Cảnh giác với “quỷ kế” mượn danh cán bộ xã lừa tiền người già

(PLO) - Lợi dụng lúc vợ chồng bà Trần Thị Mạnh (SN 1958, ở thôn Quý Thạnh 1, xã Bình Quý, Thăng Bình, Quảng Nam) ở nhà với đứa cháu nhỏ, ngày 22/3, một đối tượng giả mạo Bí thư xã đến nhà diễn vở kịch "khảo sát để trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà ở". 
Vợ chồng bà Mạnh kể lại chuyện bị lừa
Vợ chồng bà Mạnh kể lại chuyện bị lừa

Đáng nói, thủ đoạn lừa đảo này đã quá cũ nhưng nạn nhân vẫn mắc bẫy và trong phút chốc đã mất đi số tài sản sau bao nhiêu năm tích cóp.

Nữ "bí thư xã" tận tâm

Theo lời kể của bà Trần Thị Mạnh, trưa ngày 22/3, bà đạp xe đạp đi mua trấu về đun bếp. Bà đang đi thì có một phụ nữ lạ mặt chạy xe máy từ phía sau trờ tới và hỏi: “Có phải cô là cô Mạnh không ạ ?”. 

Bà Mạnh vừa xác nhận phải thì người phụ nữ hỏi tiếp: “Cô có phải là vợ chú Giáo không?”. Trong lúc vừa đi xe theo bà Mạnh, người phụ nữ tự giới thiệu mình là cán bộ xã, đồng nghiệp với con trai bà Mạnh, đang đi khảo sát các hộ gia đình nghèo để xét hỗ trợ xây dựng nhà. Người này cũng cho biết, hộ gia đình nào được xét chọn sẽ nhận được tiền vào dịp lễ 30/4 sắp tới. 

Đi được một quãng, người phụ nữ nói với bà Mạnh: “Con vừa mới ở nhà ông Thanh-Trưởng thôn và ông Quảng-Bí thư thôn ra đây. Giờ con chạy xuống nhà cô chú để khảo sát nhà cửa một chút. Cô gửi xe đạp rồi lên xe máy con chở về nhà cho nhanh”.

Nghe đối tượng nói chuyện mạch lạc, nêu chính xác tên chồng mình, tên bí thư và trưởng thôn chính xác khiến bà Mạnh không chút nghi ngờ lên xe đi theo người phụ nữ lạ mặt. 

Trên quãng đường về nhà bà Mạnh, thỉnh thoảng người phụ nữ lại chỉ vào các nhà dân hai bên đường, nói về tên chủ hộ, không sai tên nhà nào. Người này còn tỏ ra biết cả nhà người con gái của bà Mạnh ở gần đó, khiến bà tin chắc đây là một cán bộ xã rất tận tâm và sâu sát cơ sở.

Ông Đặng Giáo (SN 1957, chồng bà Mạnh) kể: "Tôi đang ở nhà cùng đứa cháu gái 9 tuổi thì người phụ nữ chở vợ tôi về nhà. Cô ta giới thiệu mình là bí thư đảng ủy xã, mới được chuyển về công tác không lâu. Lúc đó tôi nghĩ ngay đến cô Trang - cán bộ huyện vừa được chuyển về xã nhận chức bí thư nên hỏi cô ta có phải tên Trang không thì cô ta xác nhận luôn". 

Biết vợ chồng bà Mạnh đã tin tưởng, người phụ nữ liền đặt vấn đề, tại xã có 9 hộ nằm trong diện được xét hỗ trợ xóa nhà tạm với mức mỗi hộ 100 triệu đồng. Hộ bà Mạnh là hộ cuối cùng làm thủ tục nhận tiền, cần phải tiến hành nhanh để kịp giải ngân trước 30/4 sắp tới. 

Nói rồi vị nữ “cán bộ” lấy một tập hồ sơ và đọc đúng tên vợ chồng bà Mạnh cũng như năm sinh, quê quán. Tiếp đó, cô ta nói rằng đoàn khảo sát đang trên đường đến nhà bà Mạnh để làm thủ tục. Không để cho vợ chồng bà Mạnh xen ý kiến vào, cô ta rút điện thoại ra gọi hối thúc đoàn khảo sát đi khẩn trương hơn. 

Xong cuộc điện thoại, người "cán bộ" liền quay vào nói với vợ chồng bà Mạnh: "Để thủ tục nhanh chóng và lo một phần nước non cho thợ xây nhà, vợ chồng bác chuẩn bị gấp khoảng 20 triệu đồng, khi đoàn khảo sát đến thì đưa luôn".  

“Lúc đó tôi cũng thành thật nói là chúng tôi làm nông, khó khăn nên không có số tiền lớn như vậy nhưng cô ta nói không có thì đi mượn vì đó là “thủ tục” cần thiết trước khi giải ngân. Nếu không có tiền mặt thì đưa vàng cũng được. Tôi bảo để tôi gọi con hỏi thử xem nhưng cô ta gạt ngay và nói đây là hỗ trợ vợ chồng tôi nên con cái không liên quan. Cô ta còn nói, lấy tiền ra để chụp hình chứng minh là vợ chồng tôi có tiền chứ cô ta không trực tiếp lấy tiền", bà Mạnh kể. 

Vì đã tin nữ "cán bộ" nên bà Mạnh lấy 5 chỉ vàng cùng 3 triệu đồng tiền bán cặp bò cách đó vài ngày ra cho người phụ nữ chụp hình.

Sau khi chụp hình xong, đối tượng bảo bà Mạnh cất tiền, vàng và thay quần áo đẹp để chuẩn bị tiếp “đoàn khảo sát”. Nghe lời, bà Mạnh đi vào trong buồng cất tiền trong tủ và thay quần áo. Trong lúc này, đối tượng điện thoại cho ai đó, giọng gấp gáp: “Đi nhanh nhanh lên chứ đi chi mà lâu rứa!”. Nghe vậy, bà Mạnh tưởng rằng đoàn công tác đã sắp đến nơi nên trong lòng khấp khởi vội vàng thay quần áo.

Tiếp đó, nữ "cán bộ" bảo bà Mạnh đi mua nước để tiếp “đoàn công tác”. Khi bà vừa đi, cô ta tiếp tục bảo ông Giáo thay quần áo và thúc giục đứa cháu quét dọn nhà. Vài phút sau, đối tượng nói với ông Giáo: “Con đi xuống nhà ông Quảng, tí nữa con sẽ quay lại ngay”. 

Bà Mạnh mua nước về nhà, đợi một lúc lâu vẫn không thấy nữ "bí thư xã" quay lại, "đoàn công tác" cũng không thấy xuất hiện. Nghi ngờ có chuyện chẳng lành, hai vợ chồng bà vào buồng kiểm tra thì phát hiện số tiền, vàng vừa cất trong tủ đã không cánh mà bay. 

Cần cảnh giác

Lúc này ông Giáo nhớ lại, trong quá trình ông đi thay đồ, vị nữ “cán bộ” liên tục chê bộ đồ xấu, không hợp rồi bảo ông vào thay bộ đồ khác. Ông không ngờ đó là thủ đoạn khiến ông mất tập trung để cô ta dễ bề đột nhập vào buồng lấy trộm tiền, vàng.

Theo lời thuật lại của đứa cháu gái, lúc cháu đang quét nhà, ông Giáo đang thay đồ thì người phụ nữ đi vào buồng, một lúc sau vội vã bước ra và đi mất. 

Còn bà Mạnh thì bảo: "Khi nghe bảo đưa tiền, tôi đã bắt đầu cảnh giác muốn gọi điện hỏi con trai. Thế nhưng nó cứ thúc giục và tỏ vẻ khó chịu nên tôi đành làm theo ý nó". Theo mô tả của vợ chồng bà Mạnh, đối tượng khoảng 30 tuổi, cao 1,5m, nhuộm tóc màu nâu đen, mang giày ba-ta và đi xe máy hiệu Sirius. 

Nhận được tin báo, Công an xã Bình Quý, Công an huyện Thăng Bình đã có mặt tại hiện trường để xác minh sự việc. Theo lời các cán bộ điều tra, việc giả danh cán bộ là chiêu lừa quá cũ trên địa bàn Quảng Nam nhưng nhiều người cả tin vẫn sập bẫy. Các đối tượng thường chọn những người lớn tuổi, nhà ở nơi vắng vẻ rồi lân la tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, làng xóm để dễ dàng khiến nạn nhân tin tưởng.

Chúng thường chọn lúc người trẻ đi làm không có ở nhà để dễ bề thực hiện hành vi lừa người lớn tuổi, người dân cần cảnh giác đối với thủ đoạn lừa đảo này. Trường hợp nghi ngờ, có thể tìm cách mật báo cho người thân và cơ quan chức năng để kịp thời vạch mặt đối tượng.

Đọc thêm