Cần khởi tố vụ án hình sự liên quan đến vụ “xã hội đen” hoành hành ở đền Ông Hoàng Bảy

(PLO) - Sau khi Báo PLVN phản ánh sự việc nhiều đối tượng hoành hành, chống đối cơ quan chức năng, “quây” và đe dọa Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) khi vị này xuống kiểm tra, bắt quả tang các đối tượng đang tiến hành lấn chiếm đất trái phép, các cơ quan chức năng và lãnh đạo tỉnh Lào Cai khẳng định sẽ kiên quyết xử lý và làm rõ ai đứng ra “bảo kê” cho hàng loạt những vi phạm từ nhiều năm nay tại đền Ông Hoàng Bảy. Tuy nhiên, đến nay, vụ việc đang có biểu hiệu “chìm xuống”.
Các đối tượng quây kín khi cơ quan chức năng xuống hiện trường bắt quả tang tối 9/7/2016 (Ảnh cắt từ video clip).
Các đối tượng quây kín khi cơ quan chức năng xuống hiện trường bắt quả tang tối 9/7/2016 (Ảnh cắt từ video clip).

“Hoạt động ngầm” ở đền Ông Hoàng Bảy từ nhiều năm nhưng không bị xử lý

Như PLVN đã thông tin, tối ngày 9/7/2016, tại khu vực Đền Bảo Hà (Lào Cai), Hoàng Thị Minh Huệ cầm đầu khoảng 40 người, gồm các đối tượng được cho là “xã hội đen” tiến hành bao vây, “giam lỏng” đoàn công tác do ông Hoàng Quang Đạt – Chủ tịch huyện Bảo Yên dẫn đầu, chặn đứng hoạt động của đoàn công tác khi họ tiến hành lập biên bản vi phạm quả tang về hành vi lấn chiếm đất công và xây dựng công trình trái phép.

Theo những thông tin mới nhất mà PV PLVN thu thập được, khu vực lòng sông Hồng bị lấn chiếm, san lấp trái phép có vị trí cách mố cầu Bảo Hà về phía thượng lưu 37m đến di tích Đền Bảo Hà thuộc bản Bảo Vinh, xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Về hiện trạng, phần lòng sông bị san lấp có chiều dài: 186,5m, chiều rộng mặt nhỏ nhất: 6,5m, chiều rộng mặt lớn nhất: 29m, diện tích mặt khoảng: 4500 mét vuông, diện tích đáy khoảng 7000 mét vuông, với khối lượng đất, đá đổ xuống lòng sông khoảng: 50.000 mét khối.

Sơ đồ khu vực lòng sông bị lấn chiếm.
Sơ đồ khu vực lòng sông bị lấn chiếm.

Trên diện tích này, các đối tượng đã lấn chiếm đã xây dựng 14 công trình vi phạm, gồm  01 nhà sàn gỗ 2 tầng, 4 gian, kích thước: 15x9=135m2; 01 công trình khung sắt, kích thước: 8x4=32m2; 01 công trình nhà gỗ, kích thước: 12x4,8=57,6m2; 09 công trình bán mái khung sắt có diện tích từ 14 -:- 98 m2; 01 công trình bán mái cột gỗ, có kích thước: 9,7x7=67,9m2; 01 nhà nổi có kích thước 22 x 4,5 = 99m2; với số người cư trú và kinh doanh bán hàng lên tới 38 người.

Đã từ lâu, đây là một điểm nóng về quản lý và sử dụng đất đai. Năm 2008, khi Nhà nước xây dựng kè bảo vệ di tích đền Bảo Hà, người dân tụ tập phản đối nên công trình kè bị gián đoạn, chỉ thi công được từ di tích đến đường xuống bến phà cũ (không kéo dài đến cầu Bảo Hà).

Từ tháng 9/2010, xuất hiện nhà nổi Thuỳ Linh của Hoàng Thị Minh Huệ neo đậu tại bờ Sông. Từ năm 2012 đến nay, Hoàng Thị Minh Huệ liên tục dùng máy móc, thiết bị đổ đất san lấp lòng sông và dựng các công trình trái phép. 

Sau đó, diện tích lòng sông Hồng bị lấn chiếm đã trở thành một tụ điểm đánh bạc, tín dụng đen, bảo kê… và kinh doanh không có giấy phép các hoạt động dịch vụ phục vụ du khách. Tháng 1/2016, Công an tỉnh Lào Cai đã bắt vụ đánh bạc trên nhà nổi Thùy Linh với 62 đối tượng tham gia, tiến hành khởi tố 44 đối tượng. 

Đồn Công an Bảo Hà xử lý 02 vụ vi phạm: Nhổ biển báo trên QL279 và đánh nhau gây mất trật tự; Công an huyện Bảo Yên xử lý 01 vụ đánh nhau gây mất trật tự, và đỉnh điểm là vụ việc cản trở người thi hành công vụ vào tối ngày 9/7/2016.

Cần phải khởi tố vụ án hình sự

Theo Luật sư Nguyễn Quang Hùng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trong sự kiện tối ngày 9/7, các đối tượng đã có hành vi dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ.

Hành vi này xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ, và thông qua đó xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công.

Đe doạ dùng vũ lực là dùng lời nói, cử chỉ có tính răn đe, uy hiếp khiến người thi hành công vụ sợ hãi, phải chấm dứt việc thực thi công vụ... Sự đe doạ là thực tế có cơ sở để người bị đe doạ tin rằng lời đe doạ sẽ biến thành hiện thực. Ngoài ra, các đối tượng còn dùng thủ đoạn khác chống người thi hành công vụ là hành vi bôi nhọ, vu khống đối với người đứng đầu đoàn công tác là ông Chủ tịch Huyện.

“Hành vi này có đầy đủ dấu hiệu của tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 Bộ luật Hình sự. Tôi có theo dõi sự kiện này, có thể nói đây là sự kiện làm chấn động dư luận, cả trên báo chí truyền thông và mạng xã hội. Tôi được biết rằng Bảo Yên là một địa phương có nhiều dự án trọng điểm, ngoài Khu du lịch đền Bảo Hà là điểm du lịch tâm linh của cả nước, còn có Dự án Sân bay Bảo Yên đang sắp giải phóng mặt bằng, là nơi Nhà nước chuẩn bị thực thi các chính sách phát triển có tác động đến rất nhiều người, nhiều gia đình.

Điểm kinh doanh tấp nập này trước đây vốn là lòng sông Hồng.
Điểm kinh doanh tấp nập này trước đây vốn là lòng sông Hồng.

Nếu hành vi chống người thi hành công vụ nêu trên không được xử lý nghiêm, tất yếu sẽ tạo ra tâm lý coi thường pháp luật. Sẽ ra sao nếu người dân địa phương nhìn thấy một thực tế, là có những đối tượng tụ tập đông người để chống lại người thi hành công vụ, chống lại chính sách Nhà nước với mức độ nghiêm trọng như vậy mà vẫn có thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vì vậy, tôi rất ngạc nhiên là đến nay, chưa có một quan chức, hay cơ quan có trách nhiệm nào đề cập đến việc khởi tố vụ án hình sự đối với sự kiện tối 9/7” – Luật sư Hùng nói.

Về hành vi lấn chiếm đất đai, cũng theo Luật sư Nguyễn Quang Hùng: “Là một hành vi phạm tội ở mức độ nghiêm trọng. Diện tích lòng sông bị chiếm, san lấp lên tới 7000 m2. Các đối tượng đã thực hiện việc lấn chiếm có tổ chức, công khai và coi thường pháp luật”.

Điều 173 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai

1. Người nào lấn chiếm đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất, sử dụng đất trái với các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ ba mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a)Có tổ chức.

b) Phạm tội nhiều lần;

c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng.

Sau khi sự việc xảy ra, dư luận chưa thấy có một động thái nào từ phía các cơ quan điều tra của tỉnh Lào Cai, mà toàn bộ trách nhiệm xử lý vụ việc lấn chiếm đất và xây dựng công trình trái phép tại khu vực Đền Bảo Hà đang được dồn về UBND huyện Bảo Yên, và UBND Huyện mới chỉ đang “nhúc nhắc” lập kế hoạch thực hiện theo quy trình xử lý vi phạm hành chính.

Riêng về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Quang Hùng cho rằng: “UBND huyện Bảo Yên có thể đang vi phạm pháp luật, vì Điều 12 Luật xử lý vi phạm hành chính nghiêm cấm việc giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính”.

Cùng quan điểm với Luật sư, chúng tôi cũng cho rằng, cơ quan điều tra cần vào cuộc xác minh, làm rõ các dấu hiệu phạm tội trong vụ việc để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, và UBND huyện Bảo Yên cần cân nhắc các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính đối với vụ việc có dấu hiệu phạm tội như trên.

Báo PLVN sẽ tiếp tục phản ánh.

Điều 62 Luật xử lý vi phạm hành chính: Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

2. Trong quá trình thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định đó và trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày tạm đình chỉ phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự; trường hợp đã thi hành xong quyết định xử phạt thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

3. Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.

Trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, nếu cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có quyết định khởi tố vụ án thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải huỷ bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tài liệu về việc thi hành quyết định xử phạt cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.

4. Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự phải được thông báo bằng văn bản cho cá nhân vi phạm.

Đọc thêm