Bất chấp quy định, cát tặc thi nhau xé nát sông Đồng Nai

(PLVN) - Một trong những nội dung quan trọng, trước tiên được thể hiện trong văn bản phối hợp quản lý khai thác cát, sỏi trên sông Đồng Nai thuộc địa bàn ba tỉnh giáp ranh gồm Đồng Nai, Bình Phước và Lâm Đồng quy định rất rõ: thời gian khai thác bắt đầu từ 6 giờ đến 18 giờ, tuyệt đối không được khai thác vào ban đêm.
Bất chấp quy định, cát tặc thi nhau xé nát sông Đồng Nai

“Thành phố” cát lậu

17 giờ ngày 1/10, tại cầu Phước Cát, hàng chục xà lan, tàu ghe rầm rập xuôi dòng sông Đồng Nai hướng về đoạn giáp ranh giữa xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) và xã Đắc Lua, huyện Tân Phú (Đồng Nai). Khi đã chọn được vị trí có nhiều cát và người dân 2 bên bờ lơ là, những chiếc tàu này bắt đầu thọc những chiếc vòi lớn vào sát bờ để hút cát lên tàu.

Chỉ hơn 30 phút, chiếc ghe chứa gần 150 mét khối cát đầy ắp, ì ạch ngược dòng, trở về bơm cát lên bãi. Thậm chí, ngay trạm bơm Phước Cát (thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên) cát tặc ngang nhiên hút ngay trong phạm vi bảo vệ cầu Phước Cát.

Theo một cán bộ huyện Cát Tiên, sau khi Báo Pháp luật Việt Nam có loạt bài phản ánh, do địa bàn huyện Cát Tiên quản lý chặt nên các đối tượng đã chuyển hướng hoạt động phía huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Mặc dù hút trên địa bàn do tỉnh Bình Phước quản lý, tuy nhiên những thiệt hại mà người dân đang gánh chịu là cực kỳ lớn.

Sau khi hút cát từ nơi khác, các tàu tập kết để bơm cát lên bãi

Sau khi hút cát từ nơi khác, các tàu tập kết để bơm cát lên bãi

Theo đó, hàng trăm héc ta đất canh tác, đất ở của người dân các huyện Tân Phú (Đồng Nai) và Cát Tiên (Lâm Đồng) đang từng ngày trôi theo dòng nước dữ. Và tất nhiên, việc đất của người dân trôi xuống sông lại chính là cái mà những đối tượng khai thác cát lậu mong muốn. Khi đó, chỉ cần đưa tàu ra giữa dòng, buông vòi xuống lòng sông thì cát và xa hơn một chút là tiền sẽ hiển nhiên chảy mạnh vào túi của nhóm cát làm giàu bằng tài nguyên này.

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Huỳnh Văn Thuận, thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên cho hay, mỗi khi phát hiện tàu hút cát thọc vòi vào vườn nhà mình để hút trộm, ông đã gọi cho chủ tịch UBND huyện nhưng khi cơ quan chức năng có mặt thì những đối tượng này đã tắt đèn, buông vòi.

Một thực trạng đáng quan ngại là chính những người dân đang trực tiếp tiếp tay cho cát tặc tàn phá ruộng vườn của chính họ khi mà chỉ vì món lợi nhỏ, những hộ dân sống ven bờ đã bán cát cho các đầu nậu. Thiệt hại mà họ gánh chịu là hàng trăm mét đất sụt theo bờ sông.

Chỉ một đêm lơ là, hàng chục mét đất của người dân trôi theo dòng nước dữ

Chỉ một đêm lơ là, hàng chục mét đất của người dân trôi theo dòng nước dữ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi ghe cát, người dân thu về từ 1 đến 2 triệu đồng. Một số người dân lý giải rằng, họ không bán cũng không được vì dù không bán thì cát tặc vẫn hút và vườn vẫn sập. Hoặc một số hộ không bán nhưng nhà bên cạnh đã bán thì trước hay sau, vườn của họ cũng trôi theo dòng sông.

Lỗ hổng cấp phép

Cát tặc vẫn ngày ngày tàn phá dòng sông, đất cát vẫn trôi theo ánh nhìn bất lực của người nông dân vùng quê. Điều mà người dân trông mong chính là trách nhiệm của chính quyền thì sự quản lý ở đây đang quá lỏng lẻo, thiếu đồng bộ.

Một ví dụ điển hình chính là hàng chục tàu hút cát mỗi ngày vẫn nhởn nhơ, mặc dù quy định về trữ lượng, số lượng tàu cho mỗi đơn vị được cấp phép đã rất rõ. Trong khi, phép thì ít mà tàu khai thác lậu lại tràn lan trước mắt của người dân, dư luận.

Một thực tế bấy lâu nay, mạnh tỉnh nào, tỉnh nấy cấp phép khai thác cát. Con sông Đồng Nai là địa giới hành chính các tỉnh. Lâm Đồng cấp phép nửa sông phía mình, Đồng Nai cũng vậy. Thực tế, khúc sông thượng nguồn dài hàng chục km nhỏ hẹp, nước chảy siết, lòng sông như lòng chảo nên việc cấp phép – khai thác nửa dòng sông trở thành trò đùa.

Với những đối tượng khai thác cát, tàu hút đứng phía Đồng Nai vẫn thoải mái chọc sào qua Lâm Đồng hút mà chẳng ai có thể kiểm soát. Các ghe cát lậu, khi phát hiện có lực lượng kiểm tra, phía Lâm Đồng, chỉ cần đẩy tàu sang phần đất Bình Phước là an toàn. Cộng với địa hình hiểm trở, phương tiện đường thủy thiếu thốn nên địa phương nào dù muốn “kiên quyết” “triệt để” với cát lậu chắc chắn lực bất tòng tâm.

Hàng chục chiếc tàu nằm chờ dưới chân cầu Phước Cát, đây là nguyên nhân khiến việc quản lý cát tặc trở nên khó khăn hơn
Hàng chục chiếc tàu nằm chờ dưới chân cầu Phước Cát, đây là nguyên nhân khiến việc quản lý cát tặc trở nên khó khăn hơn 

Chính việc cấp phép cứng nhắc, bất cập vô hình chung là mảnh đất dung dưỡng cho nạn cát tặc. Theo thống kê, chỉ 4/44 phương tiện bơm hút cát có đăng ký. Vậy, hầu hết là tàu ghe hút cát lậu. Một cán bộ xã ven dòng sông kể, đêm khuya nghe tin báo có ghe cát đang hút, vội vàng chạy đến nơi cũng chỉ đứng trên bờ dọa, hy vọng kẻ hút trộm sợ mà kéo tàu sang bờ bên kia (tỉnh khác). Quản lý nhà nước ở đây hệt như chơi trò cút bắt! 

Cho dù sau nhiều phản ánh, lo ngại về môi trường và tiếng kêu cứu của hàng chục hộ dân bao năm qua, vào tháng 8/2019, ba tỉnh đã cùng ngồi lại thống nhất dẹp cát lậu triệt để và tạm ngưng 2 dự án có phép. Tuy nhiên, các biện pháp cứng rắn này dường như vô hiệu ở phía tỉnh Bình Phước.  

Mặt khác, ngay sau khi các tỉnh thượng nguồn sông Đồng Nai cho phép các dự án khai thác cát đã được cấp phép nhưng tạm ngưng thời gian qua được hoạt động trở lại, sự lo ngại của cư dân đã hiển hiện: cát tặc tiếp tục lộng hành và con sông lở lói khắp nơi vào mùa mưa này.

Trong thời gian gần đây, theo chúng tôi, UBND huyện Cát Tiên có lẽ là địa phương mạnh tay nhất trong chỉ đạo các cơ quan liên quan kiểm tra xử phạt các hành vi trong khai thác cát. Tuy nhiên, vẫn không thể dẹp triệt để nạn khai thác cát lậu. Ngoài việc các đối tượng bơm hút cát tổ chức đối phó với nhà quản lý. Điều quan trọng nhất vẫn là sự lẻ loi của chính quyền Cát Tiên trong việc dẹp cát lậu.

Sau nhiều lần sắp xếp, mặc dù UBND ba tỉnh (Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước) đã thống nhất trong công tác quản lý hoạt động khai thác cát trên sông Đồng Nai bằng văn bản liên tỉnh 4914 vào giữa năm 2019. Nhưng sự thật, ở phía Bình Phước, UBND huyện Bù Đăng đã phớt lờ chỉ đạo này. Cụ thể, trong năm 2019, khi phía Lâm Đồng và Đồng Nai tạm ngưng mọi hoạt động khai thác, ngược lại, cát lậu bên phía Bình Phước vẫn nhộn nhịp. Con số 29 bãi chứa cát bơm hút ngày đêm nằm dọc huyện Bù Đăng cho thấy sức hủy hoại con sông lớn như thế nào.

Ai cũng hiểu, nếu chỉ một mình Cát Tiên hay Đạ Tẻh, sẽ chẳng bao giờ dẹp xong nạn cát lậu, ở đây phải cần sự phối kết hợp giữa các bên, đặc biệt vùng giáp ranh. Không ít lần các huyện lân cận chủ động đề nghị Bù Đăng cùng phối hợp ngăn chặn cát lậu. Tuy nhiên những đề nghị cấp thiết trên dường như chỉ nhận được sự im lặng khó hiểu.

Câu trả lời có trách nhiệm của chính quyền chính là sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để dẹp hoàn toàn nạn cát tặc mà người dân đang mong chờ.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ liên tục cập nhật, thông tin.

Theo một thống kê, chỉ tính riêng 2 xã Đăng Hà và Thống Nhất (huyện Bù Đăng) có 29 bãi cát. Nơi đây, người dân vẫn ví von là “thành phố cát lậu”, bởi dọc ven con sông thuộc địa phận Bình Phước cát lậu vô tư lập bãi, bơm hút và neo đậu mỗi khi “bị động” ở phía bên kia bờ (thuộc Lâm Đồng). Để tránh việc thưa kiện, nhiều chủ khai thác cát lậu mua luôn đất của dân ở bờ sông làm bãi chứa. 

Riêng xã Phước Cát 2 có tới hơn 100 vị trí sạt lở. Trong đó, diện tích đất của 16 hộ dân của thôn Vĩnh Ninh với tổng diện tích sạt lở hơn 10.000 m2. Tại thôn Phước Thái cũng xuất hiện tàu hút cát trái phép khai thác vào ban đêm và gây sạt lở 14 vị trí của 9 hộ với tổng diện tích thiệt hại gần 4.500 m2.

Đọc thêm