Càng sửa luật, án ma túy càng… tồn đọng

(PLO) - Hôm qua (19/7), lãnh đạo liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương đã tổ chức hội nghị nhằm thống nhất quan điểm giải quyết án ma túy. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí chủ trì hội nghị.
Tang vật ma túy trong một vụ án bị phát giác tại Thái Nguyên.
Tang vật ma túy trong một vụ án bị phát giác tại Thái Nguyên.

“Mê trận” quy định

Trước đây, để thực hiện thống nhất các quy định tại Chương VIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, ngày 2/12/2007, liên ngành các cơ quan tư pháp Trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (TTLT 17) hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương này. 

Sau khi TTLT 17 được ban hành, trong quá trình thực hiện, cơ quan tố tụng đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có sự thống nhất về nhận thức khi giám định hàm lượng chất ma túy thu giữ, về một số tình tiết định khung hình phạt… VKSNDTC đã tổ chức hội nghị tổng kết và có những đề xuất, kiến nghị gửi Bộ Công an là cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị xem xét sửa đổi, bổ sung TTLT 17. 

Về phần mình, TANDTC đã ban hành Công văn số 234/TANDTC ngày 17/9/2014 hướng dẫn các Tòa án địa phương giải quyết án ma túy, trong đó có nội dung bắt buộc phải giám định hàm lượng các chất thu giữ nghi là ma túy để lấy đó làm căn cứ kết tội bị cáo. 

Tiếp đến, ngày 29/10/2014, TANDTC tiếp tục ban hành Thông báo số 264/TANDTC-TB, trong đó quy định việc giám định hàm lượng chất ma túy là bắt buộc đối với các chất thu giữ được nghi là chất ma túy, để từ đó xác định trọng lượng chất ma túy làm căn cứ xử phạt bị cáo (trọng lượng ma túy tinh chất, nguyên chất). 

Thế nhưng, các văn bản trên sau khi được ban hành cũng đã gặp phải khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố tội phạm, khiến số vụ án bị tồn đọng khá nhiều.

Trước những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn giải quyết các vụ án ma túy và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai trong tố tụng hình sự, Bộ Công an đã chủ trì phối hợp với các cơ quan tư pháp Trung ương sửa đổi TTLT 17 bằng Thông tư 08. 

Thông tư 08 chỉ bắt buộc giám định hàm lượng chất ma túy với 4 trường hợp: chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể rắn, được hòa thành dung dịch; chất ma túy, tiền chất dùng vào việc sản xuất chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng; xái thuốc phiện; thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần.

Tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 08 của các cơ quan tố tụng Trung ương còn chưa thống nhất. Chẳng hạn, Công văn 315/TANDTC-PC ngày 11/12/2015 của TANDTC quy định thêm các trường hợp phải giám định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy mà Thông tư 08 không quy định, gồm những vụ án người phạm tội có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình; những vụ án mà trong giai đoạn xét xử, Tòa án xét thấy có đủ căn cứ xác định người có hành vi phạm tội đã pha trộn vào ma túy các chất không phải là ma túy, tiền chất… 

Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) Phan Văn Vĩnh phản ánh tội phạm ma túy hiện hết sức nghiêm trọng, là thách thức rất lớn đối với lực lượng công an. 

Tại các địa bàn trọng điểm, cuộc chiến với ma túy hết sức cam go. Các đối tượng sẵn sàng sử dụng băng nhóm, vũ khí nóng để chống trả cán bộ công an, kiểm sát như ở Sơn La. Đường dây tội phạm vận chuyển ma túy từ các vùng tam giác vàng về Việt Nam rất nhiều. Theo hồ sơ quản lý, có khoảng 203 ngàn đối tượng. “Đấy là chưa kể còn số lượng lớn chưa lập được danh sách”, ông Vĩnh nói. 

Ông Vĩnh nêu quan điểm: “Đối với xét xử tội phạm, chúng ta phải thượng tôn pháp luật. Các công văn trên đều thể hiện ý chí tấn công tội phạm của các cơ quan tố tụng, song cần lựa chọn một văn bản chung (là văn bản quy phạm pháp luật) để liên ngành thực hiện. Nếu để xung đột pháp luật, không xử lý được, tình trạng tội phạm sẽ phức tạp hơn”.

Phải sửa từ BLHS

Ở góc nhìn thực tiễn xét xử, ông Phạm Đức Tuyên (TAND TP Hải Phòng) cho rằng, từ khi có Công văn 234, thì thấy rằng một số trường hợp chất ma túy có trong những bánh heroin là rất ít. Theo ông Tuyên, yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy là cần thiết và Thông tư 08 chỉ đưa ra 4 trường hợp phải giám định là không đủ. Ông Tuyên đề nghị liên ngành thống nhất giám định trọng lượng ma túy, chứ không phải chứa chất ma túy.

Trong khi đó, đại diện VKSND TP HCM phân tích, nếu việc thực hiện TTLT 17 suôn sẻ thì từ khi có Công văn 234 lại vướng mắc, dẫn đến tỷ lệ giải quyết án rất thấp, chỉ được 33%. Rồi từ khi áp dụng Thông tư 08, tỷ lệ giải quyết án ma túy tăng lên 65%. 

Ở góc độ kỹ thuật, đại diện Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) cho biết, qua áp dụng Thông tư 08, thấy có một số mâu thuẫn như giám định có ra chế phẩm hay không, giám định các chất khác có làm chậm tiến độ hay không… “Mấu chốt của vấn đề là BLHS phải giải thích cần xác định hàm lượng hay trọng lượng. Trong khi đó việc giám định hàm lượng để tính trọng lượng hiện mới có khoảng 30 tỉnh, thành làm được. Mẫu chuẩn cũng rất khó khăn, trong khi có khoảng 50 loại ma túy ở dạng nước thì chúng ta mới có được khoảng 8 mẫu”, vị này nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhận định, qua các ý kiến, cho thấy sự áp dụng Thông tư 08 không thống nhất, ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và tiến độ xét xử các vụ án, đòi hỏi phải có sự thống nhất chỉ đạo liên ngành. 

Đồng tình, đại diện Ban Nội chính Trung ương nhận định đây là vấn đề khó và kiến nghị tới đây khi sửa BLHS phải khắc phục những bất cập này. 

Trước mắt, từ nay đến hết năm, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đề nghị: Khi thực thi, tất cả các cơ quan yêu cầu giám định phải nói rõ nội dung giám định đó có phải là chất ma túy hay không.  

Về giải pháp lâu dài, ông Bình thống nhất đề nghị sửa BLHS theo hướng thêm các tiền chất ma túy và VKSNDTC có trách nhiệm thay mặt các cơ quan tố tụng xây dựng Tờ trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để sửa. “Trong tố tụng hình sự, ma túy là chất phải bắt buộc giám định trong mọi trường hợp. Việc trình tự, thủ tục giám định như thế nào thì sửa TTLT 17 phải quy định rõ”, ông Bình nhấn mạnh.

Đọc thêm