Bán đấu giá tài sản: khó chồng khó!

Nhiều đấu giá viên "than" họ đang phải chạy "bở hơi tai" với những quy định mới.

Mặc dù Nghị định 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản thắt chặt được quy trình bán đấu giá tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thông đồng trong đấu giá, thể hiện tính quyết liệt trong bán đấu giá tài sản. Tuy nhiên, để Nghị định vận hành “trơn tru” trong thực tiễn, những người công tác trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản đang phải cân nhắc từng công việc cụ thể, nhằm hạn chế sai sót có thể xảy ra.

• Cài “người nhà” để làm khó Trung tâm?

Được xem là sẽ tốt hơn cho công tác đấu giá, Điểm a, Khoản 1, Điều 48 của Nghị định quy định: “Kết quả bán đấu giá tài sản bị huỷ trong các trường hợp sau đây: a) Do thoả thuận giữa người có tài sản bán đấu giá, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; đối với tài sản thi hành án, thì còn phải có thoả thuận của người phải thi hành án…”.

Một phiên bán đấu giá - ảnh minh họa

Với quy định này, nhiều Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản cho rằng, về mặt pháp lý, người bị thi hành án không muốn phần bất lợi về cho mình nên họ sẽ gây khó quá trình thi hành án, bằng cách cho “người nhà” tham gia vào phiên bán đấu giá để kéo dài vụ việc.

Chưa hết, quyết định về mức thu phí đấu giá tài sản do một số tỉnh ban hành thời gian qua áp dụng cho các Trung tâm đấu giá chưa hợp lý.

Cụ thể, mức thu phí đấu giá đối với người tham gia đấu giá được quy định tương ứng với giá khởi điểm của quyền sử dụng đất hoặc diện tích đất bán đấu giá như: Giá khởi điểm của quyền sử dụng đất từ 200 triệu đồng trở xuống thì mức thu là 100 ngàn đồng; Giá khởi điểm từ trên 200 triệu đến 500 triệu đồng thì mức thu là 200 ngàn đồng và trên 500 triệu là 500 ngàn... Mức thu này không đảm bảo chi phí cho các tổ chức đấu giá hoạt động theo cơ chế “tự thu, tự chi”.

• “Hội đồng” cũng như “Trung tâm”

Ông M. - một cán bộ Hội đồng bán đấu giá tại TP.HCM cho biết, hiện Hội đồng nơi ông làm việc gặp khó, bởi theo quy định mới (Nghị định 17), Hội đồng bán đấu giá tài sản ký hợp đồng với tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp để tổ chức này cử đấu giá viên điều hành cuộc bán đấu giá tại sản của Hội đồng...

Cán bộ này đề nghị nên chăng Hội đồng ký hợp đồng với Trung tâm bán đấu giá để trung tâm tự tổ chức bán đấu giá. Bởi thực tế, Trung tâm bán đấu giá ở các tỉnh, thành lớn không có đủ lực lượng đấu giá viên để xuống quận, huyện điều hành đấu giá.

Đó là chưa nói có những lúc nhiều quận, huyện cùng yêu cầu đấu giá viên điều hành đấu giá cùng một ngày thì không biết lấy đâu ra người.

Còn các đấu giá viên thì “than”, họ “bị” điều đi điều hành đấu giá ở các quận, huyện vất vả nhưng không được khoản phí công tác nào. Về vấn đề này, ông Phạm Văn Sỹ, giám đốc Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản, Sở Tư pháp TP.HCM thận trọng bày tỏ sự đồng tình.

Trần Phong

Đọc thêm