Bài giải nhân lực y tế cơ sở - Bài 2: Bác sĩ đi ... “nghĩa vụ”

Tình trạng bác sĩ không gắn bó phục vụ ở tuyến y tế xã, phường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu không có điều kiện tiếp cận với các kỹ thuật y tế hiện đại, cơ sở vật chất hạn chế, không có chế độ đãi ngộ hợp lý… Trước thực tế khó khăn đó, ngày

Tình trạng bác sĩ không gắn bó phục vụ ở tuyến y tế xã, phường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, chủ yếu không có điều kiện tiếp cận với các kỹ thuật y tế hiện đại, cơ sở vật chất hạn chế, không có chế độ đãi ngộ hợp lý… 

        >> Bài 1: Nhân lực đã thiếu, còn bị “chảy máu”

Những bác sĩ Bệnh viện Mắt Đà Nẵng sẽ được biệt phái về tuyến y tế cơ sở. 

Trước thực tế khó khăn đó, ngày 14-1-2010, UBND thành phố Đà Nẵng đã có Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về biệt phái viên chức ngành y tế thành phố đến làm việc tại các đơn vị y tế cơ sở.

Để khuyến khích bác sĩ về tuyến dưới, thành phố nêu rõ những chính sách ưu đãi dành cho cán bộ tham gia. Trong đó, bác sĩ hợp đồng sẽ được tuyển vào biên chế, bác sĩ thuộc đối tượng thu hút nhân tài sau 2 năm công tác tại y tế xã, phường được đánh giá tốt sẽ tuyển vào biên chế. Sau khi công tác 5 năm, người được điều động sẽ được đưa lên tuyến trên. Trợ cấp hằng tháng 100% lương theo ngạch, bậc và phụ cấp hiện hưởng; hỗ trợ xăng xe, các khoản trợ cấp khác. Riêng các bác sĩ trong biên chế, khi xuống trạm miền núi Hòa Vang được hỗ trợ một lần 15 triệu đồng, trạm còn lại ở Hòa Vang 10 triệu đồng, các trạm khác 7 triệu đồng. Nhưng, thông tin từ Sở Y tế cho hay, sau nhiều tháng  triển khai chính sách trên, chỉ duy nhất một bác sĩ đăng ký về với Trạm Y tế xã, phường.

Để thực hiện Quy định của UBND thành phố về tăng cường cán bộ y tế cho cơ sở, mới đây, căn cứ tình hình thực tế các bệnh viện tuyến thành phố, Sở Y tế đã lập danh sách 125 cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên sẽ “đi nghĩa vụ” ở cơ sở. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố tâm sự: “Cứ xem như là ngành Y tế đang làm một đợt “tuyển quân”, mà đợt tuyển qưân này để khẳng định cái tâm và cái tầm của người thầy thuốc, đó là nơi nào có người bệnh đang cần là bác sĩ có mặt”. Cho đến nay, danh sách 125 cán bộ đã được thông báo công khai về các bệnh viện có người điều chuyển. Do vậy, những cán bộ này sẽ có thời hạn biệt phái là 2 năm, sau thời hạn hai năm, các cán bộ trở lại làm việc tại đơn vị trước khi được cử đi biệt phái.

Ngành Y tế cũng đã xin ý kiến UBND thành phố tiếp nhận và mời gọi những bác sĩ về hưu để có thể tham gia khám chữa bệnh tại các Trạm Y tế. Trước mắt, những bác sĩ nghỉ hưu sẽ ưu tiên làm việc ở những Trạm y tế gần nhà. Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, đây là lực lượng có kinh nghiệm, làm việc nhiệt tình. “Có vậy mới góp phần giảm tải được nhu cầu hiện tại của tuyến xã, phường theo luật mới. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Cần có những chính sách lâu dài và hiệu quả hơn thì mới có thể giải quyết được vướng mắc này”. Cho đến nay, Trung tâm Y tế Hải Châu là đơn vị triển khai khá hiệu quả mô hình CLB bác sĩ về hưu làm việc tại các trạm y tế tuyến phường của trung tâm.

 Để thực hiện có hiệu quả Quy định biệt phái, ngành y tế hiện đang tiếp tục thông tin đãi ngộ, tuyển dụng bác sĩ cho tuyến này trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời cho phép các địa phương tự tìm người phù hợp để tuyển. Riêng việc thành lập các CLB bác sĩ nghỉ hưu phục vụ, sẽ dùng ngân sách của thành phố để bổ sung kinh phí hoạt động cho mô hình này.

Còn phải chờ thời gian ít nhất là nửa năm đến 1 năm để xem xét tính thiết thực và hiệu quả của câu chuyện bác sĩ “đi nghĩa vụ” tại Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo lời bác sĩ Phạm Hùng Chiến thì sắp tới, y tế cơ sở của thành phố sẽ có một diện mạo mới. “Chúng tôi sẽ quyết liệt trong khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bởi cơ chế của thành phố đã ban hành.  Vấn đề còn lại là tạo sự yên tâm công tác cho các anh chị em bác sĩ khi đầu quân ở y tế cơ sở”.

Bài và ảnh: Việt Dũng

Đọc thêm