Bi kịch: đòi tiền công lại hóa thành kẻ cướp!

(PLO) - Bị cáo lóng ngóng ôm đứa con vào lòng. Chiếc còng lạnh ngắt đụng vào tay khiến đứa bé giật thót cả người. Em mới hơn tháng tuổi đã phải theo mẹ đến tòa thăm cha. 
Đi đòi tiền công không đúng cách, anh Nghĩa vướng lao lý
Đi đòi tiền công không đúng cách, anh Nghĩa vướng lao lý

Trời rét căm căm khiến hai má đứa trẻ đỏ au. Bị cáo nhìn con ngủ say sưa trong vòng tay rồi òa khóc. Giọt nước mắt nóng hổi rớt trên má đứa trẻ khiến thằng bé lần nữa giật mình. Chị bị cáo an ủi em trai, bảo ráng ôm con thêm chút nữa, chứ phải đến lúc ra tù, mới lại được ôm thằng bé. Mà biết đâu lúc đó, thằng bé đã biết đi, biết chạy rồi.

Đang uống bia thì người thân điện thoại bảo cần tiền nộp học cho con trai, Nguyễn Nghĩa (39 tuổi, ngụ TP Đà Nẵng) liền cầm dao tự chế ra công trình (thi công rào chắn đường cao tốc) mục đích hù dọa để anh Thiện (chủ thi công công trình) trả nợ 3 triệu đồng tiền công. Vì Thiện không có tiền trả nên Nghĩa dùng dao chém vào xe anh Thiện làm lưỡi dao rơi xuống đường. Nghĩa tiếp tục dùng cán dao đánh vào ngực anh Thiện khiến anh này ngã xuống đường. Nghĩa đến lán trại xách bình hơi (trị giá 1,6 triệu đồng) về nhà, mục đích để Thiện không có máy làm sẽ phải trả tiền công cho mình. Nào ngờ, tiền đóng học phí cho con còn chưa lấy được, Nghĩa đã phải tra tay vào còng vì tội “cướp tài sản”. Những ngày ngồi trong trại giam, lòng người đàn ông ấy càng rối bời bời, không chỉ lo lắng bản thân phải sống cảnh lao tù, mà bởi mẹ già, con dại và người vợ đang đến kỳ sinh nở không biết trông cậy vào ai.  

Một gia đình khốn khổ

8h sáng. Trời mưa lâm thâm. TAND huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) vẫn còn vắng tanh. Có lẽ cái rét căm căm của ngày tháng chạp đã khiến phiên tòa diễn ra muộn hơn mọi bữa. Thế nhưng từ rất sớm, người thân bị cáo đã có mặt tại tòa. Họ đứng run run nơi khoảng sân lạnh lẽo. Gió đông lất phất lướt qua, khiến ai nấy đều run lên cầm cập. 

Vợ bị cáo mặc chiếc áo ấm rộng thùng thình, hai tai nhét kín bông gòn vì mới sinh dậy. Trên tay chị  là đứa con trai mới hơn tháng tuổi ngủ say sưa. Trời rét căm căm, khiến hai má thằng bé đỏ au. Mẹ bị cáo tuổi xấp xỉ 80. Gương mặt bà chi chít vết chân chim. Chiếc khăn bạc màu trùm kín trên đầu vẫn không thể giúp bà lão xua đi cái lạnh. Đôi vai già nua co lại, chốc chốc lại run lên khe khẽ. Mẹ chồng, nàng dâu cứ thế ngồi rúm ró nơi hành lang hun hút gió đợi xe tù chở người thân đến. Gương mặt hai người phụ nữ âu sầu, tím tái như bầu trời u ám đầy mưa hôm ấy.

Từ ngày bị cáo bị bắt, trong căn nhà ba gian vốn đã cũ kỹ, tồi tàn của họ giờ càng thêm trống trải, lạnh lẽo. Đêm trước phiên tòa xét xử, cả gia đình bị cáo sống trong phập phồng lo âu. Góc bếp cũng lạnh tanh vì người phụ nữ già nua trong gia đình thôi không lụm cụm sửa soạn cho gánh bánh canh buổi sớm. Bà quyết định nghỉ một buổi để đến dự khán. Đến tòa, sẽ được thấy con trai, nhưng bụng bà lại lo ngay ngáy. Bà sợ một ngày không buôn bán, lúc về trong nhà có gì mà ăn. 

Có ai ngờ, ở tuổi gần đất xa trời, bỗng dưng bà lão 80 như bà lại thành trụ cột trong gia đình, là chỗ dựa cho đứa con dâu đang trong kỳ sinh nở và hai đứa cháu vẫn còn thơ dại. Ngày trước, mẹ bị cáo mưu sinh bằng gánh bánh canh buổi sớm. Nhưng tuổi già, ốm đau khiến gánh bánh canh đứt đoạn. Khi Nghĩa bị bắt, vợ lại sinh nở, người mẹ già ấy lại phải quay lại trằn lưng với gánh bánh canh để nuôi con, nuôi cháu, rồi chắt chiu dành dụm để bới xách cho con ở trong tù.  

Phiên tòa hôm ấy, bà cứ ngồi ngẩn ngơ nhìn con trai: “Lâu nay hắn hiền như đất, sao thành kẻ cướp được. Không hiểu sao, hôm ấy đi đòi tiền lại thành đi cướp…”. Gương mặt bà lão ủ rủ. Rồi bà khóc. Vợ bị cáo thì ngồi thút thít từ đầu đến cuối. HĐXX nhiều lần hỏi, nhưng chị chẳng thể trả lời trong tiếng nấc nghẹn. Nhà cực khổ, phải chạy ăn từng bữa. Khi chị mang thai đứa thứ ba, cuộc sống lại khó khăn thêm một chút. Bầu bí, ốm nghén khiến chị chẳng thể đi làm. Gánh nặng kinh tế, đành đổ hết lên vai người chồng. Cả gia đình năm người sống nhờ cả vào đồng lương làm thuê ít ỏi của Nghĩa. “Áp lực tiền bạc, nên mới khiến anh đi đòi tiền công kiểu đó”, chị thút thít, đôi mắt vẫn còn ngỡ ngàng khi nhìn chồng đứng chơ vơ ở chiếc bàn dành riêng cho bị cáo.

Mẹ bị cáo 80 tuổi nay phải thay con trai nuôi các cháu
Mẹ bị cáo 80 tuổi nay phải thay con trai nuôi các cháu

Đi đòi tiền công lại hóa kẻ cướp

Bị cáo Nghĩa khai trước tòa, hôm đó bị cáo chỉ muốn đến đòi tiền công anh Thiện nợ. Bị cáo hoàn toàn không có ý định cướp tài sản. “Bị cáo nghĩ nếu lấy cái bình hơi, anh Thiện không có máy để làm, sẽ phải trả tiền công cho bị cáo”. Nghĩa có vẻ suy sụp khi đứng trước tòa. “Không có ý định cướp, tại sao bị cáo lại mang theo dao tự chế?”. Bị cáo bảo, đó là con dao dùng để cắt chuối trong nhà. Bị cáo lo anh Thiện không trả tiền, thì sẽ không “hù” được vì ở lán trại có rất nhiều công nhân, nên bị cáo mới đem theo dao.

Bị cáo khóc. Bị cáo nói mình hối hận vô cùng. Bị cáo có lỗi với bị hại. Nhưng bị cáo có lỗi nhiều nhất vẫn là gia đình mình. Chỉ vì bị cáo, mà hôm nay trời lạnh căm căm, mẹ bị cáo vẫn phải lụi cụi đến tòa để nhìn bị cáo. Vợ bị cáo mới sinh dậy còn non ngày non tháng vẫn phải mang tơi đội nón đến đây thăm chồng. Cả ba đứa con của bị cáo nữa, phải lếch thếch đến đây thăm cha. Nhất là đứa trẻ vừa mới sinh. Người đàn ông từng là trụ cột chèo chống một gia đình, giờ lại phải rơi những giọt nước mắt hối hận nơi tòa án.

Bị cáo và bị hại vốn là bạn bè, cũng từng là đồng nghiệp với nhau. Khi bị hại nhận được công trình thi công rào chắn đường cao tốc, bị hại thuê bị cáo đến làm. “Công trình làm chưa xong. Người ta cũng chưa trả tiền cho tôi, nên tôi không có tiền trả cho bị cáo. Tôi nói anh Nghĩa làm thêm một ngày nữa là xong, tôi sẽ trả tiền, nhưng anh Nghĩa lại không chịu”, Thiện khai.

Sau khi vụ án xảy ra, vợ bị cáo không có tiền, nhưng vẫn chạy vạy kiếm được hơn một triệu, mang bồi thường cho bị hại, mong chuộc lại một phần lỗi lầm của chồng. “Vợ bị cáo có mang tiền qua bồi thường. Nhưng tôi thấy gia đình bị cáo khổ quá, nên cho lại gia đình số tiền đó để chị mua sữa cho các cháu. Tại tòa tui không yêu cầu gì. Công ty không thiệt hại gì. Người cũng không bị chi. Lúc trước tui có viết giấy bãi nại cho bị cáo, giờ xin tòa giảm nhẹ mức án thấp nhất cho bị cáo, để bị cáo về với gia đình”.

Bị hại bảo, bị bị cáo đánh đau nên rất giận. Sau đó lại nhận được tin nhắn khiêu khích của bị cáo, trong người nóng lên nên mới chạy lên công an báo án. “Tui chỉ định dọa cho anh Nghĩa thất kinh. Để công an mời lên làm việc cho anh sợ. Chứ đâu có nghĩ sự việc lại lớn như thế, nghiêm trọng như thế. Đâu nghĩ anh sẽ phải ngồi tù?”, bị hại nói.

Luật sư Võ Công Hạnh (Công ty luật Công Khánh), người bào chữa cho bị cáo, trước khi tranh luận đã chia sẻ với HĐXX, trong những lần ông vào trại tạm giam gặp bị cáo, bị cáo chỉ đau đáu một điều, bị cáo ở trong trại có cơm ăn, nhưng mẹ già, vợ đang gần đến ngày sinh nở và hai con nhỏ bên ngoài chẳng biết nương tựa vào ai. Gia đình bị cáo neo người. Người đàn ông duy nhất có thể xách được xô nước trong nhà thì lại bó gối ngồi trong trại. Bị cáo lo lắng và suy sụp rất nhiều. 

Theo luật sư Hạnh, việc cách ly bị cáo ra khỏi cộng đồng là không cần thiết, luật sư đề nghị tòa thay đổi bằng biện pháp ngăn chặn khỏi nơi cư trú. “Tôi đồng ý thân chủ của tôi có tội. Nhưng hành vi của bị cáo xuất phát từ mục đích dân sự là đòi lại tiền công mà người bị hại đang còn nợ mình. Hoàn cảnh của bị cáo vô cùng ngặt nghèo, gia đình khó khăn, nhà neo người, vợ bầu bì mới sinh. Bị cáo thành khẩn khai báo, tích cực tác động người thân khắc phục hậu quả. Tôi đề nghị tòa xem xét cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất của khung hình phạt liền kề theo luật định, để bị cáo sớm trở về gia đình nuôi mẹ già, con nhỏ”. (Bị cáo bị truy tố khoản 2 Điều 133 BLHS với mức hình phạt từ 7 -15 năm tù. Khoản 1 thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm tù).

Giờ nghị án, chị gái vội vã bồng con trai bị cáo đến cho bị cáo nhìn mặt. Khi bị cáo bị bắt tạm giam, vợ bị cáo vẫn đang mang bầu. Mà giờ ra tòa, con bị cáo đã hơn một tháng tuổi. Nhìn đứa con trai đỏ hỏn lần đầu nhìn thấy, mắt bị cáo lại rơm rớm. Đôi tay bị còng cứng khiến bị cáo ôm con một cách lóng ngóng. Chiếc còng lạnh ngắt đụng vào tay khiến đứa bé giật thót cả người. Em mới hơn tháng tuổi đã phải theo mẹ đến tòa thăm cha. Trời rét căm căm khiến hai má đứa trẻ đỏ au. Bị cáo nhìn con ngủ say sưa trong vòng tay mà nước mắt chảy dài. Giọt nước mắt nóng hổi rớt trên má đứa trẻ khiến thằng bé lần nữa giật mình. Chị bị cáo an ủi em trai, bảo ráng ôm con thêm chút nữa, chứ phải đến lúc ra tù, mới lại được ôm thằng bé. Mà biết đâu lúc đó, thằng bé đã biết đi, biết chạy rồi.

Sau khi nghị án, tòa tuyên phạt bị cáo ba năm tù giam. Bị cáo òa khóc. Mẹ và vợ con bị cáo cũng òa khóc. Bị cáo bị dẫn giải đi từ lâu, mà vợ và mẹ bị cáo vẫn còn ngồi bần thần trong phòng, mặt nhòe nhoẹt nước mắt. Mà ngoài kia, mưa mỗi lúc càng thêm nặng hạt, như đang khóc cùng hai người phụ nữ.

Đọc thêm