Bàn cách chạy tiền để đầu tư hạ tầng

Những căn bệnh kinh niên trong phát triển đô thị tại Việt Nam như: hạ tầng không đồng bộ, kẹt xe, ngập lụt, dồn ứ dân cư… đã được các chuyên gia mổ xẻ kỹ tại hội thảo “Phát triển đô thị bền vững” do TP.HCM, Hà Nội, Huế đồng tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 17 và 18.5.
Những căn bệnh kinh niên trong phát triển đô thị tại Việt Nam như: hạ tầng không đồng bộ, kẹt xe, ngập lụt, dồn ứ dân cư… đã được các chuyên gia mổ xẻ kỹ tại hội thảo “Phát triển đô thị bền vững” do TP.HCM, Hà Nội, Huế đồng tổ chức tại TP.HCM trong hai ngày 17 và 18.5. “Bệnh” thì ai cũng thấy, tuy nhiên tiền ở đâu để chữa bệnh vẫn là câu hỏi lớn. Theo tính toán của sở Giao thông vận tải TP.HCM, mỗi năm thành phố cần tới 1 tỉ USD để đầu tư hạ tầng. Đây là số tiền nằm ngoài tầm tay của thành phố. Thời gian qua, TP.HCM đã vận dụng nhiều phương án nhằm kiếm tiền để đầu tư hạ tầng như vay ODA, huy động bằng hình thức BOT, BT, phát hành trái phiếu, đấu thầu chọn nhà đầu tư… Tuy nhiên, những phương thức này hiện nay cũng đang bộc lộ những bất cập khiến quá trình huy động vốn gặp nhiều khó khăn.Chứng khoán hoá các dự án hạ tầng Tham luận của TS Nguyễn Thị Bích Loan, trường đại học Tôn Đức Thắng TP.HCM cho rằng thị trường trái phiếu chính là kênh quan trọng cần vận dụng để kiếm tiền. Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động phát hành trái phiếu tại Việt Nam, đặc biệt là hoạt động trái phiếu chính phủ và địa phương chưa phát huy được vai trò khơi thông vốn nhằm phục vụ cho các mục tiêu phát triển đô thị.
Kẹt xe tại giao lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh – Ung Văn Khiêm – Nguyễn Xí quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã diễn ra gần mười năm qua và chưa biết bao giờ chấm dứt khi dự án cải tạo nút giao thông này chưa rõ ngày khởi động. (Ảnh: Lê Hồng Thái)
Bà Loan tính toán, lượng trái phiếu cần phát hành trong năm 2010 của Chính phủ khoảng 90.000 tỉ đồng. Nếu thực hiện thành công kế hoạch này sẽ giúp Chính phủ có một nguồn vốn quan trọng để đầu tư thay đổi bộ mặt đô thị.
Đừng để nhà mới phải thắp đèn dầu

Theo TS Võ Kim Cương, do nguồn vốn có hạn nên phải xác định rõ cái nào nên làm trước, cái nào làm sau. Nếu không sẽ xảy ra hai tình trạng hạ tầng đi sau hoặc đi quá xa, không đồng bộ giống như nhà xây xong mà không có điện, cầu làm xong không có đường.

Theo ông Cương, Cần Giờ là một vùng đất thấp, ngập mặn, chỉ thích hợp quy hoạch làm lá phổi xanh cho thành phố chứ không thích hợp cho việc đô thị hoá. Môi trường Cần Giờ là sông nước, vậy tại sao không sử dụng đường sông rất phong phú sẵn có để khai thác du lịch?

Việc đầu tư 1.800 tỉ đồng để nâng cấp đường đi Cần Giờ chắc chắn hiệu quả không bằng dùng số tiền đó để cải tạo hàng chục nút tắc giao thông trong khu vực nội thành. Việc đầu tư cầu Bình Khánh (tĩnh không thuyền trên 55m) chỉ với mục tiêu phục vụ du lịch Cần Giờ càng lãng phí nhiều hơn...
Tiến sĩ Vương Đức Hoàng Quân, phó tổng giám đốc công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM đề xuất phương án “chứng khoán hoá” để huy động vốn. Theo phương án này, chính quyền thành phố sẽ hình thành một công ty dự án và định rõ các yêu cầu của dự án, xác định vốn đầu tư cho dự án. Sau đó, UBND thành phố sẽ giao cho một đơn vị đại diện phát hành trái phiếu chuyển đổi. Với vốn thu được, thành phố sẽ tổ chức triển khai các dự án. Trong thời gian triển khai, các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu chuyển đổi sẽ được UBND thành phố trả tiền lãi. Lãi suất này sẽ được thông báo cho nhà đầu tư ngay khi phát hành trái phiếu để nhà đầu tư có đủ thông tin và quyết định số lượng trái phiếu sẽ mua. Khi dự án đi vào giai đoạn vận hành, công ty dự án sẽ được chuyển đổi thành công ty cổ phần và các trái phiếu chuyển đổi của các nhà đầu tư sẽ được chuyển thành cổ phiếu của các công ty cổ phần này. Lúc này các nhà đầu tư có thể thu lại vốn đầu tư bằng cách tiếp tục chuyển đổi các công ty cổ phần thành các công ty cổ phần đại chúng và thực hiện niêm yết trên thị trường vốn. Như vậy, nhà đầu tư được hưởng lãi ngay từ khi mua trái phiếu theo lãi suất thoả thuận với UBND thành phố. Công ty cổ phần sẽ khai thác cơ sở hạ tầng để thu hồi vốn đầu tư và lãi trong một thời gian nhất định đã thoả thuận.Thu phí xây dựng công trình Thạc sĩ Đoàn Kim Thành, viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đề xuất phương án thu phí xây dựng đối với các chủ đầu tư xây dựng công trình. Cụ thể, nếu chủ công trình có diện tích sàn xây dựng càng lớn thì mức đóng góp phí cho Nhà nước càng nhiều. Theo ông Thành, với mức phí bình quân bằng 1% giá trị xây lắp công trình của khối kinh tế tư nhân và khối kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ mang lại nguồn thu khoảng 500 tỉ đồng mỗi năm. Ông Thành cũng đề nghị Trung ương tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách giữ lại cho thành phố từ 26 – 31%. Bởi, theo tính toán của sở Tài chính, nếu được áp dụng tỷ lệ điều tiết trên kể từ năm 2011 dự kiến hàng năm TP.HCM sẽ có thêm 3.800 – 6.200 tỉ đồng.
Theo Tùng Quang
SGTT

Đọc thêm