Bài học mới về sự thiếu hiểu biết

Xưa nay người ta thường nói: “Chết vì thiếu hiểu biết”, nhưng thực ra cái sự thiếu hiểu biết còn có thể gây nên nhiều tai họa nữa, như chuyện hai ngôi sao Việt đóng phim Hollywood.

 Xưa nay người ta thường nói: “Chết vì thiếu hiểu biết”, nhưng thực ra cái sự thiếu hiểu biết còn có thể gây nên nhiều tai họa nữa, như chuyện hai ngôi sao Việt đóng phim Hollywood.

Giá như sự xuất hiện của hai người đẹp Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ trong bộ phim “bom tạ” Thượng Hải (Shanghai) vừa được khởi chiếu tuần qua tại Việt Nam, không quá “chớp bóng” để rồi bao nhiêu chờ đợi về sự xuất hiện lần đầu tiên của “sao Việt” trong phim Hollywood tan như bong bóng xà phòng, thì Đại hội Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra tuần này (20-22/7) sẽ có thêm những câu chuyện mới về điện ảnh giao lưu và hội nhập – một chủ đề lớn của điện ảnh Việt hiện nay. Nhưng cái rủi này có thể là một cái may khác: nhờ thế mà những người làm điện ảnh lẫn khán giả Việt phải có cái nhìn chuyên nghiệp hơn với những “thực tế chuyên nghiệp” của những nền điện ảnh chuyên nghiệp, cụ thể ở đây là Hollywood và chuyện về những diễn viên quần chúng.
Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ trên phim trường Thượng Hải
Vũ Thu Phương và Lý Nhã Kỳ trên phim trường Thượng Hải
Chuyện có tham gia diễn xuất nhưng xuất hiện rất hạn chế trên phim, thậm chí không xuất hiện giây nào trên màn ảnh, là điều hết sức bình thường, phim Việt cũng vậy chứ chẳng phải Hollywood mới thế. Những vai này thường rơi vào diễn viên quần chúng. Trước hết, cách gọi “diễn viên quần chúng” như xưa nay nhiều người sử dụng là cách gọi rất Việt Nam và cũng thể hiện cái nhìn rất Việt Nam về tính chất, vai trò của loại diễn viên này. Trên thế giới, diễn viên không đóng vai chính được chia thành hai cấp: supporting actor (diễn viên phụ có vai) và extra (diễn viên phụ không vai); loại extra chính là diễn viên quần chúng theo cách gọi Việt Nam. Nếu supporting actor có hẳn những hạng mục giải thưởng tại các LHP từ nhỏ đến lớn thì extra không thuộc về những cống hiến cần ghi nhận. Dù vậy, ở Hollywood, extra cũng có đẳng cấp của extra với những thứ bậc rất khác nhau.

Đẳng cấp “quần chúng Hollywood”

Thứ bậc của diễn viên quần chúng ở Hollywood tùy thuộc vào mức độ gần xa của họ đối với máy quay phim và mức độ diễn xuất, có thể chia thành 3 loại:

- Làm nền (thấp nhất, đứng xa máy quay nhất, không có diễn xuất).

- Đứng gần diễn viên chính, có diễn xuất, không thoại.

- Quần chúng có diễn xuất, có thoại.

Tỷ lệ thuận theo mức độ xa gần với máy quay và đòi hỏi diễn xuất chính là mức cát-sê mà các diễn viên quần chúng nhận được, nhưng dù xa hay gần, diễn hay không diễn thì đều phải qua quá trình thử vai. Người phụ trách thử vai extra (extra casting) thường là trợ lý đạo diễn và extra hầu như không bao giờ làm việc trực tiếp với đạo diễn mà chỉ làm việc với trợ lý hoặc phó đạo diễn, họ cũng không được xem kịch bản vì phần việc họ đảm trách không được gọi là vai diễn. (Cũng xin nói thêm, casting directorextras casting là hai công việc khác nhau liên quan đến đẳng cấp. Casting director chỉ phụ trách phần tuyển diễn viên có vai chứ ít khi làm công việc của extras casting, lý do chủ yếu là vì không có thời gian). Tuy thế, các diễn viên không có vai này cũng phải làm việc trầy vi tróc vẩy trên phim trường cho dù họ chỉ xuất hiện trong một cảnh quay (chuyện Lý Nhã Kỳ kể rằng cô phải quay 10 ngày trên phim trường, diễn đi diễn lại một vài động tác là hoàn toàn hợp lý).

Bài học mới về sự thiếu hiểu biết ảnh 2
Cùng đạo diễn và các diễn viên extra khác trong đoàn phim

Đạo diễn Bá Vũ, người từng giữ trọng trách giám đốc casting diễn viên Việt Nam cho bộ phim Người Mỹ trầm lặng, đã nhận được hai khoản lương khi đồng thời thực hiện việc tuyển diễn viên cho các vai chính - phụ và tuyển diễn viên quần chúng. Kể lại chuyện tuyển diễn viên quần chúng, Bá Vũ nói anh đã rất bất ngờ và khó xử khi gặp NSND Năm Cần Thơ, lúc đó đã gần 80 tuổi, đến thử vai bà già bị trúng bom nổ lòi ruột, diễn xuất của bà là… nằm ôm ruột. Bà đã rất tha thiết được vào vai này trong khi Bá Vũ ái ngại vì danh hiệu NSND của bà, bà muốn làm việc này cũng chỉ vì muốn kiếm số tiền vài triệu. Tuy nhiên, anh đã phải “khuất phục” trước ý chí của bà và quả thật, với hiệu quả trên phim, nếu không phải diễn viên có nghề thì không thể thực hiện được vai diễn nhỏ không thể nhỏ hơn này. Vai xác một người đàn ông bị trúng đạn giãy đành đạch, bên cạnh là vợ con (cũng là extra được diễn bởi hai diễn viên chuyên nghiệp) đang gào khóc trong phim này cũng do nghệ sĩ Đắc Vinh thủ diễn, và dù là quần chúng nhưng nếu không phải người có kinh nghiệm diễn xuất thì cũng khó mà… giãy được như vậy. Để diễn những cảnh chết này, các diễn viên phải có mặt trên trường quay đến 1 tuần, 4 ngày chuẩn bị, 3 ngày quay khá vất vả dưới thời tiết rét căm căm. Sau đó, dù không trực tiếp làm việc với extra nhưng khi cảnh quay này hoàn tất, đạo diễn Phillip Noyce đã đề nghị nhà sản xuất trả gấp đôi số tiền thù lao thỏa thuận cho họ.


Không thuộc phạm trù diễn viên quần chúng – extra nhưng ở các nền điện ảnh tiên tiến cũng có một loại công việc còn khá xa lạ với phim ảnh nước mình, đó là người đứng thế diễn viên chính, vị trí công việc mà trên generic cuối phim đề chức danh là stand-in. Người đảm trách công việc này được tuyển lựa rất kĩ, họ phải có thân hình giống với diễn viên chính, khuôn mặt giống nữa thì càng tốt mặc dù hầu như họ không bao giờ quay mặt về phía ống kính. Người stand-in được sử dụng để đo sáng, thử phục trang và họ sẽ phục sức giống y như diễn viên chính, xuất hiện ở những cảnh cần có diễn viên chính nhưng ở xa máy quay hoặc quay lưng lại. Việc này giúp cho diễn viên chính có thêm thời gian nghỉ ngơi hoặc làm những việc khác như trang điểm, thay đồ mà không ảnh hưởng đến tiến độ công việc của đoàn phim, và mục đích chính là để tiết kiệm sức cho diễn viên chính. Trước đây, năm 1991-1992, bộ phim Pháp Người tình (L’amant, đạo diễn Jean-Jacques Annaud) có những cảnh quay ở Việt Nam cũng sử dụng một người đứng thế cho nữ diễn viên chính, cô gái này đã đi theo đoàn phim suốt thời gian đoàn phim làm việc tại Việt Nam và mức cát-sê nhận được lên tới 10 triệu đồng, số tiền không nhỏ ở thời kì đó. Nghe nói ở bộ phim Bẫy rồng, Ngô Thanh Vân cũng có một diễn viên đứng thế.

Đẳng cấp “quần chúng Việt”

Như trên đã nói, giới làm phim, kịch hay cải lương ở ta gọi diễn viên phụ không có vai là “quần chúng”, bởi vậy mà cách nhìn, cư xử với loại vai này cũng bị coi rất nhẹ. Nếu quần chúng ở Hollywood được đòi hỏi là biết diễn xuất và phải trải qua quá trình thử vai “đâu ra đấy” thì ở ta, chẳng khó khăn gì để có một vai quần chúng với cát-sê từ 50-100 ngàn đồng/ ngày. Người làm phim coi nhẹ vai trò “quần chúng” nhưng đôi lúc lại đòi hỏi ở họ nhiều hơn những gì họ làm được và phải làm, chẳng hạn yêu cầu diễn viên quần chúng là người thường rằng: “Em đi ngoài nắng, em phải tỏ vẻ mình đang đau khổ nhé” là điều không tưởng. Tuy nhiên, thường thì nhiều đạo diễn ít màng đến việc đó còn diễn viên quần chúng thì vẫn cố thực hiện, vì thế mà khán giả vẫn cứ phải lăn tăn bực bội vì phải xem những bộ mặt “đơ như cây cơ” trong cảnh đám đông vỗ tay reo hò bày tỏ sự phấn khích.

Quay trở lại một chút với phim Thượng Hải, nói gì thì gì, việc mời hai người đẹp Việt Nam vào vai extra trước hết là một thành công về mặt thị trường của nhà sản xuất. Sự phấn khích có phần hơi quá mức của hai ngôi sao, cùng sự “super soi” của các khán giả về sự kiện này đã góp một tay vào việc khuếch trương bộ phim này tại Việt Nam. Nhà sản xuất Weinstein còn mong gì hơn thế?

Bộ phim có nhiều diễn viên quần chúng nhất từ trước đến nay là Gandhi (1982, hãng Century 20th, đạo diễn Richard Attenborough) bộ phim đã giành giải Oscar trong hạng mục Phim xuất sắc nhất: 400 người với cảnh đám tang nhà chính trị gia Mahatma Gandhi, nhân vật chính của phim. Kỉ lục này đã được ghi vào Guiness.

Đọc thêm