Bộ Ngoại giao muốn 'ôm' thêm 3 khu đất đắc địa tại Hà Nội: Bộ Tài chính thẳng thừng nhận xét 'không phù hợp'

(PLVN) - Đề xuất mới đây của Bộ Ngoại giao về phương án xử lý 3 cơ sở nhà, đất tại số 2 ngõ 294 Kim Mã, số 300 Kim Mã và số 3 Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) đã gây sự chú ý của dư luận, không chỉ vì liên quan căn nhà số 300 bị đồn đoán “có ma” lâu nay. Đề xuất này còn khiến người ta băn khoăn vì có dấu hiệu không phù hợp quy định về sắp xếp lại, xử lý tài sản công.
Được Bulgari bàn giao lại từ tháng 5/2018, sau hơn 2 năm hiện nhà 300 Kim Mã vẫn bỏ không.
Được Bulgari bàn giao lại từ tháng 5/2018, sau hơn 2 năm hiện nhà 300 Kim Mã vẫn bỏ không.

Đề nghị Bộ Ngoại giao kiểm tra, rà soát lại

Theo kết quả kiểm tra hiện trạng, 3 cơ sở nhà, đất đang “tạm giao” Bộ Ngoại giao quản lý sử dụng, có 2 khu đất đang bỏ trống, 1 khu cho thuê.

Thứ nhất, tại khu đất số 2 ngõ 294 phố Kim Mã (quận Ba Đình) rộng 9.563m2, có khuôn viên riêng biệt, gồm 8 ngôi nhà, 1 bể bơi, 1 sân tennis, hiện đang bỏ trống, không sử dụng. Trước đó, khu đất này được Bộ Ngoại giao cho Đại sứ quán Thụy Điển thuê làm trụ sở.

Với khu đất này, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao mới đây đề xuất được… hợp tác với các đối tác bên ngoài để xây dựng tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao “phục vụ hoạt động đối ngoại”.  

Thứ hai, với khu nhà đất số 300 Kim Mã, rộng 3.243m2. Khu đất này được Ủy ban hành chính TP Hà Nội (nay là UBND TP Hà Nội) cấp cho Bộ Ngoại giao từ năm 1977 để xây dựng trụ sở làm việc.

Năm 1982, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Bulgaria ký Hiệp định về việc trao đổi đất, mua và xây dựng các ngôi nhà để sử dụng cho các cơ quan đại diện ngoại giao của hai nước. Năm 1986, khu đất này được thu hồi theo quyết định của UBND thành phố Hà Nội để bàn giao cho Đại sứ quán Bulgaria theo nội dung Hiệp định đã ký giữa hai Chính phủ (Chính phủ Bulgaria cũng giao một bất động sản cho Đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Sofia của Bulgaria).

Đến năm 1987, Bộ Ngoại giao bàn giao khu đất này cho Đại sứ quán Bulgaria. Phía Bulgaria đã ký Hợp đồng với Binh đoàn 11 Tổng cục Hậu cần để xây dựng Tổ hợp Đại sứ quán Bulgaria tại khu đất này. 

Năm 1991, Binh đoàn 11 đã xây dựng xong khu nhà có diện tích 1.307m2 trên diện tích đất 3.243m2, trên nền tảng một ngôi nhà thời Pháp để lại để làm trụ sở Đại sứ quán Bulgaria. Khu nhà 3 tầng kết cấu kiên cố với hàng loạt hạng mục như các phòng làm việc, hành lang, cầu thang, bể bơi, lối đi, khuôn viên cây xanh, tường rào bao quanh... Tuy nhiên sau khi xây dựng xong, do không còn nhu cầu sử dụng nên phía Bulgaria đã bỏ trống từ đó đến nay.

Khu đất số 2 ngõ 294 phố Kim Mã rộng 9.563m2, có khuôn viên riêng biệt, gồm 8 ngôi nhà, 1 bể bơi, 1 sân tennis, hiện đang bỏ trống, không sử dụng.
 Khu đất số 2 ngõ 294 phố Kim Mã rộng 9.563m2, có khuôn viên riêng biệt, gồm 8 ngôi nhà, 1 bể bơi, 1 sân tennis, hiện đang bỏ trống, không sử dụng.

Ngày 22/9/2016 hai Chính phủ đã ký Hiệp định về bất động sản của Cơ quan đại diện ngoại giao hai nước thay thế cho Hiệp định đã ký năm 1982. Ngày 8/5/2018, Hiệp định được hai bên tiến hành thực hiện và khu đất tại số 300 Kim Mã bắt đầu do phía Việt Nam quản lý.

Ngày 8/5/2018, Cục trưởng Cục Phục vụ Ngoại giao Đoàn, Bộ Ngoại giao Nguyễn Trắc Bá và Đại biện lâm thời Marinela Milcheva Petkova, Đại sứ quán Bulgaria tại Việt Nam đã ký Biên bản bàn giao, tiếp nhận ngôi nhà số 300 Kim Mã. Hơn hai năm đã qua, hiện khu nhà đất này vẫn đang bỏ trống, chưa sử dụng.  

Thứ ba, với khu đất tại số 3 Nguyễn Gia Thiều (quận Hoàn Kiếm) đang được Bộ Ngoại giao cho Cục An ninh điều tra, Bộ Công an thuê làm trụ sở làm việc.

Với ba tài sản này, mới đây, Bộ Ngoại giao có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất “giữ lại, tiếp tục quản lý, sử dụng để phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao”. 

Tại văn bản phản hồi, Bộ Tài chính cho rằng theo quy định của Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công, đề xuất của Bộ Ngoại giao như nêu trên là chưa phù hợp.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ Ngoại giao rà soát, báo cáo thêm về mục đích sử dụng 3 cơ sở nhà đất nêu trên, đồng thời đề xuất phương án xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

“Sau khi Bộ Ngoại giao kiểm tra, rà soát lại 3 khu đất vàng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với UBND TP Hà Nội xem xét, xử lý theo quy định về sắp xếp, xử lý tài sản công”, văn bản của Bộ Tài chính nêu rõ.

“Cả 3 cơ sở nhà đất này đều thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi”

Vì sao Bộ Tài chính thẳng thắn nhận định đề xuất của Bộ Ngoại giao là “không phù hợp”? Trả lời câu hỏi này, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho biết: “Theo tôi, trong đề xuất của mình, dù Bộ Ngoại giao đã “thòng” thêm câu “để phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao”, nhưng có lẽ chưa làm rõ được căn cứ này; nên trước tiên đề xuất phải đúng theo quy định của Luật Quản lý tài sản công và Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài sản công ngày 31/12/2017”.

Quy trình xử lý 3 nhà đất trên ra sao?

LS Hiệp cho hay, với các nhà đất trên, theo khoản 3 Điều 5 Nghị định 167, trước tiên Bộ Ngoại giao phải lập phương án sắp xếp lại, xử lý gửi Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính sau đó chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra hiện trạng quản lý, sử dụng và lập biên bản với từng cơ sở; dự kiến phương án sắp xếp lại, xử lý; lấy ý kiến UBND TP Hà Nội.

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, UBND Hà Nội có ý kiến bằng văn bản với phương án đó. Bộ Tài chính sau đó báo cáo Thủ tướng xem xét, phê duyệt phương án nếu còn có ý kiến khác nhau giữa Bộ Tài chính và UBND Hà Nội; hoặc xem xét, phê duyệt phương án theo thẩm quyền . 

“Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 167 về thu hồi nhà đất, có 6 trường hợp được nêu ra, thì các nhà đất nêu trên đều “thừa” tiêu chuẩn để thu hồi. Các nhà đất này đều thuộc trường hợp: Cơ quan, tổ chức, đơn vị không sử dụng liên tục quá 12 tháng; Nhà, đất đã được giao, được đầu tư xây dựng, mua sắm nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng, khai thác không hiệu quả; Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tự nguyện trả lại nhà, đất cho Nhà nước… Nói cách khác, theo Nghị định 167, cả 3 cơ sở nhà đất này đều thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi”, LS Hiệp cho hay.

“Đề xuất của Bộ Ngoại giao được giữ lại 3 cơ sở nhà đất này tiếp tục sử dụng có phù hợp pháp luật không? Theo Điều 8 Nghị định 167, tổ chức đơn vị chỉ được giữ lại tiếp tục sử dụng trong trường hợp nhà đất sử dụng đúng mục đích được Nhà nước giao. Thế nhưng ở đây, hai trong ba cơ sở nhà đất đã bị bỏ hoang nhiều năm nay. Nhà đất số 3 Nguyễn Gia Thiều thì đang cho cơ quan khác thuê.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 173 Luật Đất đai, tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất thì không có quyền cho thuê. Dẫn chứng quy định pháp luật cụ thể như vậy để thấy rằng với 3 cơ sở nhà đất trên, đã có dấu hiệu vi phạm trong quản lý sử dụng của Bộ Ngoại giao. Nhà đất bỏ hoang và cho thuê bao nhiêu năm nay, nhưng vẫn đòi “giữ lại tiếp tục sử dụng” là quá vô lý”, vẫn lời LS Hiệp.  

LS Hiệp băn khoăn: “Tôi “lăn tăn” nhất về đề xuất của Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn về khu đất gần 1ha tại ngõ 294 Kim Mã, khi đơn vị này xin được… hợp tác với các đối tác bên ngoài để xây dựng tổ hợp căn hộ, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao phục vụ hoạt động đối ngoại.

Đã có rất nhiều bài học khiến Nhà nước mất đất, mất tiền khi một số cơ quan dùng đất “liên doanh hợp tác” như vụ án tại Quân chủng Hải quân, một số vụ án tại TP HCM… Vì vậy, trong công cuộc phòng chống tham nhũng lãng phí đang quyết liệt giai đoạn hiện nay, tôi cho rằng đề xuất của Bộ Ngoại giao càng không hợp lý, dễ khiến dư luận phản ứng”.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc. 

Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn đang quản lý bao nhiêu nhà đất?

Theo giới thiệu trên website mofa.gov.vn, Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Ngoại giao, “được giao quản lý và cho thuê một số biệt thự tại Hà Nội, tập trung chủ yếu tại khu hành chính quốc gia và các căn hộ tại 2 khu Ngoại giao đoàn Vạn Phúc (số 298 phố Kim Mã, Ba Đình) và Trung Tự - Kim Liên (số 6 phố Đặng Văn Ngữ, Đống Đa”. 

“Quản lý 115 biệt thự tại các khu phố đẹp nhất của Hà Nội; 440 căn hộ tại hai khu Đoàn Ngoại giao Vạn Phúc và Trung Tự - Kim Liên để làm văn phòng và nhà ở cho Đoàn Ngoại giao và các đối tượng khác. Hiện Cục tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất với 2 dự án lớn là Tòa nhà Văn phòng 63 – 71 Láng Hạ gồm 12 văn phòng (400m2/ văn phòng) và Khu biệt thự Vạn Phúc IV gồm 17 biệt thự (1.000m2/ biệt thự) phục vụ làm văn phòng Đại sứ quán và nhà riêng Đại sứ”.

Giới thiệu cho rằng: “Các biệt thự của Cục có nhiều ưu thế: Tập trung chủ yếu tại khu hành chính quốc gia, dọc theo các phố trung tâm của TP như Trần Phú, Điện Biên Phủ, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… Đây là các biệt thự kiểu Pháp cổ, được thiết kế đầu tư xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, phần lớn nằm trong danh mục bảo tồn văn hóa của TP Hà Nội, với thiết kế, kết cấu cổ kính, sang trọng lịch lãm, trong quần thể khuôn viên khu đất sân vườn rộng từ 300m2 đến 3.500m2 rất thích hợp sử dụng lâu dài”.

Đọc thêm