Ban Bí thư sẽ ban hành Chỉ thị về công tác pháp chế

 Trong những năm qua, công tác pháp chế được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xác định là một công tác có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác pháp chế.
Trong những năm qua, công tác pháp chế được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xác định là một công tác có vị trí, vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Tuy nhiên, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, Bộ Tư pháp đang được giao chủ trì soạn thảo Dự thảo Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác pháp chế.

Tại cuộc họp góp ý do Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (1/7), có ý kiến cho rằng, Dự thảo chỉ nên gói gọn phạm vi đối với tổ chức và hoạt động của tổ chức pháp chế. Thậm chí, có ý kiến còn đề nghị trước mắt chỉ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật rồi mới tiến tới công tác pháp chế.

Tuy nhiên, chủ trì cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh, tên gọi của Chỉ thị đã được Ban Bí thư phê duyệt nhằm bao quát công tác pháp chế ở các cơ quan, tổ chức như Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, TAND, VKSND, Chính phủ, các tổ chức xã hội khác, chứ không riêng gì đối với công tác pháp chế ở các cơ quan của Chính phủ. Thứ trưởng yêu cầu Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật hoàn chỉnh Dự thảo Chỉ thị sao cho vừa mang tính khái quát cao vừa có tính cụ thể, đặc thù, trong đó hạt nhân là pháp chế của bộ, ngành, Chính phủ.

Theo đó, Dự thảo Chỉ thị nêu: Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tăng cường giám sát việc thi hành pháp luật liên quan đến công tác pháp chế. Ban cán sự đảng Chính phủ, các Bộ, ngành và tỉnh ủy, thành ủy các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai công tác pháp chế, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến công tác pháp chế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động của tổ chức ngành Tòa án, Kiểm sát và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong việc triển khai các mặt hoạt động của công tác pháp chế, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát có hiệu quả việc thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức.

Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước; chú trọng kết hợp triển khai công tác pháp chế với việc thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp; khẩn trương rà soát nhằm củng cố hoặc thành lập mới tổ chức pháp chế doanh nghiệp; sắp xếp, tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ pháp chế doanh nghiệp đủ về lượng, có chất lượng cao, có năng lực chuyên môn nghiệp vụ vững vàng bảo đảm cho doanh nghiệp nhà nước.

Dự thảo Chỉ thị cũng giao Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị và định kỳ báo cáo Ban Bí thư.

Hàn Thu

Đọc thêm