15 năm tranh cãi vụ kiện thuê hay mua đất

(PLVN) - Vụ kiện với những tình tiết pháp lý “rối như tơ vò” khiến các bên tranh cãi nhau suốt 15 năm nay chưa phân thắng bại.
Ông Chiến và ông Gấu cho rằng cho bà Lập mướn chứ không bán đất
Ông Chiến và ông Gấu cho rằng cho bà Lập mướn chứ không bán đất

Vụ kiện kéo dài 15 năm

Theo hồ sơ, ông Trần Văn Gấu (SN1954) và em trai Trần Văn Chiến (SN 1971, cùng ngụ xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An), mỗi người có 2,5ha đất ruộng liền kề ở ấp 2, xã Long Thạnh. Ông Gấu không sử dụng trực tiếp nên lại cho một người em khác là Trần Văn Lâm canh tác.  

Đầu năm 2004, hai anh em được cấp sổ đỏ. Sau đó ông Chiến bán đất của mình cho hai người khác là bà Lê Thị Bốn (SN 1950) và bà Lê Thị Bé Bảy (SN 1966); còn ông Gấu bán cho ông Lê Hồng Thái (SN 1951).

Sau khi mua bán, chuyển tên, ba người mua nhiều lần xin chuyển mục đích sử dụng đất và đều được UBND huyện Thủ Thừa cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, khi họ mang máy móc vào san lấp mặt bằng thì bị gia đình bà Nguyễn Thị Lập (SN 1949, ngụ ấp 3, xã Long Thạnh) ngăn cản vì cho rằng đất này nhà bà Lập đã mua từ năm 1997 giá 7 lượng vàng.

Tháng 4/2004, bà Lập kiện ra tòa yêu cầu ông Gấu và ông Chiến tiếp tục hợp đồng mua bán từ 1997. Đồng thời, bà Lập cũng có đơn khiếu nại đến UBND huyện về việc cấp sổ đỏ cho ba người mua mới.

Năm 2004, TAND huyện ra quyết định chờ giải quyết vụ án hành chính. Mãi đến năm 2009, TAND huyện xử sơ thẩm lần 1, bác yêu cầu khởi kiện của bà Lập. Năm 2010, TAND tỉnh Long An hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ về xét xử lại từ đầu.

Trong bản án sơ thẩm lần hai năm 2013, TAND huyện chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lập; hủy sổ đỏ UBND huyện cấp cho ba người mua mới. Năm 2014, TAND tỉnh Long An xử phúc thẩm hủy án sơ thẩm. Sau đó vụ án bị tạm dừng đến năm 2019 mới đưa ra xét xử sơ thẩm lần thứ ba.

Vì sao vụ kiện lại “bất phân thắng bại” như trên? Vì lời khai và chứng cứ các bên đưa ra “mỗi người một phách”. Theo bà Lập, từ năm 1997, ông Chiến bán cho bà 2,5ha với giá 3,5 lượng vàng. Còn ông Lâm khi ấy đang canh tác trên đất của ông Gấu nhưng vẫn tự ý bán cho con gái bà Lập cũng với giá 3,5 lượng.

Bà Lập và con cho rằng mới trả được 6,5 lượng vàng. UBND xã không xác nhận việc mua bán vì cho rằng đất chưa có sổ đỏ nên hướng dẫn hai bên lập giấy chuyển nhượng thành quả lao động.

Ông Chiến kể: “Do không chuyển nhượng được, bà Lập đòi lại tiền. Tôi và bà Lập đồng ý chuyển sang mướn đất 7 năm với giá 7 lượng vàng (đến năm 2004)”. Còn ông Gấu thì nói không mua bán với bà Lập, chỉ nghe tin em trai truyền đạt lại là “cho bà Lập mướn đất nên có nhận tiền”.

Ông Chiến đưa ra bằng chứng là giấy mướn đất không ghi ngày tháng năm, có chữ ký của bà Lập. Tuy nhiên bà Lập nói rằng giấy này không phải mướn mà là mua đất và nói rằng ông Chiến “lừa tui lấy lại giấy, sửa chữ “mua” thành chữ “mướn”.

Bà Lập cũng cho rằng năm 2004 ông Chiến xin chuộc lại đất. Tại phiên tòa bà Lập có đưa ra giấy viết tay cho rằng do ông Chiến “xin chuộc lợi” đất, nhưng chữ “xin chuộc lợi” là viết thêm bằng nét chữ người khác, cây bút khác. Ông Chiến cho rằng chữ viết thêm không là của ông. Còn thư viết tay chỉ là muốn gặp thông báo việc bán đất, và lấy lại đất.

Tháng 01/2003, đất bị thu hồi một phần, bà Lập nói ông Chiến ủy quyền cho bà nhận tiền bồi thường vì bà đã mua đất của ông. Ông Chiến phản bác, cho rằng không ủy quyền bà Lập nhận tiền bồi thường, chữ ký trong giấy không phải của ông.

Và trong khi bên anh em ông Gấu và mẹ con bà Lập tranh cãi nhau, những người mua đất phải chịu cảnh đất đã mua, đã được cấp sổ nhưng không được sử dụng.

Cần bảo vệ quyền lợi bên thứ ba ngay tình

Trong vụ kiện rắc rối này, ngoài phán quyết của tòa còn có các quyết định hành chính. Vậy cơ quan hành chính nhìn nhận sự việc ra sao? Trong trả lời khiếu nại hành chính của bà Lập về việc cấp sổ đỏ cho ông Thái, bà Bốn và bà Bảy, UBND huyện Thủ Thừa và UBND tỉnh Long An đều khẳng định “đúng quy định, không trái luật”.

Tại phiên sơ thẩm lần 3, những người mới nhất mua đất trình bày, thời điểm họ mua bán, đất có sổ đỏ. “Sau khi xem đất, chúng tôi đã đến UBND xã hỏi đất có tranh chấp hay vướng mắc gì không? Chúng tôi thực hiện việc chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác và được cấp sổ đỏ. Chúng tôi là những người mua ngay tình”, ông Thái nói.

Bà Bốn trình bày từ năm 2004 đến nay, bà không đến được khu đất, không sử dụng được đất dù mua bán đúng luật, có sổ đỏ. “Thiệt hại là rất lớn. Chúng tôi là người mua ngay tình nhưng 15 năm qua không sử dụng được đất”, bà Bốn nói.

Tuy nhiên, tại phiên sơ thẩm lần 3, VKS lại đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lập, bác các phản tố của các đương sự khác.

Phản bác đề nghị trên, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) cho rằng: “Giữa bà Lập với anh em ông Gấu xuất hiện tới 3 loại giấy tờ. Một là giấy mua bán đất, hai là giấy chuyển nhượng thành quả lao động, ba là giấy mua đất (có chữ “mua” sửa thành chữ “mướn”), nhưng người đứng tên mua cùng hai thửa đất trên mỗi giấy là khác nhau. Vậy ai mới là người mua?”. 

“Hồ sơ có hàng loạt vấn đề còn chưa được rõ ràng. Thứ nhất, giấy mua đất mà có kết luận là sửa lại thành mướn, giấy này chỉ có bà Lập ký tên. Tại sao người bán không ký mà người mua ký? Giấy mua bán lại không ghi ngày tháng, không biết ai là người viết. Theo tôi, đây là giấy mướn đất vì nguyên tắc mướn đất thì người mướn ký tên tức bà Lập ký tên và chủ đất là anh em ông Gấu giữ giấy, là hợp lý”.

“Thứ hai, 2,5ha đất của ông Gấu nhưng người em tên Lâm đứng tên bán là không đúng chủ thể. Thứ ba, ví dụ giữa bà Lập và ông Chiến, ông Lâm có mua bán thì hợp đồng chưa hoàn tất vì chưa thanh toán đủ số vàng. Bà Lập không đủ điều kiện công nhận đất”.

“Bà Bốn, bà Bảy và ông Thái là người mua ngay tình. Khi mua không có tranh chấp, không bị ngăn cản và đã được cấp sổ đỏ. Nếu tòa tuyên như đề nghị của VKS là gây thiệt hại cho bên thứ ba ngay tình. Theo tôi, cần công nhận đất này của ông Thái, bà Bảy và bà Bốn. Còn với bà Lập, ông Chiến, ông Gấu thì cần xác định đó là vụ kiện khác, để xác định lỗi của ai, ai bồi thường cho ai”, LS Nghĩa nói. 

Đọc thêm