Chính quyền TP Hạ Long có tiếp tục bỏ qua chỉ đạo của Thủ tướng?

(PLO) - Báo PLVN điện tử ngày 11/6 phản ánh việc chính quyền TP Hạ Long ra hàng loạt những văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi thực hiện cưỡng chế, đền bù giải phóng mặt bằng tại KCN Cái Lân (tổ 3, khu 10, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long. Động thái bỏ qua tinh thần thượng tôn pháp luật của TP Hạ Long khiến người dân nơi đây hết sức nghi ngại. Ngày 24/8, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ra văn bản chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc này…
Khu đất bị cưỡng chế
Khu đất bị cưỡng chế

“Coi trời bằng vung”

Để độc giả tiện theo dõi vụ việc, chúng tôi xin nhắc lại diễn biến trước đó xoay quanh những “mập mờ” của chính quyền TP Hạ Long khi ra hàng loạt những văn bản về cưỡng chế, đền bù giải phóng mặt bằng lô đất rộng 4,3 ha tại địa chỉ tổ 3, khu 10, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long.

Theo tìm hiểu của PV, lô đất này trước đây thuộc quản lý của Lâm trường Hồng Gai. Cuối năm 1993, UBND TP. Hạ Long có Quyết định giao cho ông Nguyễn Đình Bá (trú tại tổ 2, khu 9, phường Bãi Cháy, TP. Hạ Long) với thời hạn 50 năm.

Ngày 7/1/2005, ông Nguyễn Đình Bá chuyển nhượng lại diện tích đất trên cho ông Nguyễn Ngọc Hiền và ông Ngô Đình Quảng. Đến năm 2008, ông Hiền và ông Quảng chuyển nhượng 4,3 ha đất và tài sản trên đất cho bà Bùi Thị Tám (Giám đốc Xí nghiệp Thương mại Hạ Long).

Vậy nhưng đến ngày 24/5/2011, UBND TP. Hạ Long đã ra thông báo thu hồi chính thửa đất trên để xây dựng Khu xử lý nước thải của Khu Công nghiệp Cái Lân. Đơn vị được giao thực hiện dự án là Công ty TNHH Hoài Nam.

Để thực hiện dự án trên, UBND TP. Hạ Long giao cho UBND phường Bãi Cháy làm việc với ông Hiền và ông Quảng. Hai ông này cho biết đã chuyển nhượng khu đất này cho bà Tám, không còn quyền lợi gì tại đây và cam kết bằng văn bản không có tranh chấp với bà Tám nhưng UBND TP. Hạ Long vẫn không giao tiền đền bù cho bà Tám.

Ngày 26/12/2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định số 3566/QĐ-UBND về việc quy định giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2014. Thế nhưng UBND TP Hạ Long không quan tâm đến văn bản này của tỉnh khi vẫn áp giá đền bù cũ cho lô đất trên.

Theo luật đất đai, bà Tám cùng các chủ lô đất trước đó đều đầu tư tiền bạc, công sức tôn tạo, san lấp và lấn biển phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi lập phương án đền bù, các cơ quan liên quan đã không có phương án hỗ trợ công san lấp đất, cải tạo khu đất trên.

Một điều hết sức khó hiểu nữa đó là Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng vẫn lấy nguyên số liệu kiểm kê tài sản và giá trị tài sản trên đất ngày 14/9/2012 để áp giá đền bù vào thời điểm năm 2014 là không đúng, gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Bà Bùi Thị Tám tiếp tục khiếu nại cho đến năm 2014 chính quyền mới công nhận quyền sở dụng đất và ra quyết định bồi thường, hỗ trợ bà Tám với tổng số tiền là hơn 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, bà Tám không đồng ý bởi UBND TP Hạ Long không đối thoại với chủ sử dụng đất, không kiểm đếm hoa màu, cây trồng.

Ánh sáng cuối đường hầm!

Sau khi bị chính quyền TP Hạ Long liên tiếp “xử ép”, bà Bùi Thị Tám đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Sau đó Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc thẩm tra xác minh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và có Văn bản số 4356/ BTNMT –TTr ngày 31/10/2013 báo cáo Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị:

Thực hiện thu hồi đất dứt điểm 4.169,9m2 đất do Công ty TNHH Hoài Nam lấn chiếm để làm nhà tạm, bãi chứa gỗ, bãi chứa chất thải công nghiệp tại khu Công nghiệp Cái Lân, thu hồi 14.771m2 đất khi Công ty TNHH Hoài Nam hết thời hạn được thuê để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

Giao cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra năng lực của Công ty TNHH Hoài Nam, sự cần thiết của dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải thứ 2 trong Khu công nghiệp Cái Lân, xem xét nội dung phản ánh, đề nghị của bà Bùi Thị Tám để việc quản lý và sử dụng đất đạt hiệu quả.

Xem xét đề nghị của bà Bùi Thị Tám được quyền đầu tư trên đất đang sử dụng trong trường hợp đất thuộc diện thu hồi để đầu tư dự án có mục đích sản xuất kinh doanh theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 84/2007/NĐ – CP ngày 27/5/2007 của Chính phủ.

Trường hợp phải thu hồi đất để phục vụ theo mục đích chung theo quy hoạch thì bà Bùi Thị Tám là người đang sử dụng đất được giải quyết bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

Văn bản chỉ đạo của Thử tướng Chính phủ ngày 24/8
Văn bản chỉ đạo của Thử tướng Chính phủ ngày 24/8

Ngày 21/7/2014, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 5470/VPCP – V.I thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với nội dung đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng thời Văn phòng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo thực hiện xem xét, giải quyết cụ thể theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong Quý III năm 2014.

Sau khi nhận được văn bản chỉ đạo, ngày 14/8/2014 UBND phường Bãi Cháy đã có Văn bản số 348/ UBND gửi Xí nghiệp Thương mại Hạ Long về việc tạm dừng cưỡng chế đất.

Tuy nhiên ngày 15/8/ 2014, UBND  phường Bãi Cháy lại tiếp tục cưỡng chế đất trong khi bà Bùi Thị Tám vắng mặt. Cùng ngày Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh tiến hành bàn giao đất trực tiếp cho Công ty Hoài Nam.

Bị hành xử theo kiểu “coi trời bằng vung” của chính quyền TP Hạ Long, bà Tám tiếp tục có đơn “kêu cứu” gửi lên Thủ tướng Chính phủ. Ngày 2/12/2014, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ) với nội dung đồng ý với kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản số 4356/ BTNMT – TTr ngày 31/10/2013 như đã nêu trên.

Không những thế, để che giấu việc làm sai trái của mình, các cơ quan công quyền của TP Hạ Long có dấu hiệu tự lập nhiều giấy tờ giả liên quan đến quyền sử dụng lô đất của bà.

Cụ thể, UBND phường Bãi Cháy đã tự lập “bản chứng nhận nhà đất” ngày 25/12/2012 với nội dung bà Tám lấn chiếm đất của công ty Hoài Nam để hợp thức cho giấy chứng nhận đất của Công ty Hoài Nam) và một quyển chứng nhận quyền sử dụng đất số CT00145 ngày 24/06/2011 do các cán bộ phường Bãi Cháy tự ký.

Qua nhiều năm đấu tranh, đến năm 2014, bà Tám đã được UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP Hạ Long công nhận là chủ sử dụng lô đất. Và đến khi này, để biến báo, UBND phường Bãi Cháy lại có “biên bản chứng nhận nhà đất” khác được ký ngày 07/01/2014. Bà Tám cho biết, bà không hề biết hay ký nhận gì vào những giấy tờ này.

Với những dấu hiệu như trên, chuyện làm giả giấy tờ trên là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu hình sự rõ ràng. “Tôi đề nghị Viện khoa học hình sự, các cơ quan chuyên môn tiến hành giám định để làm sáng tỏ sai phạm này”, bà Tám bức xúc.

Mặc dù Văn phòng Chính phủ liên tiếp ra văn bản chỉ đạo nhưng chính quyền TP Hạ Long xem ra chưa có thời gian quan tâm đến những văn bản này. Sự việc bị đẩy đi xa hơn nữa đó là ngày 6/6/2016, UBND TP Hạ Long đã tổ chức cưỡng chế, san gạt tại khu vực đất trên mà không hề thông báo hay đưa ra quyết định cưỡng chế nào cho doanh nghiệp.

Mới đây nhấy, ngày 24/08/2016, Văn phòng Chính phủ đã tiếp tục ra văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc này, giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra, rà soát toàn bộ sự việc và đề xuất ý kiến xử lý lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2016.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, vụ việc trên sẽ được các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết dứt điểm trả lại niềm tin cho cho người dân TP Hạ Long, Hi vọng rằng, lẽ phải vẫn tồn tại và sự tôn nghiêm của pháp luật vẫn được thực thi!

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Đọc thêm