Cao tốc 34 ngàn tỷ vẫn luẩn quẩn trong... vòng xoáy bê bối

(PLVN) - Dù Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nghiêm khắc phê bình, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vẫn bỏ mặc vòng xoay Dung Quất (Quảng Ngãi) sạt lở tan hoang, chưa thể kết nối với cao tốc 34.500 tỷ đồng Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Chưa hết, 7 tuyến đường dân sinh ở huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) phục vụ thi công gói thầu A3 thuộc Dự án này vẫn chưa được hoàn trả cho dân.
Tuyến đường dân sinh ở huyện Bình Sơn hư hỏng nặng do phục vụ cao tốc nhưng chưa được hoàn trả
Tuyến đường dân sinh ở huyện Bình Sơn hư hỏng nặng do phục vụ cao tốc nhưng chưa được hoàn trả

Vòng xoay sạt lở vẫn bỏ mặc 

Dù cam kết với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ từ đầu tháng 12/2019 thi công trở lại vòng xoay Dung Quất để sớm kết nối vào tuyến cao tốc, nhưng đến nay công trường nơi đây vẫn đìu hiu, hoang vắng. Tình trạng sụt lún tại đây vẫn chưa được xử lý, gây nhiều nghi vấn. Chỉ sau trận mưa lớn trong hai cơn bão số 5 và 6, mái taluy vòng xoay Dung Quất sạt lở tan hoang.

Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (BQL) phân trần, do mưa lớn kéo dài nên việc đào bới, đắp đất không làm được. “Chúng tôi đợi trời nắng khô ráo mới có thể huy động nhân lực, phương tiện thi công trở lại”, ông Hưng nói. 

Theo ông Hưng, công trình đình trệ vì “cạn tiền” từ lâu. Hết thời hạn hiệp định vốn vay Ngân hàng Thế giới, VEC kiến nghị Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước xem xét bố trí từ nguồn vốn khác để tiếp tục thi công vòng xoay Dung Quất và kiến nghị này chưa được đáp ứng. Hiện chủ đầu tư còn nợ các nhà thầu đoạn cao tốc từ Quảng Ngãi đến Tam Kỳ (Quảng Nam) và phần vốn thi công vòng xoay Dung Quất khoảng 712 tỷ đồng. 

Lãnh đạo BQL liệt kê đơn vị này còn đang nợ các đơn vị thi công khoảng 70 tỷ với những phần việc đã hoàn thành ở vòng xoay Dung Quất. Các hạng mục dở dang này, cần hơn 200 tỷ nữa mới có thể kết nối cao tốc.

Phản bác thông tin BQL đưa ra, ông Đoàn Hà Yên, Phó Chủ tịch huyện Bình Sơn nói: “Năm ngoái VEC trả lời chờ xử lý sụt lún, không nghe đề cập thiếu vốn. Năm nay lại bảo cần bổ sung hàng trăm tỉ đồng nhà thầu mới tiếp tục thi công. Cách giải thích của chủ đầu tư như thế vô lý quá. Cơ quan chức năng cần thanh tra làm rõ khuất tất ở hạng mục công trình này”.

Mới đây, sau khi kiểm tra hiện trường vào cuối tháng 11/2019, Thứ trưởng GTVT Lê Đình Thọ đã phê bình nghiêm khắc lãnh đạo BQL để nhà thầu thi công vòng xoay Dung Quất ì ạch, chậm tiến độ kéo dài. Ông Thọ yêu cầu VEC đôn đốc các nhà thầu phải thu dọn sạch sẽ, huy động nhân lực cùng phương tiện cơ giới đẩy nhanh tiến độ thi công.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng cũng vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT đầu tư, nâng cấp tuyến QL24B, đoạn Km23+300 đến Km29+800 nhằm kết nối TP Quảng Ngãi với nút giao thông phía Bắc (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) thuộc tuyến cao tốc. Đây là đường huyết mạch liên kết các huyện đồng bằng, TP Quảng Ngãi và Khu kinh tế Dung Quất với tuyến cao tốc, các huyện miền núi Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà; nên lưu lượng phương tiện giao thông rất lớn.  “Việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường này với quy mô 4 làn xe tổng vốn 250 tỷ đồng là hết sức cấp bách nhằm giảm ách tắc và hạn chế tai nạn giao thông cho khu vực”, văn bản nhấn mạnh.

Việc khớp nối vòng xoay Dung Quất đang bị trì trệ
Việc khớp nối vòng xoay Dung Quất đang bị trì trệ

Nhà thầu Trung Quốc chây ì trả đường dân sinh 

Cũng liên quan cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ngày 24/12, UBND huyện Bình Sơn nhận văn bản báo cáo của Công ty TNHH Tập đoàn Công trình giao thông tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) về kế hoạch hoàn trả đường địa phương thuộc gói thầu A3, nằm trong dự án. Trước đó Giang Tô đã mượn 7 tuyến đường trên địa bàn huyện Bình Sơn để phục vụ thi công gói thầu A3 thuộc dự án cao tốc.

Ông Zhang Xiaoshe, Giám đốc dự án gói thầu A3, đã thông báo kế hoạch thi công chi tiết như sau: Nhà thầu cam kết hoàn trả bốn tuyến huyện và ba tuyến ở xã Bình Trung kéo dài từ 20/12/2019 đến 6/4/2020. Song ông này lại cho rằng “kế hoạch thi công có thể sẽ điều chỉnh tùy vào điều kiện thời tiết”. 

Ông Đoàn Hà Yên, Phó Chủ tịch huyện Bình Sơn cho biết, Giang Tô liên tục xin gia hạn kế hoạch hoàn trả các tuyến đường. Trước đó, nhà thầu này có buổi làm việc với huyện Bình Sơn, xin hoàn trả đến tháng 3/2020. Huyện không đồng ý đề xuất này vì việc hoàn trả đã bị “khất lần” nhiều lần. “Trước đây Giang Tô hứa hẹn hoàn thành các tuyến đường trước 30/10/2017 rồi cứ liên tục chây ì, chậm trễ”, ông Yên nói.

Huyện Bình Sơn yêu cầu Giang Tô trước mắt ưu tiên thi công hoàn trả các tuyến đường huyện ĐH.01 (thị trấn Châu Ổ đi xã Bình Minh), ĐH.02 (xã Bình Trung đi Bình An), ĐH.05 (xã Bình Nguyên đi Bình Khương) và tuyến đường từ trụ sở UBND xã Bình Trung đi Trạm trộn bê tông của nhà thầu nhằm phục vụ người dân đi lại, sinh hoạt an toàn trước, trong Tết Nguyên đán 2020.

Riêng tuyến đường huyện ĐH 06 (xã Bình Chánh đi Bình An) và hai tuyến đường ở xã Bình Trung, nhà thầu có trách nhiệm san lấp “ổ gà, ổ voi” đảm bảo cho người dân đi lại an toàn trong dịp Tết sắp tới. Phần hạng mục công trình còn lại, sau Tết nhà thầu có thể tiếp tục triển khai. “Nếu khó khăn về nhân lực, phương tiện, huyện sẵn sàng hỗ trợ để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ hoàn trả đường đảm bảo chất lượng, an toàn. Chúng tôi không chấp nhận Giang Tô tiếp tục xin khất, lùi thời gian đến sau Tết mới hoàn thành hoàn trả đường cho dân”, ông Yên nói. 

Hàng trăm hộ dân thôn Phú Lễ 1, xã Bình Trung, nơi có một trong các tuyến đường dân sinh trên, bày tỏ bất bình khi hay tin Giang Tô lại hứa hẹn. “Trời nắng bụi mù mịt, còn trời mưa, đường ngập nước. Cả năm nay nhiều vụ tai nạn đã xảy ra do sụp “ổ gà, ổ voi”. Mỗi ngày có hàng ngàn phương tiện qua lại mà đường hư hỏng nặng như thế này, ai cũng bức xúc. Chúng tôi phản ánh nhiều lắm rồi. Dân yêu cầu phải giải quyết trước Tết chứ như thế này không ai chịu thấu”, ông Lê Văn Hùng (thôn Phú Lễ 1) nói.

Thống kê của huyện Bình Sơn, năm 2019 địa phương này xảy ra 33 vụ tai nạn giao thông khiến 33 người chết, tăng đột biến so với năm 2018. Trước tình hình trên, huyện đã yêu cầu công an địa phương vào cuộc điều tra. Nếu xác định vụ tai nạn nào nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến nhà thầu Giang Tô chậm sửa đường, lập hồ sơ, xử lý hình sự. 

Ông Hoàng Việt Hưng, Giám đốc BQL, thừa nhận, Giang Tô chậm trễ trong việc hoàn trả các tuyến đường dân sinh mượn thi công dự án. BQL đã yêu cầu công ty này hoàn trả lại các tuyến đường trước Tết Nguyên đán 2020. Nếu tiếp tục chậm trễ, VEC sẽ trừ tiền bảo lãnh của nhà thầu chuyển sang qua cho địa phương làm. 

Trong khi đó, theo Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc thi công dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi ngang qua địa bàn cũng đã để lại nhiều bất cập. Ngoài việc các nhà thầu chậm trễ hoàn trả các tuyến đường dân sinh cho người dân, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị san lấp chưa được đền bù, kênh mương bị bồi lấp nhưng chưa khắc phục...

Đọc thêm