Buộc thôi việc Cựu thẩm phán TAND Thị xã SơnTây (Hà Nội) nhận hối lộ

(PLVN) - Liên quan đến vụ bà Bùi Thị Tú (nguyên Thẩm phán TAND TX Sơn Tây) và bà Lê Việt Phương (nguyên Thư ký Tòa) bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” hồi tháng 2/2020, ông Hoàng Đức Ngọc, Chánh án TAND TX Sơn Tây cho biết, sau 1 tháng bị tạm giam thì cả hai bị can đều đã được tại ngoại. Tuy nhiên, cả hai người đều đã bị cho thôi việc từ trước khi khởi tố bị can.
TAND Thị xã Sơn Tây.
TAND Thị xã Sơn Tây.

Ông Ngọc cho biết, vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” (do bà Tú làm chủ tọa phiên tòa) được đưa ra xét xử từ tháng 6/2019, trước thời điểm ông Ngọc về nhận chức vụ Chánh án nên ông không nắm cụ thể về diễn biến, cũng như nắm cụ thể việc Chánh án cũ đã cho bà Tú, bà Phương nghỉ việc thế nào. Hiện đơn vị vẫn đang tiếp tục phối hợp theo yêu cầu của CQĐT VKSND Tối cao trong công tác điều tra vụ án. Theo thông tin từ CQĐT thì việc điều tra sắp hoàn tất.  

Trước đó, cuối tháng 5/2019, Thẩm phán Tú được phân công thụ lý vụ án “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” mà bị cáo là anh N.V.T (SN 1989, trú Hải Phòng). Theo hồ sơ, sáng 3/12/2018, anh T điều khiển xe ô tô kéo rơ-moóc đến ngã tư đường tránh QL 32 và đường Thanh Mỹ đi Đền Và (phường Trung Hưng, TX Sơn Tây). Do không chú ý quan sát, không giảm tốc độ nên anh T đã để đầu xe ô tô đâm vào xe đạp của ông Q điều khiển (đang sang đường). Vụ va chạm làm ông Q ngã ra đường, mắc dưới gầm đầu xe ô tô và tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu.

Tại phiên sơ thẩm ngày 27/6/2019, bị cáo đã bị HĐXX (do bà Tú làm chủ tọa) tuyên phạt 15 tháng tù, cho hưởng án treo (thời gian thử thách 30 tháng).

Đến khoảng tháng 8/219, bị cáo đã có đơn tố cáo việc bà Tú và bà Phương đã nhận tiền của mình để xử án treo trong vụ án này.

Theo tố cáo của anh T., trước khi phiên tòa diễn ra, anh đến Tòa gặp Thẩm phán Tú để hỏi về vụ án thì được nói anh sẽ phải án tù giam. Anh trình bày hoàn cảnh khó khăn và xin được hưởng án treo thì được bà Tú bảo sang gặp bà Phương (thư ký) để nói chuyện cụ thể. Bà Phương cho biết để hưởng án treo thì anh phải “bồi dưỡng” tiền. Sau khi anh đồng ý, Phương cho biết đã thống nhất với thẩm phán và sẽ nhận trước 50 triệu. Số còn lại chuyển sau.

Anh đã đưa 50 triệu cho Phương theo yêu cầu trên và được Phương cho số tài khoản của bạn để anh chuyển tiếp 5 triệu theo thỏa thuận. Đến ngày 24/6/2019, anh chuyển 5 triệu đồng vào tài khoản trên cho Phương.

Bình luận về diễn biến trên, một số LS đánh giá, dựa kết quả xác minh, điều tra ban đầu, CQĐT VKSNDTC đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Nhận hối lộ”. Theo Điều 354 BLHS thì hành vi nhận hối lộ được hiểu là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ...”.

Như vậy, trong vụ này, ngoài việc làm rõ nội dung “thỏa thuận” giữa anh T và các bị can thì CQĐT cũng cần phải xác định rõ việc anh T có đáng được hưởng án treo trong vụ án vi phạm giao thông hay không. Nếu đáng được hưởng án treo nhưng vẫn bị “dọa” xử “án giam” thì cần phải xem xét về tình tiết “sách nhiễu” tại khoản 2 Điều 354 BLHS.

Trường hợp không đáng được hưởng án giam nhưng HĐXX đã cho anh T được hưởng án treo trong vụ án này thì cũng cần xem xét đến vai trò, trách nhiệm của KSV trong vụ án. Bởi chính đại diện VKSND Sơn Tây cũng đã đề nghị HĐXX phạt anh T từ 15-18 tháng tù cho hưởng án treo. Sau khi có bản án sơ thẩm thì VKS cũng không có ý kiến gì về mức án này.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về kết quả điều tra vụ án. 

Đọc thêm