Cái hộp đèn tiếp tục là tâm điểm của các cuộc tranh cãi khi định nghĩa taxi chỉ gắn với cái hộp đèn.

(PLVN) - Chỉ trong vòng khoảng 1 tháng nhưng ở 2 báo cáo liên tiếp gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra 2 quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau là gắn hộp đèn hay không gắn hộp đèn lên nóc xe Taxi công nghệ cho thấy chính cơ quan Nhà nước đang hết sức lúng túng trong nhận định và đưa ra phương thức để quản lý loại hình giao thông hiện đại này.    
Giải pháp quản lý Taxi công nghệ tiếp tục gây tranh cãi (ảnh Internet)
Giải pháp quản lý Taxi công nghệ tiếp tục gây tranh cãi (ảnh Internet)

Cơ quan quản lý lúng túng

Như báo PLVN đã thông tin, ngày 11/9/2019, Bộ GTVT có công văn số 8598 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về quy định xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe.

Tại công văn mới nhất này, Bộ GTVT cho biết là tiếp tục chọn phương án giữ nguyên quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Tức là, xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12 x 30 cm”.

Tuy nhiên, trước đó chừng 1 tháng, cũng trong báo cáo gửi người đứng đầu Chính phủ, Bộ quản lý Nhà nước về giao thông lại có quan điểm khác khi trong dự thảo lần thứ 10 Bộ này đã đề nghị bãi bỏ quy định bắt buộc gắn cố định hộp đèn trên nóc xe đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (trong đó có xe taxi công nghệ).  

Và điều gây ngạc nhiên hơn là các lần dư thảo thứ 6, 7, 8, 9 trước đó nữa Bộ GTVT lại quan điểm giống lần mới nhất là quy định gắn hộp đèn nóc đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ.  

Việc đưa ra các quan điểm trái ngược nhau và liên tục thay đổi lập trường trong các lần dự thảo phần nào phản ánh sự lúng túng từ cơ quan quản lý nhà nước trong việc đưa ra giải pháp quản lý đối với loại hình vận tải hiện đại này. Trong văn bản mới nhất, theo Bộ GTVT, hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe.

Đối với lần thay đổi này, Bộ GTVT cho biết, khi đơn vị vận tải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi thì dù là sử dụng phương pháp tính tiền theo phương pháp truyền thống (tính tiền bằng đồng hồ) hay phương pháp mới (tính tiền bằng phần mềm) đều phải chịu điều kiện kinh doanh chung như nhau để đảm bảo sự công bằng (trong đó có việc gắn hộp đèn).  

Hơn nữa đây là quy định đã và đang được thực hiện từ nhiều năm nay, cho đến hiện tại vẫn đang ổn định; ngoài ra các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi, nhiều doanh nghiệp kinh doanh taxi trong quá trình tham gia góp ý đều cho rằng đây là quy định rất cần thiết để đảm bảo nhận dạng, chống xe hoạt động tàng hình, hoạt động chạy dù, đồng thời nhận diện góp phần cho công tác tổ chức giao thông đô thị, phục vụ công tác tuần tra kiểm soát được tốt hơn.

Định nghĩa taxi bị gắn với cái hộp đèn hay lý sự của sự yếu kém

Quan điểm gắn hộp đèn lên nóc xe taxi công nghệ là trùng nguyện vọng lâu nay mà Hiệp hội Taxi truyền thống của cả 3 miền đang đấu tranh.

Bởi theo luồng quan điểm này, ngay từ khi ra đời mặc dù đều có các sản phẩm có thể thay thế nhau theo pháp luật cạnh tranh nhưng taxi công nghệ đã có được lợi thế rõ rệt về chính sách pháp luật so với taxi truyền thống, bao gồm những lợi thế về điều kiện hình thức (không cần có biện pháp nhận diện như hộp đèn, tem), lợi thế về thuế suất, lợi thế về chi phí cho lao động (không cần ký hợp đồng lao động, không mất chi phí đào tạo, bảo hiểm, kiểm tra sức khỏe định kỳ, đột xuất cho lao động), lợi thế về chi phí cho hoạt động kinh doanh (không cần có bộ phận ATGT, tổng đài).

Tuy nhiên, ở luồng ý kiến khác lại cho rằng, yêu cầu gắn hộp đèn gắn trên xe taxi truyền thống lên xe công nghệ là một sự không công bằng. Bởi xe công nghệ là 1 phát minh đem lại giá trị lớn cho xã hội, thể hiện xu thế phát triển thời công nghệ số. Việc đem cái hộp đèn của taxi truyền thống ra chụp lên đầu xe công nghệ, thì đó không phải là sự công bằng, mà đó là sự thụt lùi của xã hội.

Luồng ý kiến này cũng cho rằng, Taxi truyền thống, thay vì phải bắt kịp sự phát triển và cạnh tranh được với xe công nghệ thì lại an tâm sống như cũ bằng cách chụp cái mũ lên xe công nghệ.

Phía Grab cũng từng cho rằng, nếu Việt Nam quản lý chặt taxi công nghệ như truyền thống sẽ để lại những hệ quả cực kỳ to lớn khi lợi thế của nền kinh tế chia sẻ và nền kinh tế kỹ thuật số sẽ biến mất nếu bị buộc phải áp dụng mô hình kinh doanh như công ty taxi.  

Theo tìm hiểu của PV được biết, để có được một Nghị định quản lý chặt chẽ, khoa học đối với loại hình taxi này, ngày 4/9/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 7926 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc góp ý đối với dự thảo Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.

Trong đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu một số bộ ngành, có ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ về 2 phương án đối với "xe taxi sử dụng phần mềm để đặt xe, hủy chuyến, tính cước chuyến đi" (tại khoản 3 Điều 6 dự thảo Nghị định)”.  

Hai phương án được Thủ tướng đưa ra lấy ý kiến từ các bộ ngành là Phương án 1 - phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe, kích thước tối thiểu của hộp đèn là 12x30cm (điểm b khoản 1 Điều 6) và Phương án 2 - không bắt buộc phải có hộp đèn với chữ "TAXI" gắn cố định trên nóc xe để nhận biết; mà thay bằng dùng phần mềm và phù hiệu xe hoặc biển hiệu xe, tem nhận diện dán trên kính xe, có kích thước đủ lớn và dễ nhận biết để quản lý.

Đọc thêm