Bắc Giang: Tăng trưởng đi liền với nâng cao chất lượng tín dụng chính sách

(PLVN) - Trước bối cảnh diễn biến phức tạp của thời tiết khí hậu, nhất là đại dịch Covid-19 lan rộng, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu và cả nước ta, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Giang vẫn chủ động nỗ lực tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách giúp dân giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống.
Nhờ tín dụng chính sách, khoảng 25 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Bắc Giang có điều kiện thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ảnh: Trần Việt.
Nhờ tín dụng chính sách, khoảng 25 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở Bắc Giang có điều kiện thoát nghèo vươn lên làm giàu. Ảnh: Trần Việt.

Cụ thể trong 8 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay vốn chính sách ở Bắc Giang đạt 1.112 tỷ đồng với 25.309 khách hàng và mức vay bình quân xấp xỉ đạt 44 triệu đồng/hộ, nâng tổng dư nợ của NHCSXH tính đến ngày 31/8/2020 lên gần 4.600 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so với 31/12/2019, hoàn thành 94% kế hoạch năm, trong đó có 4/9 huyện (Lục Ngạn, Lục Nam, Hiệp Hòa, Sơn Động) tăng trưởng dư nợ cao từ trên 500 đến 600 tỷ đồng, còn lại 5 huyện đều có mức dư nợ trên 400 tỷ đồng.

Cùng với đó, doanh số thu nợ 8 tháng qua được 852 tỷ đồng, tạo điều kiện cho NHCSXH chủ động giải ngân cho vay quay vòng nhanh, không để tồn đọng vốn và giảm tỷ lệ nợ quá hạn, chỉ còn 0,06% so với tổng dư nợ.

Trong tổng nguồn vốn gần 4.600 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương đã đạt 140 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng. Đây là kết quả nhờ quá trình thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban bí thư TW Đảng về tăng cường chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách, cùng nguồn vốn huy động của các tổ chức, cá nhân, tập thể cán bộ, nhân viên tín dụng chính sách Bắc Giang đã vượt qua khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, chuyển tải an toàn, kịp thời vốn chính sách đến hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn trên khắp vùng đất trung du miền núi rộng 3.843 km2 với 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 203 đơn vị cấp xã.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, khoảng 25 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn toàn tỉnh phát triển sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, bộ mặt nông thôn được cải thiện…, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, giúp nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo để tiếp tục vươn lên làm giàu chính đáng.

Trong đó, hơn 11 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn, hơn 4 ngàn hộ vay vốn chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay xây dựng mới và cải tạo trên 17 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 225 căn nhà cho hộ nghèo, cho vay nhà ở xã hội 141 hộ xây nhà…. 

Đặc biệt, vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020, đạt đồng đều và vượt các chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,23%, riêng các xã đặc biệt khó khăn và huyện 30a giảm đến 4-5% năm, vượt cao hơn kết quả cả nước.

Điều dễ nhận thấy nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ 2.910 hộ nghèo và các cộng đồng dân cư ở huyện vùng cao Sơn Động phát triển làm kinh tế đồi rừng, cải thiện cuộc sống. Tiêu biểu gia đình bà Hồ Thị Linh ở thôn Mỏ, thị trấn An Châu. Nhờ 50 triệu vốn vay từ chương trình tín dụng sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, đến nay bà Linh đã phủ xanh cả quả đồi trọc bằng cây keo lá chàm, mang lại nguồn thu nhập kha khá. Bà Linh cho biết, 5 năm trước, gia đình bà được vay vốn mua cây giống, phân bón trồng 2ha rừng. Do tuân thủ đúng kỹ thuật hướng dẫn của cán bộ huyện, đến nay, rừng cây cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó gia đình bà còn được hỗ trợ kinh phí để xây dựng, cải tạo nhà ở theo Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn nên đã giúp gia đình bà thoát hết nghèo.

Cũng như gia đình bà Linh, gia đình ông Chu Xuân Tuyên, sinh năm 1958, dân tộc Tày và nhiều hộ dân ở thôn Đồng Chu, xã Yên Định trước năm 2018 gia đình eo hẹp, quy mô chăn nuôi ong nhỏ lẻ, không có điều kiện nâng số lượng đàn. Thế nhưng, năm 2018, ông Tuyên được vay vốn chính sách và vốn chương trình 30a, ông mở rộng sản xuất lên hơn 200 đàn ong. Ngay khi năm đầu tiên phát triển đàn ong, ông thu được 200 lít mật. Năm 2019 đàn ong đã mang lại cho gia đình ông hơn 300 lít mật.

Với giá bán 150 nghìn đồng/lít, nuôi ong vốn ít, lãi nhiều, tận dụng thế mạnh của miền núi, vùng cao có diện tích rừng lớn nên nghề này rất phù hợp với những hộ nghèo. Bên cạnh đó, sản phẩm mật ong của ông Tuyên được thương lái đến tận nhà thu mua nên thu nhập từ mật ong tăng lên đáng kể.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016 - 2020. 

Đi đầu trong công tác giảm nghèo của tỉnh Bắc Giang là huyện Lục Ngạn, nơi có gần 50% dân số là đồng bào DTTS. Huyện xác định muốn giảm nghèo cho đồng bào dân tộc phải tập trung vào giải quyết những vấn đề vốn liếng, kỹ thuật, việc làm… Từ đó, huyện chỉ đạo các xã, ban ngành, đoàn thể khảo sát nhu cầu sản xuất, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính sách của hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn, từ đó mạnh dạn đứng ra tín chấp để các hộ được vay vốn thuận lợi, kịp thời vụ sản xuất.

Với quyết tâm cao và phương pháp phù hợp của huyện, đến nay 100% đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đã được tiếp cận hơn 600 tỷ đồng vốn tại NHCSXH huyện Lục Ngạn. Điển hình như xã Kim Sơn có 100% số dân là đồng bào DTTS, nhờ hơn 30 tỷ đồng vốn chính sách sau 5 năm đã giảm số hộ nghèo từ 78,7% (năm 2014), xuống còn 37,8% (cuối năm 2019), nhiều hộ có thu nhâp khoảng 100 triệu đồng/năm. 

Điển hình như xã Kim Sơn có 100% số dân là đồng bào DTTS nhờ hơn 30 tỷ đồng vốn chính sách sau 5 năm đã giảm số hộ nghèo từ 78,7% (năm 2014), xuống còn 37,8% (cuối năm 2019), nhiều hộ có thu nhâp khoảng 100 triệu đồng/năm. Đó là gia đình ông bà Quốc Việt thôn Đồng Răng đã sử dụng 85 triệu vay từ hai chương trình tín dụng hộ nghèo, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã trồng rừng nguyên liệu, nuôi bò thương phẩm, thu nhập ổn định đạt 300 triệu đồng/năm, đạt danh hiệu thi đua nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.

Ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSHX Bắc Giang - cho biết, thời gian qua, NHCSXH tỉnh đã chú trọng nâng cao toàn diện chất lượng tín dụng, phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác xử lý thu hồi nợ quá hạn, nợ đi khỏi nơi cư trú, lãi tồn đọng. Đồng thời, thực hiện tốt hoạt động ủy thác cho vay: tăng cường kiểm tra, giám sát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ tiết kiệm và vay vốn. Bên cạnh đó, thực hiện tốt bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng, thiết lập hồ sơ đúng quy định, kiểm tra sử dụng vốn cho vay kịp thời.

Ngoài ra, đơn vị tăng cường truyền thông, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, hoạt động giao dịch xã, các giải pháp điều chỉnh kỳ hạn nợ, cho vay bổ sung, xử lý nợ rủi ro và các giải pháp khác nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra.

Ngân hàng cũng phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Từ nay đến hết năm 2020, NHCSXH Bắc Giang tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, phấn đấu mức tăng trưởng đạt từ 8-10%, tính ra tiền là 345 tỷ đồng.

Đọc thêm