Cấp dưới thừa nhận “nợ”, cấp trên “phủi tay”!

(PLO) - Xung phong giao đất cho huyện để xây dựng trường học, nhưng không những không được hỗ trợ, bồi thường mà còn bị chính quyền bỏ qua các quy định, lấy thêm cả đất của cha lẫn con khiến vụ việc bị khiếu nại suốt 20 năm trời…
Ông Sơn trước phần đất do trường quản lý, cây cỏ mọc um tùm
Ông Sơn trước phần đất do trường quản lý, cây cỏ mọc um tùm
Xung phong giao đất làm trường
Ngày 09/3/1993, Đoàn cán bộ huyện Phú Quốc và Hiệu trưởng Trường THPT Phú Quốc lập biên bản về việc đã tiến hành đo đạc, kiểm tra thực tế diện tích đất và cây trồng trên đất của 05 hộ đồng ý giao đất làm trường học. 
Biên bản xác định ông Đặng Hồng Sơn (ngụ Dương Đông, Phú Quốc) có 02 thửa đất: Thửa thứ nhất rộng 8.100m2, trồng 289 cây đào (nằm trong quy hoạch trường) và thửa thứ hai rộng 2.700m2, trồng 100 cây đào (nằm ngoài quy hoạch trường). Giá bồi thường là 20.000 đồng/cây. Biên bản cũng ghi rõ: “Riêng phần trong khu trường căn cứ theo giấy cấp đất, còn phần ngoài và chờ qui hoạch đường trường không quản lý và cấp trên xem xét cụ thể có hướng chỉ đạo”.
Tuy nhiên, khi huyện tổ chức chi trả tiền bồi thường cho 05 hộ dân thì ông Sơn không nhận được thông báo, vài ngày sau,  bà Nguyễn Thị Lan (một hộ có đất bị thu hồi) đưa cho ông 1.000.000 đồng, nói là tiền bồi thường huyện nhờ đưa, số tiền còn lại huyện thiếu (!).
Ông Sơn cho biết: “Thời điểm đó ngân sách huyện còn eo hẹp, tôi rất thông cảm, nhưng khi phát hiện trường bao chiếm thừa khoảng 3.000m2 đất và sử dụng không đúng mục đích giáo dục, tôi làm đơn gửi các cấp chính quyền xin lại phần đất thừa và đổi lại, tôi không nhận số tiền bồi thường huyện còn thiếu”.
Sau khi kiểm tra, Ban Quản lý ruộng đất huyện, Địa chính huyện đều xác nhận: Trường xây dựng còn thừa khoảng 3.000m2 đất, đề nghị Ủy ban huyện giải quyết  đơn của ông Sơn để hoán đổi phần tiền huyện thiếu. Ngày 26/1/1994, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc ký: “Duyệt, giao lại nhà đất đo đạc lên sơ đồ tham mưu cho ủy ban để quyết định cấp đất sản xuất”. 
Trong lúc chuẩn bị việc giao trả lại đất thì có hộ dân làm đơn tố cáo ông Sơn đã nhận tiền bồi thường của người khác. Ngày 02/08/1995, UBND thị trấn Dương Đông tổ chức buổi giải quyết do ông Trần Quốc Việt – Quyền Chủ tịch thị trấn chủ trì, có đầy đủ thành phần gồm: Thanh tra, Tư pháp, Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và các đương sự. 
Tại Biên bản giải quyết, Thanh tra thị trấn kết luận: phần đất 8.100m2 có trồng 289 cây đào của ông Sơn được đền bù với số tiền là 5.780.000 đồng. Còn thửa đất 2.700m2 thì Nhà nước không tính tiền bồi thường. Sự việc được Chủ tịch UBND thị trấn kết luận: Ông Sơn không nhận tiền của người khác, phía huyện còn nợ ông Sơn 4.780.000 đồng. 
Đã không bồi thường còn lấy thêm đất
Mặc dù đã có kết luận rõ ràng như vậy nhưng phía nhà trường không những không có thành ý trả đất cho chủ cũ mà còn làm “tờ trình” xin giao thêm đất! Sau đó, huyện phớt lờ chuyện nợ tiền, ngược lại còn lấy 3.780m2 đất của cha ông Sơn (ông Đặng Neo) giao cho trường sử dụng vào năm 2003.
Giải quyết đơn khiếu nại của ông Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Thái Thành Lượm và Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương đã ra các quyết định giải quyết cho rằng: Nhà nước có xem xét bồi thường cây đào trên toàn bộ diện tích 10.800m2 đất cho ông Sơn với số tiền 7.780.000 đồng, ông Sơn thừa nhận đã nhận đủ tiền. Ngoài ra, ông Sơn được giao cấp đất khác sử dụng, từ đó bác khiếu nại.
Trong đơn khiếu nại lên Thủ tướng Chính phủ, ông Sơn cho rằng các quyết định của huyện và tỉnh “giống và sai như nhau”  vì  không đưa ra được các chứng cứ chi trả tiền bồi thường và việc hoán đổi đất khác cho ông. Ông khẳng định: huyện và tỉnh đã “phủi tay” đối với văn bản của UBND thị trấn Dương Đông thừa nhận nợ ông 4.780.000 đồng (tiền bồi thường 289 cây đào trong diện tích bị thu hồi 8.100m2) và không giải quyết bồi thường (đối với 100 cây đào trong diện tích 2.700m2) của ông. Việc cho rằng ông thừa nhận đã nhận đủ số tiền bồi thường 7.780.000 đồng  là “bịa đặt”.
Riêng với phần đất 3.780m2 của cha ông, tại Quyết định số 885/QĐ-UBND ngày 23/4/2007 của UBND huyện Phú Quốc thừa nhận: Năm 2003 nhà trường mới có “Tờ trình” xin giao diện tích đất trên cho trường, đã được UBND huyện chấp thuận, nhưng chưa được UBND tỉnh cho phép. Thế nhưng, UBND huyện không trưng ra được văn bản nào về việc thu hồi đất và bồi thường theo quy định đối với cha ông.
Ngày 12/12/2013, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 10530/VPCP-V.I  truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chuyển vụ việc của ông Sơn đến Thanh tra Chính phủ giải quyết theo quy định. Gần đây, ngày 17/4/2014, Đoàn Thanh tra Chính phủ đã có buổi làm việc với ông Sơn, các cơ quan chức năng tại tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc để làm rõ một số vấn đề. Hy vọng khiếu nại hơn 20 năm của ông Sơn sẽ được giải quyết dứt điểm, thấu tình, đạt lý.

Đọc thêm