Chịu điều tiếng, vẫn quyết làm “bà đỡ” rau sạch cho nông dân

(PLO) -Điều luôn làm ông Trịnh Văn Vĩnh - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hòa Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP. Hà Nội trăn trở trong 8 năm qua là làm sao vừa tìm được đầu ra với giá tốt nhất cho nông dân trồng rau làng mình vừa phải đảm bảo các sản phẩm được bà con sản xuất ra luôn an toàn. 
Dự án RAT làm sống lại nghề trồng rau của làng Hòa Bình.
Dự án RAT làm sống lại nghề trồng rau của làng Hòa Bình.

Cơ hội từ dự án rau sạch

Làng Hòa Bình, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông vốn được coi là “vùng rau” nổi tiếng của tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) bởi truyền thống sản xuất của người dân địa phương cũng như khả năng cung ứng một lượng lớn rau ra thị trường. Cả phường có khoảng 200 ha đất nông nghiệp thì gần như dành hết cho người dân Hòa Bình trồng rau. 

Điều tréo ngoe là khi vấn đề ATTP trở thành vấn đề “nóng” của xã hội, người tiêu dùng ngày càng “quay lưng” với các sản phẩm rau không rõ nguồn gốc, sản xuất thiếu an toàn thì cánh cửa cho rau Hòa Bình vươn ra thị trường cũng ngày càng khép lại. Trồng rau sạch với chi phí cao nhưng giá bán lại rẻ mạt khiến không ít hộ dân muốn nhổ rau để trồng loại cây khác. 

Đúng lúc đó một dự án sản xuất rau an toàn (RAT) được quận Hà Đông đầu tư  triển khai tại địa bàn, cơ hội lại mở ra cho người dân ở đây. Nói như ông Trịnh Văn Vĩnh- Chủ nhiệm HTX Hoà Bình làng ông đã rất may mắn khi được quận “chọn mặt gửi vàng” để thực hiện dự án. 

Ông chủ nhiệm cho biết, có khoảng 300 hộ được tham gia tập huấn sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP một cách bài bản. Tiếp đó, năm 2008, quận đầu tư 4,5 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nước tưới hiện đại cho các vùng sản xuất rau đã được quy hoạch. 

Chủ nhiệm Vĩnh thẳng thắn, cứ tuyên truyền người dân sản xuất sạch nhưng nguồn nước sông Đáy ô nhiễm như hiện này thì làm sao mà sản xuất sạch được, muốn có rau sạch điều đầu tiên phải có nguồn nước sạch. 

“Nguồn nước được dự án đầu tư khoan sâu xuống lòng đất 60m, sau đó qua hệ thống xử lý lắng lọng rồi mới bơm lên tưới cho cây. Ống dẫn nước được chôn ngầm len lỏi đến từng thửa ruộng. Mỗi bờ ruộng sẽ có những cọc nước nhô lên, đến giờ bơm người dân cứ thế cắm vào để lấy nước tưới”- ông Vĩnh khoe hệ thống nước tưới sạch mà làng ông được đầu tư.  

Người dân Hòa Bình đã không để vuột mất cơ hội làm sống lại nghề trồng rau làng mình khi họ bắt đầu ý thức sản xuất rau an toàn như những nhà trồng rau chuyên nghiệp. 

Ông Vĩnh kể lại: Ngoài việc tham gia các lớp tập huấn trồng rau theo chuỗi, năm 2011, các hộ dân và  HTX Hòa Bình đã soạn thảo 1 bản cam kết cùng nhau sản xuất và cung ứng rau an toàn ra thị trường. 

Theo ông Vĩnh, những hộ ký cam kết tuân thủ sử dụng đúng nguồn nước sạch do quận đầu tư, bón đạm ure đảm bảo cách ly 10 ngày trước khi thu hoạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và nếu để xảy ra ngộ độc thì hộ đó phải chịu trách nhiệm với khách hàng, với HTX. 

“Từ năm 2011, dân Hòa Bình đã làm việc này, tức đã đi trước quy định của Bộ NN&PTNT về sản xuất rau an toàn mấy năm. Việc ký cam kết với nhau là để tạo cho người dân có trách nhiệm trong vấn đề sản xuất, đảm bảo sản phẩm cung cấp cho người tiêu dùng là  an toàn.  Rất mừng là từ khi ký cam kết đến nay chưa có hộ nào vi phạm cả. Rõ ràng chúng tôi và người thay đổi  ý thức và cách thức sản xuất theo hướng hiện đại”- ông Vĩnh phấn khởi.    

Ông Trịnh Văn Vĩnh Chủ nhiệm HTX Hòa Bình
Ông Trịnh Văn Vĩnh Chủ nhiệm HTX Hòa Bình  

“Bà đỡ” cho nông dân

Theo tìm hiểu của phóng viên Câu chuyện Pháp luật, vùng rau của làng Hòa Bình có thời điểm đã chuyển sang trồng cây ăn quả nhưng không hiệu quả. Sau khi dự án trồng rau an toàn được đầu tư, một phần lớn diện tích táo đã bị chặt sạch để lấy đất sản xuất. Thế nhưng mọi thứ cũng không hề dễ dàng với người làm rau ở đây. 

Ngay vụ đầu người dân đã hứng chịu thiên tai là cơn lũ lịch sử vào năm 2008, toàn bộ diện tích rau vụ đầu bị ngập và hỏng hết. Lúc đó, nhiều hộ dân gặp khó khăn cũng tỏ ý định bỏ trồng rau để quay lại trồng cây ăn quả. Nhưng nhờ được thành phố hỗ trợ giống nên sau khi nước rút bà con lại xới ruộng trồng rau. Nhưng hết khó khăn này lại tới khó khăn khác, năm đó, tuy được mùa, thu hoạch rất tốt nhưng lại không bán được. 

Theo chủ nhiệm HTX Hòa Bình, đó là bài học đầu tiên khi tập tành vào trồng rau an toàn. Để dự án mới ra đời không chết yểu, HTX bắt đầu đứng ra với tư cách “bà đỡ” cho nông dân để đi tìm thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm duy trì sản xuất. 

Ông Vĩnh nhớ lại, lúc dự án làm rau sạch ra đời, quận Hà Đông rất quan tâm có dành cho HTX Hòa Bình 2 cửa hàng để giới thiệu sản phẩm. Nhưng khi HTX mang rau sạch ra bán, giá có cao hơn rau bình thường chút đỉnh nhưng người mua lại thắc mắc rau sạch mà sao giá rẻ thế. 

“Người ta không hiểu chúng tôi đã được nhà nước hỗ trợ đầu tư hệ thống nước tưới sạch. Đó là một khoản chi phí đầu vào khá lớn, vì nhà nước đầu tư người dân đã không tính vào giá thành nên giá mới không cao”- ông Vĩnh kể.  

Rau an toàn ra cửa hàng bị chê vì giá rẻ, khó khăn trong việc tìm đầu ra, đích thân ông chủ nhiệm HTX này đã chủ động tìm đến gặp các hiệu trưởng các trường học trên địa bàn để liên hệ, tìm cơ hội hợp tác. 

Theo ông Vĩnh, ban đầu có 4-5 trường đồng ý sử dụng rau an toàn của Hòa Bình nhưng dần dần sau đó nhờ chất lượng sản phẩm chúng tôi cung cấp  nên hiện nay đã có khoảng 10 trường học, 5 cửa hàng và một số doanh nghiệp đồng ý sử dụng. 

Hiện nay, một ngày HTX Hòa Bình bao tiêu cho khoảng 60% lượng rau gồm: súp lơ, bắp cải, xu hào, rau ngót, rau mùng tơi, cải xanh, cải ngọt, cải cúc, rau dền, cà chua, đậu chạch của người dân Hòa Bình với giá cao hơn giá thị trường khoảng 1000-2000/kg. 

Vị chủ nhiệm này khiêm tốn khi cho rằng, HTX Hòa Bình chỉ là người hỗ trợ sản xuất cho bà con. Theo ông Vĩnh, điều kiện sản xuất người dân có rồi, nước sạch có rồi, đất sạch có rồi bây giờ còn mỗi biện pháp canh tác sao cho đúng và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. 

Chia sẽ bí quyết thành công, ông nói, cán bộ HTX phải hiểu, hiểu rồi mới nói được cho nông dân họ nghe và làm theo được. Ông cho rằng vấn đề tuyên truyền thay đổi nhận thức cho nông dân mới là vấn đề quan trọng. 

“Hàng năm Chị cục BVTV, Chi cục quản lý chất lượng đều  về lấy mẫu 2, 3 lần ở cửa hàng và cả ruộng để kiểm tra, kết quả đều tốt, đạt chất lượng. Tôi luôn nói làm sao để người dân hiểu lợi ích của việc làm RAT là nó sẽ đem lại chính lợi ích cho chính họ nên khi họ hiểu thì họ sẽ làm tốt. Sau 8 năm tham gia sản xuất RAT, hầu như các hộ duy trì thì thu nhập đều cao hơn những hộ khác.”- ông Vĩnh nhấn mạnh. 

Một trong những kế hoạch hiện nay của HTX Hòa Bình là muốn tiếp tục mở rộng được đầu ra và tăng thêm diện tích sản xuất RAT lên thêm khoảng 50 ha, đồng thời xây dựng được thương hiệu riêng cho rau Hòa Bình. 

Ông Vĩnh cho rằng việc triển khai mô hình từ dự án RAT là khá thành công và có thể mở rộng quy mô. Người dân địa phương đang tha thiết chính quyền tiếp tục cân đối ngân sách đầu tư nâng công suất máy bơm, hoặc thêm tổ máy, thêm hệ thống dẫn nước ra các vùng khác trong xã để đưa 50 ha sản xuất rau còn lại vùng rau nổi tiếng này vào quy trình sản xuất RAT. 

Đọc thêm