Cả nước chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ Tây Bắc

(PLO) - Gần nửa tháng trôi qua sau khi lũ ống, lũ quét tàn phá nhiều khu vực tại các tỉnh Tây Bắc, mưa lớn vẫn tiếp tục gây sạt lở đất, phá hủy hàng chục ngôi nhà dân, cần phải di dời khẩn cấp. Cùng với việc khắc phục hậu quả mưa lũ của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 2, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương, các tổ chức chính trị xã hội… đã kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ. 
Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra ngày 10/8/2017 tại bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình. 
Hiện trường vụ sạt lở đất xảy ra ngày 10/8/2017 tại bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình. 

Sơ tán khẩn cấp 24 hộ dân ở bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình

Ngày 10/8, trên địa bàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tiếp tục có mưa lớn khiến nhiều khu vực tiếp tục sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của hàng trăm người dân. Ban Chỉ huy khắc phục hậu quả mưa lũ tại huyện Mù Cang Chải đã phát lệnh sơ tán khẩn cấp toàn bộ 24 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình.

Mới 6h sáng ngày 10/8, Ban Chỉ huy khắc phục hậu quả mưa lũ tỉnh Yên Bái đặt tại huyện Mù Cang Chải do ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái làm Trưởng ban đã họp bàn về tình hình sạt lở đất tại bản Phình Hồ. Nhận lệnh từ Ban Chỉ huy, 30 phút sau, Thượng tá Nguyễn Văn Xuân - Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 đã tổ chức cơ động toàn bộ 220 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đang tham gia khắc phục hậu quả lũ quét tại thị trấn Mù Cang Chải về xã Dế Xu Phình để tổ chức sơ tán nhân dân. 

Tại bản Phình Hồ, đất, đá từ trên cao sạt xuống khiến toàn bộ 24 căn nhà sàn của người dân nơi đây bị phá hủy, trong đó có hai căn bị đổ nghiêng; phần lớn diện tích ngô, lúa của người dân trong bản bị vùi lấp. Ông Khang A Tông, Trưởng bản Phình Hồ cho biết: “Ngay từ đêm 9/8, khi đất đá sạt xuống đã có hàng trăm cán bộ, chiến sĩ quân đội, dân quân đến giúp chúng tôi sơ tán người và tài sản đến các vị trí an toàn. Tuy nhiên, việc tháo dỡ, di chuyển nhà rất khó, vì quanh đây chỗ nào đồi núi cũng rất dốc, lại đang bị sạt lở, nên chúng tôi cũng chưa biết phải chuyển nhà đi đâu”.

Thượng tá Nguyễn Văn Xuân cho biết: “Ngay sau khi ổn định nơi đóng quân, chúng tôi đã tổ chức cho bộ đội dựng nhà bạt để người dân trú mưa tại nơi ở tạm và cùng bà con tháo dỡ, di chuyển nhà. Nếu điều kiện thời tiết không diễn biến phức tạp thì trong khoảng một tuần, đơn vị sẽ giúp bà con bản Phình Hồ hoàn thành việc di chuyển toàn bộ 24 căn nhà và làm mới 6 căn khác do đã bị sập từ trước đó…”.

Đại tá Phạm Hồng Chương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Yên Bái cho biết: “Đến nay, Ban Chỉ huy khắc phục hậu quả mưa lũ của tỉnh Yên Bái đặt tại huyện Mù Cang Chải vẫn duy trì lực lượng hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ thuộc các đơn vị: Bộ CHQS tỉnh; Sư đoàn 316 và các lực lượng công an, dân quân khắc phục hậu quả tại các điểm trường, khu dân cư và tìm kiếm 6 nạn nhân đang bị mất tích”. 

Cả nước chia sẻ khó khăn với người dân vùng lũ

Trước sự thiệt hại to lớn do lũ ống, lũ quét gây ra tại các tỉnh Tây Bắc gồm Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, những ngày tháng 8 vừa qua, bên cạnh sự giúp đỡ tích cực của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang các tỉnh và Quân khu 2 trong công tác khắc phục hậu quả, đồng bào các dân tộc nơi đây còn thường xuyên nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội… Đến 18 giờ ngày 10/8/2017, Ban tiếp nhận của huyện Mù Cang Chải đã tổ chức tiếp đón 240 đoàn là các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đến ủng hộ nhân dân vùng lũ với số tiền gần 9 tỷ đồng và hơn 4 tấn gạo, gần 6.000 thùng mì ăn liền, 20 tấn xi măng và một số hàng tiêu dùng khác.

Đoàn công tác của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm gia đình anh Cà Văn Uẩn (ở bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, Sơn La); thăm cháu Quàng Thị Xuân (trú tại bản Hốc, xã Nặm Păm, học sinh lớp 10A3, Trường THPT thị trấn Mường La) tại Bệnh viện Đa khoa Mường La. 

Tại BV Đa khoa Mường La, Đoàn công tác của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã đến thăm nhiều bệnh nhân trước đó bị lũ cuốn may mắn được bộ đội cấp cứu kịp thời, sau đó đưa vào bệnh viện điều trị, hoàn cảnh của ai cũng rất đáng thương. Chị Phạm Thị Miên - giáo viên Trường Tiểu học Chiềng San được nhà trường giao hàng ngày ở viện chăm sóc cho các cháu xúc động cho biết: “Do bị lũ cuốn, cả hai cháu Nhịa và Hua đều bị thương nặng; may mắn hai em được các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 754, Bộ CHQS tỉnh Sơn La không quản ngại khó khăn, vất vả, dùng cáng khiêng bộ gần 20 cây số đưa ra huyện cấp cứu kịp thời. Chúng tôi thực sự biết ơn các anh bộ đội”.

Đọc thêm