Bài học đắt giá cho mỗi gia đình qua câu chuyện thần đồng bị đuổi việc

(PLVN) - Sự yêu thương và bao bọc quá mức của cha mẹ nhiều khi lại trở thành con dao hai lưỡi, hủy hoại đi tương lai của đứa trẻ.
(Ảnh minh họa).

Thần đồng, nóng không biết… cởi bớt áo 

Năm 1996, cậu bé tên là Ngụy Vĩnh Khang (người Trung Quốc) mới 13 tuổi (tương đương lớp 7) nhưng đã trúng tuyển vào Khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm với số điểm 602. Điều này đã làm chấn động dư luận Trung Quốc và được biết đến với biệt danh "Thần đồng phương Đông". So với bạn bè cùng trang lứa, Vĩnh Khang có thể được ví như một thiên tài.

Cậu bé chia sẻ: "Tôi bắt đầu tập đọc khi mới 1 tuổi, thành thạo hơn một nghìn ký tự Trung Quốc ở tuổi lên 2, sau đó tôi hoàn thành những nội dung cốt lõi của trung học cơ sở khi 4 tuổi. Năm 8 tuổi, tôi vào trường trung học cơ sở trọng điểm của quận…"

Sau bốn năm đại học, Ngụy Vĩnh Khang tốt nghiệp với điểm tổng kết đứng thứ hai và được nhận vào Viện Vật lý năng lượng cao của Học viện Khoa học Trung Quốc, nơi cậu theo học cả thạc sĩ và tiến sĩ. Nhưng không ai có thể ngờ một thần đồng nhí từng tỏa sáng như vậy lại dần bị "lao dốc không phanh" ở độ tuổi đẹp nhất.

Năm 20 tuổi, Vĩnh Khang bị trả về nhà với lý do "khả năng tự chăm sóc bản thân quá kém và kiến thức cậu có không phù hợp với mô hình nghiên cứu của Viện Khoa học Trung Quốc". Cậu vô cùng sốc đến nỗi không thốt nên lời.

Về phần người mẹ, bà luôn tin rằng "con mình cái gì cũng kém, chỉ có học hành là giỏi thôi" nên bà tạo mọi điều kiện để con chỉ có ăn và học. Bà coi việc học của con là động lực duy nhất để bà cố gắng kiếm tiền. Để con trai tập trung vào việc học, bà đã lo hết việc nhà, bao gồm giặt giũ, nấu ăn, tắm rửa, nặn kem đánh răng, thậm chí xúc đồ ăn giúp con ngay cả khi cậu học cấp 3.

Từ nhỏ, Ngụy Vĩnh Khang không biết đồ chơi là gì và không hề có bạn bè. Vì sợ ảnh hưởng đến việc học nên mẹ cậu không cho cậu đi chơi, các bạn trong lớp muốn chơi cùng nhưng mẹ không chấp nhận. Cậu giống như con chim bị giam cầm trong lồng mãi chẳng thể thoát ra được.

Sau khi vào Học viện Khoa học Trung Quốc, cậu đột ngột rời xa sự chăm sóc của mẹ và cuộc sống của cậu bắt đầu "mất kiểm soát". Vĩnh Khang chia sẻ rằng: "Tôi thường xuyên đến lớp muộn, luôn ăn chậm, tôi không biết cách cởi quần áo khi trời nóng, không biết cách thêm quần áo khi trời lạnh, phòng bừa bộn và quần áo luộm thuộm…"

Vĩnh Khang tuột dốc không phanh, không nhớ cách làm bài thi, không nhớ viết luận án, thậm chí không giao tiếp với bạn bè hay gia sư của mình. Vì học hành không đạt yêu cầu, cậu thậm chí không lấy được bằng thạc sĩ và mất cơ hội học lên tiến sĩ.

Nghe tin cậu con trai tài hoa của mình bị đuổi, mẹ cậu suy sụp và mắng: "Có mỗi vậy thôi mà con cũng không làm được nữa, mẹ ước gì chưa từng sinh ra con". Mẹ cậu còn muốn cậu ra đi mãi mãi vì đã làm bà xấu hổ. Vĩnh Khang đã rơi vào tình trạng mất tự tin trầm trọng, đánh mất chính mình và bỏ nhà đi. Sau hơn một tháng không có một xu dính túi, cậu ấy đã bị cảnh sát tìm thấy và đưa về nhà.

Sau một thời gian suy ngẫm, người mẹ bắt đầu ngộ ra rằng bản thân mình đã quá hà khắc trong cách dạy con, đặc biệt là bắt con mình lớn trước tuổi. Bà hối hận và thay đổi cách dạy con. Bà bắt đầu chỉ dạy cậu ấy cách giặt giũ và nấu ăn, làm việc nhà và chăm sóc người cha bị liệt của mình, bà mời những đứa trẻ cùng tuổi đến nhà chơi và dạy con cách đối xử với khách, giao tiếp với người khác. Dưới sự hướng dẫn của mẹ, Vĩnh Khang từ từ bước ra khỏi thế giới khép kín nhỏ bé và dần hòa nhập với cuộc sống xã hội.

17 năm sau, cậu bé năm nào nay trở thành một lập trình viên, lập gia đình và có con như những người khác, nếu không nhắc đến thì không ai biết cậu từng là một thần đồng. 

Có câu: Cha mẹ có thể trao cho con cái mọi thứ, ngoại trừ trải nghiệm cuộc sống, hạnh phúc, tức giận, buồn phiền, thành công và thất vọng. Không buông tay đúng lúc, con đường tương lai của con bạn sẽ không mấy sáng sủa, thậm chí còn đen tối hơn nữa. Có rất nhiều bà mẹ và cậu bé Vĩnh Khang trong cuộc sống này, chẳng qua bạn không biết mà thôi.

Cha mẹ hãy để con tự bước đi

5 năm trước, có một thông tin gây chấn động trên Internet như sau: Một nữ bác sĩ du học ở Mỹ bị sa thải vì thiếu kỹ năng sống và kĩ năng xã hội, sau đó, cô không thể tiếp tục xin gia hạn visa, cuối cùng cô phải quay về nước. Khi bị trục xuất về nước, cô ấy chỉ mang theo một hộp thuốc chữa bệnh tâm thần phân liệt. Cô gái này là một học sinh rất giỏi, được khen thưởng suốt từ khi học cấp 2, sau khi tốt nghiệp đại học, cô ấy học lên tiến sĩ. 

Đáp lại với những lời hỏi thăm, cô gái liên tục nói một câu: "Tôi không thể làm gì khác ngoài việc học". Cha mẹ cô cũng thừa nhận rằng họ chưa bao giờ yêu cầu con gái làm bất kỳ việc nhà nào.

Thực tế thật phũ phàng, một người trưởng thành không thể tự chăm sóc bản thân hoặc giao tiếp với người khác sẽ không được xã hội chấp nhận cho dù người đó là thiên tài.

Năm ngoái, một người đàn ông 56 tuổi ở Nhật Bản đã chết đói tại nhà 10 năm sau khi cha mẹ qua đời, điều này đã gây sửng sốt. Khi còn trẻ, người đàn ông này học hành không suôn sẻ, thi trượt, khó tìm được việc làm, sau này anh ta chỉ đơn giản là ở nhà và không làm gì cả. Thời gian trôi qua, cha mẹ anh đổ bệnh và lần lượt qua đời nhưng anh vẫn sống sót nhờ sự cứu trợ ít ỏi của xã hội.

Trong 30 năm, anh chưa bao giờ tiếp xúc quá nhiều với người ngoài, thậm chí anh còn không biết cầu cứu ai.

Có một đoạn video ngắn có nội dung như sau: Có một con chim tìm thấy con sâu trong góc, điều trớ trêu là con chim đuổi theo con sâu với cái miệng há to, như đứng yên chờ con sâu chui vào miệng. Điều đó giống như một đứa trẻ được bố mẹ đút cơm tận răng vậy. Những con chim quen được đút ăn nghĩ rằng chúng có thể lấy thức ăn bằng cách mở miệng. Cũng giống như thế, những đứa trẻ được phục vụ tận giường này sẽ rất thiệt thòi khi rời xa vòng tay của cha mẹ. Nhân danh tình yêu, nhiều cha mẹ kèm cặp và kiểm soát con quá mức sẽ kìm hãm cuộc sống của đứa trẻ. 

Dạy con trở thành một đứa trẻ ngoan không phải là chuyện khó, nguyên nhân là ở gia đình và cha mẹ của đứa bé. Nhà tâm lý học Wu Zhihong từng nói: Trên đời này chỉ có ba chuyện, chuyện của người ta, chuyện của người khác và chuyện của ông trời. Ba điều này vạch rõ ranh giới mà chúng ta nên duy trì khi kết thân với người khác. 

Chấp nhận buông tay để trẻ trưởng thành nghĩa là khi con bạn muốn được tự do, bạn sẽ không dùng dây buộc chặt đứa trẻ. Tình yêu thương thành công nhất của cha mẹ không phải là giữ con bên mình mà là để con tự bước đi, để con cái dần tách khỏi cuộc sống của bạn như một cá thể độc lập càng sớm càng tốt, có được khả năng chống chọi với mưa gió và vững chãi trước dòng đời khắc nghiệt này.

Nếu muốn con có thể phát triển toàn diện, đã đến lúc bạn phải từ bỏ cách dạy con này hoặc ít nhất là hạn chế sự quan tâm quá mức dành cho con. Hãy để con được tự do, được trải nghiệm những thứ mới và tự giải quyết vấn đề của riêng mình, đồng thời hãy để bản thân được nghỉ ngơi khi lúc nào cũng phải để mắt đến con.

Đọc thêm