Cách nào bảo vệ phụ nữ thoát tay 'dê xồm'?

(PLO) - Chỉ đơn thuần là dạy đàn ông cách tôn trọng phụ nữ hay thúc đẩy bình đẳng giới mới là cách giúp giải quyết tận gốc nạn quấy rối tình dục trên những chuyến xe?
Theo Tổ chức ActionAid Việt Nam, tại Hà Nội và TP HCM, 11% nữ sinh được hỏi cho biết họ đã từng bị QRTD trên các phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu là xe buýt (ảnh minh họa).
Theo Tổ chức ActionAid Việt Nam, tại Hà Nội và TP HCM, 11% nữ sinh được hỏi cho biết họ đã từng bị QRTD trên các phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu là xe buýt (ảnh minh họa).

11% nữ sinh được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối tình dục

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức ActionAid Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển về việc tiến hành khảo sát, thu thập ý kiến của 2.046 người từ 16 tuổi trở lên tại các địa bàn ở Hà Nội và TP HCM về thái độ và trải nghiệm cá nhân trong vấn đề quấy rối tình dục (QRTD) nơi công cộng, có tới 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng bị QRTD với các hành vi thường thấy như: huýt sáo, trêu ghẹo, bình phẩm về hình thức bề ngoài, nhìn chằm chằm, sờ mó vào bộ phận nhạy cảm trên cơ thể.

Tại Hà Nội và TP HCM, 11% nữ sinh được hỏi cho biết họ đã từng bị QRTD trên các phương tiện giao thông công cộng, chủ yếu là xe buýt. Theo đó, cứ 10 nữ sinh đi xe buýt thì sẽ có 1 nữ sinh từng bị quấy rối. Và cứ 3 phụ nữ và trẻ em gái bị QRTD trên xe buýt thì chỉ có 1 người là dám phản ứng lại. 

Theo quan điểm của TS. Khuất Thị Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội thì: “Thực ra vấn nạn QRTD phụ nữ trên các phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam không phải là mới nhưng mãi gần đây mới được chính thức nêu lên qua nghiên cứu của CGFED, Plan Quốc tế và Actionaid. QRTD khá phổ biến nhưng ít được quan tâm ở Việt Nam vì vẫn là chủ đề nhạy cảm. Nhiều phụ nữ là nạn nhân của QRTD không dám lên tiếng vì xấu hổ và sợ bị đánh giá”.

Cách nào chặn tay “dê xồm”?

Tháng 21/2014, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có Văn bản số 372/CV-UBATGTQG gửi UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM về hiện tượng QRTD trên các phương tiện vận tải hành khách công cộng. Văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội và TP HCM quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng, đoàn thể triển khai các biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa nguy cơ của hiện tượng này như tăng cường chiếu sáng công cộng, niêm yết số điện thoại công an xã, phường sở tại cũng như các thông điệp hướng dẫn cách ứng phó khi bị QRTD.

Bên cạnh đó, tăng cường tập huấn kỹ năng tự bảo vệ cho phụ nữ và các em gái; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ mạnh dạn tố cáo với cơ quan chức năng khi bị QRTDvà các hành vi xâm hại khác. Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực có nguy cơ xảy ra tình trạng QRTD phụ nữ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cá nhân có hành vi xâm hại phụ nữ và các em gái. Đầu năm 2015, UBND TP Hà Nội có yêu cầu nghiên cứu thí điểm một số tuyến xe buýt dành riêng cho khách nữ, nhưng sau đó vì lý do ùn tắc giao thông và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nên việc thí điểm xe buýt dành riêng cho phụ nữ và trẻ em đã tạm dừng. 

Cuối tháng 10 mới đây, vấn đề an toàn cho phụ nữ trên những chuyến xe đã được một lần nữa xới xáo lại khi Grab cùng đại diện của UN Women Việt Nam và các nghệ sỹ showbiz Việt tham gia tọa đàm với chủ đề “An toàn cho phụ nữ trên những chuyến xe và mọi hành trình của cuộc sống” với mong muốn truyền tải rộng rãi thông điệp: “Chấm dứt nạn quấy rối, xâm hại và bạo lực, đảm bảo an toàn cho phụ nữ trên những chuyến xe và mọi hành trình cuộc sống là nhiệm vụ của tất cả mọi người, đặc biệt là nam giới”.

Ca sĩ Hoàng Bách, đại diện hình ảnh cho chiến dịch “HeForShe- Vì những người phụ nữ quanh ta” do Cơ quan Liên Hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) khởi xướng và triển khai toàn cầu cho rằng: “Trên thực tế, nhiều nam giới thường cho mình cái quyền “trêu chọc” phụ nữ mà không ý thức được rằng đó là những hành vi “quấy rối” khiến cho phụ nữ cảm thấy khó chịu và cảm thấy bất an. Bách có cả con trai, con gái và Bách đều dạy các con giá trị của sự tôn trọng lẫn nhau, không chỉ với anh chị em mà còn với bạn bè, người thân, những người khác các con gặp trong xã hội. Sự tôn trọng sẽ là mấu chốt để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và có thể biến thông điệp “An toàn cho phụ nữ trên những chuyến xe và mọi hành trình của cuộc sống” thành hiện thực”. 

Còn theo TS. Khuất Thị Thu Hồng, nên nghiên cứu một số giải pháp như lắp đặt camera và đường dây nóng trên các phương tiện giao thông công cộng kể cả xe buýt, tàu hoả; tập huấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ lái xe, phụ xe để họ can thiệp kịp thời khi hiện tượng QRTD xảy ra trên phương tiện của mình phụ trách. Song song với đó là điều chỉnh/ban hành các quy định pháp luật và các chế tài để xử lý nghiêm các vụ QRTD. Đồng thời mở rộng truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân để xã hội của chúng ta thực sự an toàn cho phụ nữ và các trẻ em gái. Cuối cùng, bất bình đẳng giới chính là cội nguồn của vấn đề. Các giải pháp tổng thể thúc đẩy bình đẳng giới sẽ giúp giải quyết tận gốc nạn QRTD.

Đọc thêm