc nào cũng văng vẳng bên tai”- các hộ gia đình lo lắng. Chính bởi lý do này, việc chỉ cho phép 5 trong số 8 hộ gia đình sống gần nghĩa trang được di chuyển là việc làm không hợp lý, trong khi khoảng cách giữa các hộ gia đình này chỉ cách nhau vài ba mét.
Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xem xét lại kiến nghị của 3 hộ dân nêu trên, có hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, tránh để người dân phải sống trong điều kiện ô nhiễm môi trường./.
Vân Anh