Bà chủ “xù nợ” hàng trăm triệu mượn của người làm thuê

(PLO) -Bà Lương làm thuê cho Hằng nhiều năm, thương Hằng như người thân trong nhà. Hằng làm ăn thua lỗ phải vay mượn tiền bà Lương, còn nhờ bà Lương đi vay mượn giúp. Mất khả năng trả nợ, Hằng bỏ trốn, còn bà Lương phải cầm cố nhà cửa, è lưng ra trả nợ. 
Bản án đã tuyên nhưng vẫn không rõ số tiền chiếm đoạt Hằng đã dùng vào việc gì
Bản án đã tuyên nhưng vẫn không rõ số tiền chiếm đoạt Hằng đã dùng vào việc gì

Bán nhà tiền tỉ vẫn không trả nợ

Bị cáo Lê Thị Hằng (SN 1984, ngụ TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) làm nghề buôn bán áo quần và kinh doanh quán nhậu. Quá trình làm ăn, do thiếu tiền, Hằng có vay mượn của người quen.

Cụ thể từ năm 2011 đến năm 2013, Hằng nhiều lần vay mượn tiền của bà Nguyễn Thị Lương (làm thuê cho Hằng, quê Quảng Ngãi, tạm trú tại Huế) tổng cộng 323 triệu đồng. Hằng còn vay của chị Hoàng Thị Ngọc 2 lần trong năm 2013 với tổng số tiền là 150 triệu đồng.  

Đầu năm 2014, bà Lương và chồng chị Ngọc nhiều lần đến tìm Hằng để đòi nợ nhưng không gặp. Nghi ngờ Hằng bỏ trốn khỏi địa phương nên cả hai gửi đơn đến cơ quan công an, yêu cầu điều tra làm rõ.

Thấy các chủ nợ gửi đơn tố cáo đến công an, Hằng cũng làm đơn gửi đến công an TP Huế, trình bày mình không hề bỏ trốn khỏi địa phương mà vào TP HCM  làm ăn. Hằng hứa sẽ đến công an TP Huế giải quyết vấn đề nợ nần.

Hai tháng sau ngày làm đơn gửi công an, đầu tháng 7/2014, Hằng đến công an làm việc, thừa nhận có hành vi mượn tiền như đã nêu trên. Tuy nhiên, do nợ nần chồng chất, làm ăn lại khó khăn nên sau đó Hằng bỏ trốn khỏi địa phương, không xác định nơi ở, sinh sống, không hề liên lạc với gia đình ở Huế. Hằng cũng trốn tránh hoàn toàn, không làm việc với cơ quan điều tra Công an TP Huế. Căn nhà do vợ chồng Hằng đứng tên chủ sở hữu, được vợ chồng Hằng ủy quyền cho em trai bán.

Tháng 1/2016, sau một thời gian lẩn trốn, Hằng ra đầu thú. Quá trình giải quyết vụ án, Hằng đã tác động người thân là anh trai của chồng đứng ra khắc phục hậu quả, trả cho bà Lương 170 triệu và trả cho bà Ngọc 50 triệu. 

Tòa hỏi vì sao vay tiền không trả, lại bỏ trốn? Bị cáo nói mình không bỏ trốn, chỉ đi làm ăn xa kiếm tiền để trả nợ. “Vậy khi bị cáo quay về bán nhà, bị cáo có trả nợ không?”. Bị cáo lí nhí nói không. Vị chủ tọa nhận xét, bị cáo không có thiện ý trả nợ cho các bị hại. Sau khi bán nhà, bị cáo lặng lẽ ôm hết tiền rời đi, không trả đồng nào. “Nếu bị cáo có thiện chí trả nợ, bán nhà xong, phải gọi các chủ nợ đến. Nếu nợ quá nhiều người, không trả hết được một lúc, thì phải trả mỗi người một ít. Đằng này bị cáo lại gian dối”.

Một người bạn của bị cáo ngồi bên dưới bảo, căn nhà kia bán đến mấy tỷ bạc, chẳng biết vợ chồng Hằng dùng tiền vào việc gì, mà chỉ mấy trăm triệu nợ không trả, để đến nỗi phải đi tù. Cha mẹ bị cáo đều ở nước ngoài, anh chị em cũng ở nước ngoài. Bình thường, Hằng được gia đình giúp đỡ rất nhiều về kinh tế. Chị này suy đoán: “Tại chồng phá hết. Giờ vợ gánh một mình, còn phải đi tù”. 

Bỏ lọt tội phạm?

Tòa hỏi Hằng, số tiền 473 triệu đồng vay của hai bị hại, là do một mình bị cáo đứng ra vay mượn, hay có ai khác? Bị cáo khẳng định chỉ mình mình đứng ra vay tiền. Vị chủ tọa phiên tòa cho biết, trước lúc phiên tòa bắt đầu, HĐXX có nhận được 2 giấy xác nhận nợ, trong đó ghi rõ người đứng ra vay tiền là hai vợ chồng Hằng, chứ không phải mình Hằng.

Có điều phiên tòa mở ngày 6/6/2017, nhưng giấy ghi nợ lại đề ngày 8/6/2017, sau đó dùng bút sửa lại thành 6/6. Điều đáng nói, chồng bị cáo đang ở Đồng Nai, trước đó đã gửi đơn xin vắng mặt vì không thể về Huế dự khán. “Nếu giấy ghi nợ này sáng nay vừa gửi từ Đồng Nai thì không thể giờ đã đến được tòa án”, vị chủ tọa cho biết. 

Vị chủ tọa nhấn mạnh, nếu đúng là vợ chồng Hằng cùng đứng ra vay mượn, thì VKS đã bỏ lọt tội phạm. Chồng Hằng phải giữ vai trò đồng phạm trong vụ án. Hằng run run giọng, nói một mình bị cáo đi vay mượn, không liên quan đến chồng. Có điều số tiền kia vay về, cả hai vợ chồng cùng nhau làm ăn chung.

Tòa hỏi bị hại Lương, ai là người mượn tiền của bà. Lúc đầu, bà Lương khai là vợ chồng Hằng. Sau lại bảo vợ chồng Hằng cùng đến hỏi vay tiền, nhưng Hằng là người nhận tiền. Hỏi tới hỏi lui, lắp ba lắp bắp mất một lúc lâu, bị hại vẫn không xác định được chính xác người đứng ra mượn tiền.

Bà phân bua, bảo mình đã già cả, chuyện vay mượn đã xảy ra nhiều năm, không thể nhớ rõ. Vị chủ tọa phản bác, bảo bà chỉ sinh năm 1964, không thể gọi là già. Bà lại là người cho vay tiền, không thể dễ dàng quên được. Cuối cùng, bà này nói chỉ mình Hằng mượn tiền mình, người chồng không liên quan.

Lại nói đến hai tờ giấy nợ, vốn là của anh chồng bị cáo Hằng đứng ra viết, xác nhận lại số tiền nợ giữa đôi bên, sau khi anh này thay mặt em dâu đứng ra trả cho bà Lương 170 triệu đồng và trả cho bà Ngọc 50 triệu đồng. Tại phiên tòa, người anh chồng của bị cáo cũng cho biết, số tiền nợ còn lại, anh sẽ thay Hằng đứng ra trả giúp.

Cả hai bị hại đều xác nhận, trong suốt thời gian qua, anh này chính là người đứng ra thay Hằng trả nợ. Trước tòa, anh này khẳng định, việc mình đứng ra thay em dâu trả nợ là hoàn toàn tự nguyện. Số tiền trả nợ, cũng do tự anh lao động mà kiếm được.

Nỗi niềm bị hại

Giờ nghị án, bà Lương ngồi một góc rầu rĩ. Bà bảo giờ chỉ mong lấy lại được số tiền đã cho vay, để mang về quê trả nợ và lấy sổ đỏ nhà ra. Bà bảo phần lớn số tiền cho Hằng vay, là do bà về quê mượn của bà con chòm xóm. Tiền lãi vay, bà cũng chẳng ăn đồng nào. Không ngờ Hằng quỵt nợ, bà phải đứng ra trả thay.

Bà đi may thuê, chồng làm ruộng, tiền chẳng có nên phải cầm cả sổ đỏ nhà ở quê để lấy tiền trả cho người ta. Sợ chồng biết chuyện, bà nói tránh là cầm nhà vay tiền để lo việc cho con. Cũng vì sợ chồng biết chuyện, nên suốt mấy năm qua, bà ở lì ngoài Huế, chỉ đến tết mới về quê ở ít bữa.

Bà Lương kể, bà vốn làm thuê cho xưởng may của Hằng nhiều năm qua.  Sống chung trong nhà, nên cũng có tình cảm. Thấy Hằng nhà cao cửa rộng đến mấy tầng lầu, người thân lại toàn ở nước ngoài, nên khi Hằng nói làm ăn thua lỗ, ngỏ ý mượn tiền, bà chẳng chút đắn đo, số tiền gom góp ít ỏi từ tiền lương mỗi tháng, bà đưa Hằng mượn hết. Đến chiếc nhẫn vàng đeo trên tay, bà cũng tháo đưa cho Hằng. Lúc đầu mượn tiền, Hằng luôn trả đúng hẹn nên bà tin tưởng.

Cũng như bà Lương, chị Ngọc cho biết mình ở cạnh nhà bị cáo. Vốn là hàng xóm với nhau, nên vô cùng tin tưởng. Thấy người thân Hằng toàn định cư ở nước ngoài, nên mới không do dự cho mượn tiền. Chị cứ nghĩ, nếu bị cáo không có tiền, cũng có người nhà đứng ra lo liệu giúp, nào ngờ lại bị “quỵt” nợ trắng trợn. Bất đắc dĩ, mới phải kéo nhau ra tòa.

Tòa nhận định bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, nên không phạm vào tình tiết tăng nặng nào. Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ như ra đầu thú, ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả. Tòa tuyên phạt bị cáo 4 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”, tiếp tục bồi thường số tiền đã vay các bị hại.

Đọc thêm